Cần có tội danh riêng cho hành vi tạt a xít

Bảo Nam| 02/04/2016 06:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tạt a xít được coi hành động hết sức dã man và độc ác vì để lại những di chứng vô cùng đau đớn cho nạn nhân. Thế nhưng, khung hình phạt cho tội danh này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Tội ác dã man

Sáng 30/3, trên đường đi học về, hai nữ sinh Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam (TP.HCM) bị hai thanh niên lạ mặt từ phía sau chạy tới tạt axít vào người. Hậu quả là một nạn nhân bị bỏng gần hết khuôn mặt, mắt trái không phục hồi. Một tội ác kinh khủng khiến nạn nhân suốt đời phải mang theo nỗi đau đớn trên khuôn mặt.

Cần có tội danh riêng cho hành vi tạt a xít

Nữ sinh bị tạt a xít ngày 30/3   (Ảnh: Người lao động) 

Gần đây, các vụ tạt a xít càng trở nên phổ biến. Trước đó vào tối ngày 16/9/2015, nạn nhân Lê Thanh Tùng (SN 1996, sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Sân khấu Điện ảnh), đang ngồi trong phòng trọ bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một nam thanh niên lạ bảo ra nhận quà của một bạn nữ. Khi Tùng ra đến đầu ngõ thuộc khu vực Văn Công thì bị hai nam thanh niên phóng xe máy qua và tạt axit vào người gây bỏng nặng.

Vào tháng 6/2015, vụ một đôi nam nữ đi xe Lexus ở Hải Phòng bị tạt a xít khiến người dân bản địa hết sức hoang mang. Hai nạn nhân là anh Trịnh Xuân Thanh và chị Nguyễn Thị Bích Phượng (làm nghề cầm đồ). Vào khoảng 15 giờ ngày 21/6/2015, sau khi rời nhà ra đầu ngõ để chuẩn bị lên xe Lexus đi có việc, vừa bước chân vào ghế lái, anh Thanh bị một người đeo khẩu trang kín mặt, tay cầm ca axit nhựa màu xanh hất thẳng vào trong xe làm anh và chị Phượng (đang ngồi ở ghế phụ) bị bỏng nặng. Cú tạt axít làm mặt anh Thanh bỏng nặng, còn chị Phượng bị cháy khu vực bả vai, cánh tay.

Những vụ tại axít không chỉ gây hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe  mà còn hủy hoại dung mạo, ảnh hưởng đến cả phần đời còn lại của nạn nhân, khiến xã hội căm phẫn. Vì những hậu quả đó, dư luận xã hội lên án gay gắt và đòi hỏi trừng trị tội phạm với hình phạt thật nặng, coi đó là hành vi giết người.

Tuy nhiên, hành vi này hiện này chỉ bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”. Theo Điều 104 BLHS, tùy theo mục tiêu và tỉ lệ thương tật của nạn nhân mà người tạt a xít có thể bị phạt tù 3 năm – 20 năm hoặc tù chung thân. Rất hiếm khi hành vi này bị xử tội “giết người” theo điều 93 BLHS.

A xít chỉ được coi là “hung khí nguy hiểm”

Hiện nay, việc sử dụng a xít để phạm tội chỉ được xem là hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm. Các điều luật không có quy định cứng rằng tạt a xít là hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, dã man. Khung hình phạt theo quy định mức cao nhất với tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 104 BLHS là tù chung thân, không có mức tử hình. Việc kết luận hành vi tạt a xít phạm tội “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích” còn phải dựa vào mục đích của người phạm tội.

Một số luật gia cho rằng hình phạt của tội danh Cố ý gây thương tích với hành vi tạt a xít chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với hậu quả của hành vi độc ác này gây ra.

