Cảm cúm có thể dẫn đến tử vong

Chuyên Đắc| 25/03/2016 08:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cảm cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng và tử vong như cúm do virus H1N1, cúm do virus H5N1…

Một ngày khám và điều trị cho 300 trẻ

Những ngày này miền Bắc chìm trong mưa phùn kéo dài, độ ẩm tăng cao khiến các loại virus gây bệnh phát triển. Tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP. Hà Nội thời tiết nồm ẩm khiến lượng người đến khám và nhập viện tăng vọt, nhất là trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày các bác sĩ khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi, tăng 10% so với ngày thường. Trẻ chủ yếu mắc bệnh cúm, các bệnh liên quan đến hô hấp, dị ứng… Bệnh viện Nhi Trung ương cũng trong tình trạng tương tự khi mà các bậc cha mẹ cho con đến khám, đứng ngồi la liệt ở phòng khám, hành lang.  

Cảm cúm có thể dẫn đến tử vong

Thời tiết giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh cúm. Ảnh: Ngọc Dung

PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó GĐ trung tâm hô hấp Bạch Mai, Phó trưởng bộ môn nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội khẳng định, thời tiết giao mùa khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, đặc biệt là bệnh cúm.

PGS.TS. Phan Thu Phương cho hay bệnh nhân bị cúm có diễn biến lành tính, có thể dùng các loại thuốc giảm bớt các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, việc dùng các chế phẩm thuốc cũng có thể gây nguy hiểm, bởi cơ thể bệnh nhân có thể bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm thuốc.

PGS.TS. Phan Thu Phương đặc biệt lưu ý, nhóm bệnh nhân mắc cúm hay có diễn biến bệnh bất thường, gây nguy hiểm là những nhóm bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, như suy tim, hoặc bệnh về phổi như tắc nghẽn mãn tính phổi, hen phế quản, giãn phế quản... Những bệnh nhân đã có vấn đề về đường hô hấp khi nhiễm cúm, các triệu chứng bệnh mãn tính sẽ có cơ hội bùng phát và diễn biến nặng hơn.

Ngoài ra, còn có nhóm bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, sức đề kháng ở nhóm đối tượng này rất yếu và virus khi vào cơ thể có thể gây độc lực. Các đối tượng này phải có chế độ phòng tránh hết sức nghiêm ngặt, tránh hẳn tiếp xúc với nguồn lây, nếu nhiễm cúm sẽ vô cùng nguy hiểm.

Trẻ em, phụ nữ mang thai, người già là những đối tượng cần lưu ý bảo vệ sức khỏe, tránh bị bệnh cúm trong thời tiết nồm ẩm như hiện nay.

Cúm có thể dẫn đến tử vong

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ khẳng định, bệnh cúm thường gặp và bị gây ra bởi virus. Hiện nay, có nhiều chủng cúm khác nhau như loại A, B, C, trong đó virus cúm A hoặc B thường gây bệnh cho người và lây lan rất nhanh. Cá biệt một vài chủng cúm nguy hiểm như cúm A/H1N1, H5N1, H7N9 có khả năng gây tử vong cao. Tuy nhiên, những chủng cúm này hiếm khi lây từ người sang người.

Cảm cúm có thể dẫn đến tử vong

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ. Ảnh: Báo Nhân dân 

Khi bị cúm thường có các triệu chứng: sốt, gai rét, run, nhức đầu, đau mỏi cơ do virus gây ra. Thông thường với virus cúm đại đa số có thể tự khỏi, nếu diễn biến nặng hơn thì có thể giải quyết sốt kết hợp paracetamol. Ngạt mũi thì có chế phẩm phenylephrin hoặc đau đầu khó ngủ cũng rất nhiều chế phẩm phù hợp.

Việc phân biệt giữa các loại cúm gặp nhiều khó khăn bởi, các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau họng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh trong đó có virus cúm. Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp khẳng định một lần nữa, bị bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng với một số trường hợp như viêm cơ tim, viêm phổi và trong một vài trường hợp khác khi bị bệnh cúm rất dễ biến chứng và có thể gây tử vong.

Trên thế giới và Việt Nam, đã ghi nhận rất nhiều dịch cúm và đối với những dịch cúm, cộng đồng phải hết sức cẩn trọng bởi tình chất lây lan cực nhanh.

Người bị cúm cần làm gì?

Trong trường hợp bị bệnh cúm Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp khuyên không nên vận động quá mức. Người bị cúm đau mỏi các cơ, với các vận động thể lực mạnh gần như không thể làm được. Có một số tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể có biến chứng viêm cơ tim. Nếu bệnh nhân thấy người mệt rũ, thì làm việc có thể gây nguy hại cho bệnh nhân. Với trẻ nhỏ sau khi bị sốt mệt mỏi, ăn uống kém, thiếu nước. Vẫn tiếp tục cho cháu bú, cho ăn, uống nước đủ. Nếu trường hợp cấp, phải cho đến cơ sở y tế để có biện pháp bù dịch cho phù hợp.

Ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý cùng với điều trị triệu chứng bằng các loại thuốc phù hợp sẽ giúp việc tự hồi phục nhanh hơn.

Bs. Cấp lưu ý, khi bị cúm phải dùng thuốc với liều phù hợp. Bởi nếu dùng liều quá cao có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Bệnh nhân bị bệnh gan thận nhiễm cúm phải tư vấn bác sĩ để được chỉ định liều thuốc, tránh diễn biến nặng xảy ra do bệnh cúm.

Người bệnh bị nhiễm cúm trước khi phát hiện triệu chứng, tổng cộng 6 ngày, với trẻ em thời gian phát tán có thể trên 10 ngày. Thời gian này để không phát tán virus, bệnh nhân phải được cách ly.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm cúm có thể dẫn đến tử vong