Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên cơn chấn động trên toàn thế giới theo cách ít ai ngờ tới và cho đến nay vẫn là chủ đề “nóng” trên truyền thông quốc tế.
Việc nhà báo xuất sắc của Ả Rập Saudi bị sát hại bên trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động một cách lạ thường. Trong hơn 3 tuần sau khi ông biến mất, vụ án trở thành tiêu điểm hàng đầu trên mặt báo và ngày càng đẩy cao làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới.
Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vụ mất tích bí ẩn của ông Jamal Khashoggi đã đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cái chết của một nhà báo lại “rùm beng” hơn mọi động thái khác của Ả Rập Saudi, chẳng hạn cuộc chiến ở Yemen hay cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Đông này.
Theo New York Times, câu trả lời nằm ở bản chất cái chết của ông Khashoggi cũng như cách vụ việc được đưa ra ánh sáng, cùng với đó là tầm ảnh hưởng của nhà báo này.
Không chỉ là nhà báo nổi tiếng, người từng làm việc cho tờ Washington Post của Mỹ trước khi chết, ông Khashoggi còn từng thân cận với giới tinh hoa chính trị trong khu vực. Ông là bạn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và từng gần gũi nhiều nhân vật trong Hoàng gia Ả Rập Saudi.
Ông Khashoggi đã xây dựng được chỗ đứng hàng đầu trong giới truyền thông Ả Rập Saudi rồi đảm đương vị trí như người phát ngôn không chính thức cho gia đình hoàng gia nước này.
Nhưng sự nghiệp của vị nhà báo 59 tuổi ở Ả Rập Saudi chính thức đứt đoạn khi bị Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) chặn ngòi bút trong chiến dịch đàn áp bất đồng ý kiến. Thái tử Mohammed bin Salman đã cấm ông viết bài tại quốc gia Trung Đông này.
Sau đó, ông Khashoggi sống lưu vong ở Mỹ, trở thành cây bút chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Ả rập Saudi tại mục bình luận thường kỳ của Washington Post. Thái tử bin Salman thường xuyên trở thành mục tiêu công kích của nhà báo Khashoggi. Những bài viết gần đây của ông Khashoggi đã chỉ trích thái tử vì bỏ tù các nhà hoạt động nữ quyền và kiểm soát tự do ngôn luận.
Cái chết bí ẩn của nhà báo Khashoggi tạo nên sự chấn động trên toàn thế giới
Chính vì vậy, cái chết bí ẩn của một nhân vật nổi trội như Khashoggi tạo nên sự chấn động là dễ hiểu. Sốc hơn nữa, án mạng xảy ra ngay bên trong lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul. Lâu nay, nơi đây vẫn được xem là nơi an toàn cho công dân nước mình. Trớ trêu thay, ông Khashoggi chỉ ghé qua cơ quan ngoại giao này để hoàn tất thủ tục kết hôn nhưng lại không có đường về. Do vậy vụ việc của nhà báo Khashoggi càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiện, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận diện 15 nghi phạm, trong đó có một số người được cho là có liên hệ với thái tử Mohammed, tham gia vào vụ sát hại ông Khashoggi. Các quan chức Ả Rập Saudi ban đầu khẳng định cái chết của nhà báo Khashoggi không liên quan tới hoàng gia, sau đó lại nói rằng vụ việc này đã được lên kế hoạch từ trước.
Nếu các đặc vụ Ả Rập Saudi thực sự sát hại nhà báo Khashoggi trên đất Thổ Nhĩ Kỳ như nghi vấn của Ankara, điều này không chỉ vi phạm luật quốc tế mà còn bị xem là thách thức đối với thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự năm 1963, một văn kiện cả Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đều tham gia, quy định luật quốc tế giám sát hoạt động của các lãnh sự quán và đại sứ quán, đồng thời bảo vệ các cơ sở và quan chức ngoại giao.
Ngoài ra, trên trang nhất nhiều tờ báo suốt nhiều tuần, sự rò rỉ nhỏ giọt các thông tin giật gân về vụ án từ phía chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng "giữ nhiệt" cho vụ việc vốn đe dọa nghiêm trọng hình ảnh của Riyadh này.
Giới chuyên gia cho rằng, đây là chiến thuật được tính toán kỹ lưỡng từ Ankara để có những mặc cả hòng thay đổi tương quan vị thế với Ả Rập Saudi, trong khi "kỳ phùng địch thủ" của họ đang rơi vào tình thế chỉ muốn nhanh chóng dập tắt cuộc khủng hoảng uy tín này. Có thể, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi vụ việc của nhà báo Khashoggi là cơ hội để kiểm soát quyền năng của thái tử Ả Rập Saudi và hạn chế tầm ảnh hưởng của một đối thủ trong khu vực.
Mới đây, dư luận lại tiếp tục sửng sốt trước tiết lộ mới nhất về những nhận xét của Thái tử Saudi Arabia Salman dành cho nhà báo Khashoggi vừa bị thủ tiêu.
Theo đó, tờ Washington Post của Mỹ đã dẫn một số nguồn tin khẳng định Thái tử Saudi Mohammed bin Salman khi điện đàm riêng với các quan chức Mỹ đã gọi nhà báo Khashoggi mới bị sát hại là phần tử Hồi giáo chủ nghĩa nguy hiểm, trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố công khai mà vị thái tử này dành cho nhà báo quá cố.
Giới phân tích cho rằng, thông tin về các nỗ lực của Thái tử Saudi Salman trong việc hạ bệ hình ảnh của nhà báo Khashoggi, thể hiện trong vụ điện đàm riêng với quan chức Mỹ, cho thấy cách ứng phó của vị thái tử này trong việc kiểm soát các thiệt hại đối với chính quyền Saudi và cá nhân ông từ sau biến cố Khashoggi.
Bruce Riedel, một cựu quan chức tình báo CIA và hiện là học giả tại Viện Brookings nói: “Đây là cách ám sát hình ảnh, bổ sung vào vụ mưu sát đã lên kế hoạch từ trước”.
Trong khi đó, giới chức tình báo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ tin người đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi có liên quan tới Thái tử bin Salman. Mặc dù Ả Rập Saudi đã phủ nhận mọi cáo buộc, song những thông tin được hé lộ khiến dư luận vẫn hoài nghi về hành động của thái tử.
Madawi Al-Rasheed, chuyên gia về Ả Rập Saudi và là giáo sư tại Trung tâm Trung Đông thuộc Trường Kinh tế London cho rằng, cái chết của nhà báo Khashoggi đã lôi kéo sự chú ý của phương Tây theo một cách đặc biệt. Bà Madawi cho rằng về bản chất, những tình tiết liên quan tới cái chết của nhà báo này cũng đủ để làm dấy lên cơn giận dữ từ dư luận.