Tuy nhiên nếu muốn xử về tội giết người thì phải chứng minh mục đích của kẻ phạm tội là tước đoạt sinh mạng của bị hại, hoặc hành vi khách quan chứa đựng khả năng nguy hiểm có thể chết người như tạt vào vị trí hiểm, dung loại a xít có nồng độ đậm đặc… hay hành vi phạm tội quyết liệt đến cùng thể hiện việc cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân…

Những trường hợp đó, không thể căn cứ vào hậu quả chết người có xảy ra hay không, vì tội giết người có cấu thành hình thức. Mặc dù, khi lượng hình về tội “Cố ý gây thương tích” trong trường hợp tỉ lệ thương tật cao và tội “Giết người” chưa đạt thì hình phạt cũng tương đương nhau, nhưng nếu bị định tội danh “Giết người” bao giờ hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn.

Theo các luật sư, khi xử lý tội phạm dùng a xít, phải xem xét đến các mặt chủ thể - khách thể, mặt chủ quan - khách quan hay động cơ và mục đích phạm tội của tội phạm để xác định đó là hành vi cố ý gây thương tích hay giết người. Tùy theo cấu thành tội phạm để xác định, bởi nói chung, a xít hay súng, dao… đều là các hung khí nguy hiểm khi tội phạm sử dụng chúng gây thương tổn cho người khác.

Cần có tội danh riêng cho hành vi tạt a xít

Một cô gái bị hủy hoại dung nhan vì a xít (Ảnh: An ninh thủ đô)

Dưới góc độ quy phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự tuy không định nghĩa thế nào là hành vi giết người nhưng khoa học luật hình sự đều thống nhất rằng, đó là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Nói cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác, tức là về ý chí, kẻ thủ ác mong muốn người bị tấn công chết, và họ dùng công cụ, phương tiện mà họ tin rằng sẽ dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Theo các luật sư, với hành vi tạt a xít, về ý chí, kẻ thủ ác chỉ mong muốn gây thương tích, cố tật cho nạn nhân mà không muốn tước đoạt tính mạng của họ; về công cụ, phương tiện phạm tội thì đã rõ, đó là a xít – một loại hóa chất gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Về mặt chủ quan của tội phạm, thông thường kẻ thủ ác mong muốn nhất trong các tình huống này là hủy hoại nhan sắc, thẩm mỹ phía bên ngoài cơ thể nạn nhân, còn nếu muốn giết nạn nhân, chắc hẳn kẻ thủ ác sẽ chọn hung khí khác, với thủ đoạn khác.

Nói như vậy không có nghĩa là không xảy ra tình huống nạn nhân bị chết do hành vi tạt a xít, nhưng cũng như hành vi cố ý gây thương tích, hậu quả chết người đôi khi vẫn xảy ra nhưng ngoài ý muốn của kẻ thực hiện hành vi tội phạm.

Như vậy, có thể nói, thực tế áp dụng pháp luật phần lớn căn cứ vào mặt chủ quan của tội phạm để xác định hành vi tạt a xít chỉ cấu thành tội cố ý gây thương tích và áp dụng chế tài của tội này.

Cần có một tội danh riêng

BLHS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 ghi nhận nguyên tắc xử lý nghiêm hành vi dùng a xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dù tỷ lệ thương tật dưới 11% với mức hình phạt đến 3 năm tù. Trong trường hợp gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì mức hình phạt có thể tù chung thân.

Trước vấn nạn dùng a xít để giải quyết mâu thuẫn một cách tàn ác, có ý kiến cho rằng liên ngành tố tụng cần sớm có hướng dẫn riêng về loại hành vi này, chỉ rõ trường hợp nào xử về tội “Giết người”, trường hợp nào là “Cố ý gây thương tích” để pháp luật vận dụng thống nhất, đồng bộ.

Theo quan điểm của các luật sư, với tính chất tàn bạo và hậu quả nặng nề mà hành vi tạt a xít gây ra, cần phải có một mức xử phạt mạnh mẽ, quyết liệt hơn hiện nay. Nếu như không thể quy kết đây là hành vi giết người thì nên quy định một tội danh riêng đối với hành vi này với chế tài đặc biệt nghiêm khắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có tội danh riêng cho hành vi tạt a xít