Chuyện chủ đầu tư tòa nhà Keangnam “xin trả” việc quản lý tòa nhà cho UBND Tp. Hà Nội sau rất nhiều tranh chấp về phí quản lý một lần nữa cho thấy vấn đề quản lý các khu chung cư không còn nằm trong phạm vi một tòa nhà nữa.
Chưa bao giờ các tranh chấp liên quan đến chung cư lại nhiều như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng - Ảnh: VnExpress.
Mới đây, có hai luật sư đã đề xuất ban hành luật riêng về chung cư. Các luật sư nêu ra 13 loại tranh chấp điển hình liên quan đến chung cư. Với rất nhiều loại tranh chấp về chung cư nhưng cơ sở pháp lý để xử lý hiện không đầy đủ, dẫn tới việc hầu hết các tranh chấp không thể giải quyết được một cách thỏa đáng. Hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng có nhiều văn bản có thể điều chỉnh quan hệ giao dịch liên quan đến chung cư. Tuy nhiên, những văn bản này chưa đủ để giải quyết vấn đề chung cư, một vấn đề rất đặc thù mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm giải quyết, đặc biệt liên quan đến những chung cư mang tính thương mại.
Theo ý tưởng này, Luật cần quy định điều kiện để khởi công một dự án chung cư; Quy định góp vốn, mua bán căn hộ hình thành trong tương lai phải thông qua ngân hàng; Chung cư đi vào vận hành chính thức phải được kiểm định về chất lượng, điều kiện hạ tầng và đủ điều kiện cấp ngay giấy chủ quyền cho khách hàng; Cần phân biệt chung cư xã hội và chung cư thương mại; Nhà nước sẽ quy định chi tiết về đối tượng được mua bán, sử dụng, về giá bán, giá thuê, phí quản lý và những vấn đề khác liên quan đến chung cư xã hội. Đồng thời, luật cần khuyến khích những tranh chấp liên quan đến chung cư được giải quyết thông qua trọng tài.
Đây thực ra không phải là sáng kiến của các luật sư này. Trước đó, ông Đặng Hùng Võ, khi còn đương chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, từng cho rằng xu thế phát triển nhà chung cư cao tầng là tất yếu ở Việt Nam, vì thế về lâu dài Việt Nam cần xây dựng hẳn Luật chung cư, trong đó quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan đến nhà chung cư. "Hiện nay, việc quản lý nhà chung cư là hoàn toàn tự phát, nơi nào dân trí cao người ta tự thỏa thuận được với nhau thành lập được Ban quản lý, có nơi chỉ cần vài ba hộ dân không tán đồng thì mạnh ai nấy làm, trong khi sống trong nhà chung cư rất cần sự phối hợp", ông Võ nói.
Ông Võ nhận xét, không có luật, mỗi khi có tranh chấp giữa các công ty xây dựng chung cư và người mua căn hộ cũng như giữa những người cư ngụ trong cùng một chung cư, việc giải quyết đúng sai rất rắc rối, kéo dài mà kết quả cuối cùng vẫn không thỏa đáng.
Cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết xây dựng Luật chung cư vì đã có nhiều văn bản luật quy định về vấn đề này rồi. Điều quan trọng là phải rà soát và thống nhất để các quy định không bị chồng chéo và pháp luật phải được thực thi chấp hành nghiêm.
Trung Nguyễn