Nội dung trên được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016 diễn ra tại Hà Nội vào tối qua (16/6).
Chương trình do Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự buổi lễ.
Với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”, Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016 nhằm nhắc nhở về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và của cả xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma túy.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc bảo vệ cộng đồng, gia đình, xã hội và đặc biệt là thế hệ trẻ trước nguy cơ lan rộng của các loại ma túy. Ảnh Lê Sơn
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá trong thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Nhiều mặt công tác đã có chuyển biến tốt và ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn sử dụng trái phép các chất ma túy ở nước ta còn rất phức tạp, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Vì chạy theo lợi nhuận, tội phạm ma túy vẫn tiếp tục tổ chức vận chuyển nhiều loại ma túy với số lượng rất lớn vào nước ta. Các loại ma túy “đá”, “thuốc lắc” và các chất hướng thần mới, các loại thảo dược có tẩm chất gây nghiện đang có dấu hiệu lây lan trong thanh thiếu niên ở nhiều địa phương, gây lo lắng cho nhiều gia đình và xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy này song dường như những cảnh báo này chưa tạo chuyển biến nhận thức trong giới trẻ. Nhiều nhóm thanh niên vẫn không cho đây là ma túy mà nghĩ đơn thuần chỉ như sử dụng thuốc lá; sử dụng chỉ để gây hưng phấn, sành điệu, dùng chúng như một trò chơi vô hại. Do vậy không ít người, nhất là thanh niên đã sử dụng ma túy tổng hợp, gây ra hậu quả nặng nề cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Từ thực tế đáng lo ngại này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc bảo vệ cộng đồng, gia đình, xã hội và đặc biệt là thế hệ trẻ trước nguy cơ lan rộng của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi phải có các biện pháp ngăn chặn đồng bộ và hiệu quả hơn.
Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc rà soát lại các kiến thức về phòng, chống ma túy đang được tuyên truyền từ bậc tiểu học đến đại học đã phù hợp, cập nhật với tình hình thực tế chưa, nếu không đổi mới phương pháp tuyên truyền, không tăng tính hấp dẫn để thu hút các em thì chắc chắn hiệu quả sẽ rất hạn chế.
Bộ Công an cần tập trung chỉ đạo các lực lượng đấu tranh mạnh với tội phạm về ma túy, ngăn chặn không để hoạt động tội phạm lây lan, đặc biệt là triệt xóa các điểm, tụ điểm trong và ngoài nhà trường, bảo đảm môi trường lành mạnh cho các em học tập. Bộ Thông tin và Truyền thông cần quản lý chặt chẽ hệ thống Internet, nhất là các trang mạng xấu phổ biến, lôi kéo thanh niên sử dụng ma túy và xử phạt nghiêm khắc các trang mạng có hành vi vi phạm. Các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng cần dành thời lượng thích hợp, xây dựng các chuyên mục và nội dung phổ biến về tác hại của ma túy tổng hợp và các kỹ năng sống để tránh xa ma túy. Ngành VHTT&DL cần thường xuyên tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn không để trở thành nơi sử dụng ma túy. Đó còn là trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở trong việc tuyên truyền cho thanh thiếu niên, nhất là các em không có điều kiện tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể xã hội.
Để bảo vệ thanh thiếu niên trước hiểm họa ma túy, Phó Thủ tướng kêu gọi các bậc phụ huynh cần biết cách dành tình thương sâu sắc, sự quan tâm theo dõi, giáo dục con em, kịp thời phát hiện và phối hợp với nhà trường, xã hội ngăn chặn không để các em bị lôi cuốn vào tệ nạn này. Hội Liên hiệp Phụ nữ cần tiếp tục đổi mới và xây dựng các chương trình hướng dẫn sát thực hơn giúp chị em hội viên hiểu biết về ma túy và các kỹ năng cần thiết trong việc quản lý, giáo dục và phòng ngừa tệ nạn ma túy trong gia đình.
Liên quan đến việc phối hợp phòng chống ma tuý tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ phát triển chính sách đến tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả về mặt y tế và phù hợp với pháp luật trong việc giải quyết những thách thức do lệ thuộc ma túy gây nên. Bà Pratibha Mehta mong muốn từ các bộ, ban, ngành của Chính phủ ở tất cả các cấp, đến cộng đồng, gia đình, trường học, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp hãy hành động tích cực để nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của ma túy và giúp đỡ những người bị lệ thuộc vào ma túy.
* Trước đó sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Bộ Tư pháp về kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Cùng dự buổi làm việc có Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và đại diện một số bộ, ngành Trung ương.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá thời gian qua Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu giúp Chính phủ xây dựng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính....
Công tác tham mưu giúp Chính phủ trong việc thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm gắn kết với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, chú trọng tới tính dự báo của chính sách, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị ngành tư pháp nghiêm túc nghiên cứu rút ra kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, tìm ra giải pháp kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Ngành tư pháp cần nắm bắt những định hướng lớn đã được Đại hội XII của Đảng xác định, Chính phủ vừa được kiện toàn đã chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu để giải phóng và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ Tư pháp cần nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu để giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện, tôn trọng kỷ cương pháp luật trên mọi lĩnh vực; tập trung tháo gỡ các rào cản khó khăn vướng mắc trong đầu tư kinh doanh.
Nhấn mạnh tới công tác quản trị đất nước bằng pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tư pháp cần nghiên cứu để có bước đi, lộ trình phù hợp trong việc xã hội hóa một số dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng. Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành rà soát, kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nhất là các văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện nghiêm túc, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản...
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã trao Quyết định số 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.