Cần ban hành nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Nguyễn Bình| 26/02/2019 12:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội thảo “Áp dụng Công ước của Liên Hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam” do TANDTC tổ chức mới đây đã góp những kinh nghiệm quý báu trong công tác xét xử tại Tòa án.

Tham gia Công ước quốc tế mang đến nhiều lợi ích

Hội thảo đã trang bị nhiều kiến thức cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án về nội dung Công ước về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tại Hội thảo, các Thẩm phán, cán bộ Tòa án đã được nghe, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia quốc tế và trong nước về cách hiểu cũng như cách thức áp dụng các điều khoản cụ thể của Công ước. Qua đó, tạo được sự thống nhất nhận thức của các Thẩm phán về việc áp dụng quy định của Công ước trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam khi phát sinh trên thực tế. Trên tinh thần đó, việc giải quyết tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế và xem xét, giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài có liên quan đến việc áp dụng Công ước ngày càng được cải thiện về chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Tiến, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc tham gia vào các Điều ước quốc tế đa phương về thương mại là rất cần thiết đối với Việt Nam nhằm hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Ngày 18/12/2015, Việt Nam chính thức phê chuẩn việc gia nhập Công ước Liên Hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước CISG) để trở thành thành viên thứ 84 của Công ước này là một điểm nhấn quan trọng về mức độ hội nhập của Việt Nam. Việc gia nhập Công ước đã tạo lập một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Việt Nam gia nhập Công ước này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án quốc gia thành viên, trong đó có Tòa án Việt Nam.

Cần ban hành nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Quang cảnh buổi hội thảo

Đối với hệ thống Tòa án Việt Nam, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong nước, sau khi gia nhập Công ước, Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế có áp dụng Công ước này. Đồng thời, Tòa án Việt Nam còn có thẩm quyền xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài, phán quyết trọng tài nước ngoài đối với các tranh chấp trong lĩnh vực này mà có áp dụng quy định của CISG.

Như vậy, việc gia nhập Công ước còn góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền; bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp; góp phần tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh, cạnh tranh công bằng tại Việt Nam.Theo đó, việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế do Tòa án Việt Nam giải quyết trở nên thống nhất và dễ dàng hơn với nguồn luật áp dụng là Công ước. Việc giải thích và áp dụng Công ước dễ dàng hơn rất nhiều so với việc viện dẫn đến một hệ thống luật quốc gia, bởi việc diễn giải Công ước có thể sử dụng các nguồn tham khảo phong phú và rất hữu ích, các bình luận chính thức của Ban Tư vấn Công ước, các án lệ của Công ước đăng tải trên hệ thống dữ liệu của Ủy ban của Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế.

Cần ban hành nghị quyết hướng dẫn

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những nội dung liên quan đến việc áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam; một số nội dung cơ bản về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài; công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam bản án của Tòa án nước ngoài và phán quyết của trọng tài nước ngoài…

Ông Phan Gia Quý, nguyên Chánh tòa Toà Kinh tế, TAND TP. Hồ Chí Minh cũng nêu ra một thực tế trong giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Tòa án Việt Nam. Khi Việt Nam chưa tham gia Công ước La Hay 1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sau khi nhận hồ sơ ủy thác của Tòa án yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự hầu như không thể thực hiện ủy thác tư pháp. Lý do là việc thực hiện ủy thác tư pháp Tòa án chỉ thực hiện ủy thác tư pháp về  dân sự của Việt Nam ra nước ngoài là 150.000 đồng/hồ sơ và chi phí dịch thuật công chứng…Riêng chi phí tống đạt chưa có quy định nên Tòa án không thu, do vậy yêu cầu ủy thác tư pháp ở nước ngoài hầu như không thực hiện được.

Từ khi Việt Nam tham gia Công ước này, thì việc tống đạt giấy tờ có thuận lợi. Tuy nhiên, Tòa án cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tống đạt văn bản tố tụng và thu thập chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa trong trường hợp đương sự ở nước ngoài thay đổi địa chỉ dẫn đến việc không thực hiện được việc ủy thác tư pháp. Hơn nữa chi phí tổng đạt hồ sơ ủy thác tư pháp ở nước ngoài cao, nếu đương sự có yêu cầu ủy thác tư pháp cũng hết sức khó khăn. Ngoài ra còn một số những khó khăn khác như áp dụng tập quán, quy tắc thương mại quốc tế: Quy tắc và thực hành thanh toán tín dụng chứng từ…

Với thực trạng đó, các ý kiến cho rằng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nghiên cứu ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án về một số vấn đề nêu trên. Cùng với đó là tập huấn chuyên sâu, hướng dẫn nghiệp vụ về tương trợ tư pháp, tống đạt giấy tờ liên tịch, những quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề liên quan. Các Thẩm phán khi giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Đó là, Thẩm phán cần có những kiến thức về kinh tế, tài chính và am hiểu luật chuyên ngành trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ban hành nghị quyết hướng dẫn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế