Các Thẩm phán chia sẻ kinh nghiệm xét xử những vụ án lớn

Mạnh Hùng| 13/09/2019 06:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để xét xử thành công những vụ án lớn, được dư luận quan tâm đòi hỏi người Thẩm phán ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm xét xử… và lòng yêu nghề sâu sắc, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để ngày càng hoàn thiện.

Thẩm phán cao cấp Ngô Hồng Phúc, Chánh tòa Tòa Lao động TAND cấp cao tại Hà Nội: Thẩm phán phải thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng

Như chúng ta đã biết TAND có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và đặc biệt là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Trong nhiều năm qua và đặc biệt là những năm gần đây, TAND và cả TAQS các cấp đã góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng theo các Nghị quyết và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Kết quả công tác xét xử đạt được là rất tích cực và đáng ghi nhận, góp phần kiềm chế tội phạm tham nhũng. Nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử nghiêm minh như các vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”)…

Trước hết, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và HĐXX phải xác định được rõ chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đối với vụ án được phân công giải quyết; tình hình chính trị, dư luận xã hội và đặc biệt là các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó xác định và xây dựng kế hoạch cho việc giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo vụ án được đưa ra xét xử đúng thời gian và yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đề ra.

Các Thẩm phán chia sẻ kinh nghiệm xét xử những vụ án lớn

Thẩm phán cao cấp Ngô Hồng Phúc, Chánh tòa Tòa Lao động - TAND cấp cao tại Hà Nội

 Thứ hai, phải làm tốt công tác chuẩn bị cho việc xét xử vụ án, theo đó Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án; đối chiếu với các quy định của pháp luật để xem xét quá trình điều tra, truy tố đã thu thập chứng cứ như thế nào; việc quy kết đối với các bị can, bị cáo ra sao; trên cơ sở đó xác định sơ bộ bước đầu về việc các bị cáo bị truy tố hoặc đã bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết có đủ căn cứ hay chưa; có những vấn đề gì còn mâu thuẫn hay không, đã thỏa mãn và an tâm cho việc mở phiên tòa?

Thứ ba, Thẩm phán phải thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng nói chung và cơ quan chức năng nói riêng trong quá trình đưa vụ án ra xét xử, đáng lưu ý nhất trong khâu này là xác định các trường hợp cần thiết để có thể họp bàn, đảm bảo khi vụ án được quyết định đưa ra xét xử đã có sự chuẩn bị chu đáo, từ việc chuẩn bị cho công tác bảo vệ an ninh trật tự tại phiên tòa đến việc phối kết hợp tranh tụng tại phiên tòa; xác định rõ những nội dung, những vấn đề cần trao đổi để nhằm mục đích dự liệu các tình huống có thể bị hoãn phiên tòa hoặc có thể xảy ra tại phiên tòa; làm thế nào để việc xét xử được thực hiện công khai, dân chủ, trên cơ sở đó HĐXX ra phán quyết có căn cứ và thuyết phục.

Rất đáng lưu ý trong công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trước khi mở phiên tòa là phải dự liệu hết các tình huống để cho phiên tòa được diễn ra đảm bảo an toàn và trật tự, như việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, vị trí ngồi của các bị cáo, các luật sư và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; chuẩn bị để đảm bảo về ánh sáng, loa đài, công tác phòng cháy chữa cháy, chủ động bố trí bác sĩ thường trực để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết và phối hợp để cơ quan Công an có phương án bảo vệ phiên tòa hợp lý.

Về mặt nội dung, Thẩm phán cần phối hợp chặt chẽ với Kiểm sát viên duy trì công tố tại phiên tòa, xác định những thành phần nào cần phải triệu tập đến phiên tòa, trong trường hợp cần thiết, HĐXX có thể triệu tập cả Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ quá trình thu thập chứng cứ và các hoạt động tố tụng ở giai đoạn điều tra; xác định những nội dung khi nào cần đưa ra để tranh tụng và việc tranh tụng phải được thực hiện đến cùng để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án.

 Thứ tư: Một nội dung rất quan trọng, yêu cầu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải thể hiện được tại phiên tòa là việc điều khiển phiên tòa phải thực sự dân chủ, đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Phiên tòa phải được tổ chức công khai, sắp xếp bố trí phiên tòa phù hợp với điều kiện của phòng xét xử, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết cho các bên tham gia tranh tụng; những nội dung cần được tranh tụng; không hạn chế về thời gian nhất là việc tranh tụng giữa Kiểm sát viên và các Luật sư tại phiên tòa; việc tranh tụng phải được được thực hiện đến cùng khi chưa rõ những vấn đề về nội dung, nhất là những nội dung quan trọng, sẽ là căn cứ cho việc quyết định của HĐXX.

Cũng tại phiên tòa, yêu cầu đặt ra rất quan trọng được thể hiện tại bản án. Bản án là kết tinh kết quả quá trình hoạt động tố tụng của HĐXX cho nên bản án phải được thể hiện rõ ràng về quan điểm, các lập luận, các căn cứ áp dụng pháp luật đối với từng vấn đề; đặc biệt có sự phân tích, đánh giá, phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án, xác định vị trí vai trò trong đồng phạm, từ đó quyết định hình phạt đảm bảo công bằng, có căn cứ thuyết phục.

Cùng với việc quyết định về trách nhiệm hình sự thì quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và các quyết định khác cũng là rất quan trọng mà các Thẩm phán phải hết sức lưu ý; theo đó phải xác định đầy đủ, rõ ràng và mục tiêu rất quan trọng là phải thu hồi được tài sản về cho Nhà nước trong các vụ án về tham nhũng, chức vụ.

Cùng với việc xử lý nghiêm minh, trong quá trình xét xử, nếu có căn cứ thì HĐXX phải mạnh dạn khởi tố vụ án tại phiên tòa để nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, đồng thời kiến nghị với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn tham nhũng có thể xảy ra.

Cuối cùng là sau mỗi phiên tòa đối với vụ án lớn, lãnh đạo các cấp Tòa án của cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm cần tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, đánh giá lại kết quả của từng giai đoạn tố tụng, từ khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa, từ đó tổng hợp đánh giá nghiêm túc cả quá trình thực hiện; những ưu điểm, những khuyết điểm, tồn tại, trên cơ sở đó áp dụng kinh nghiệm cho các vụ án tiếp theo. Có như vậy thì việc giải quyết các vụ án lớn lần sau sẽ được thực hiện tốt hơn các vụ án lần trước. Đáng lưu ý và đặc biệt quan tâm đến đánh giá, nhận xét của Chánh án TANDTC và của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp để triển khai rút kinh nghiệm đối với từng Thẩm phán và các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng khác trong quá trình giải quyết vụ án.

Thẩm phán cao cấp Ngô Hồng Phúc đã từng được Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội phân công tham gia làm Chủ tọa phiên tòa để xét xử theo trình tự phúc thẩm một số vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng do Chánh án TANDTC và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi và chỉ đạo. 

Thẩm phán Trương Việt Toàn, phụ trách Tòa Hình sự - TAND TP. Hà Nội: Việc tổng kết kinh nghiệm giải quyết các vụ “đại án” tham nhũng là hết sức cần thiết

Thứ nhất: Điểm nổi bật của các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi thường là những vụ “đại án”, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng; các bị cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, đông bị cáo; xảy ra ở nhiều địa bàn, địa phương khác nhau với thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt… Do đó, hồ sơ vụ án rất nhiều bút lục với các tài liệu ở nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. Do vậy, để tổ chức xét xử thành công các vụ án này, mọi công việc từ công tác chuẩn bị xét xử, điều hành phiên tòa đến các thủ tục sau phiên tòa đều phải được tiến hành rất khoa học, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Năm 2018, cả nước có 10 “đại án” tiêu biểu thì riêng Tòa án Hà Nội đã phải gánh vác tới 5 vụ. Đó thực sự là nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cao cả, song tất cả các Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết đều đã hoàn thành rất tốt công việc.

Thứ hai: Việc tổng kết kinh nghiệm giải quyết các vụ “đại án” tham nhũng tại Tòa là điều hết sức cần thiết và nên chú trọng vào một số vấn đề như: Trước hết, mỗi Thẩm phán phải luôn không ngừng tự mình giác ngộ chính trị, tư tưởng và bản lĩnh nghề nghiệp. Sau đó là công tác chuẩn bị xét xử phải tiến hành thật kỹ lưỡng. Việc nghiên cứu hồ sơ cần được tiến hành theo từng hành vi mà cáo trạng truy tố.

Các Thẩm phán chia sẻ kinh nghiệm xét xử những vụ án lớn

Thẩm phán Trương Việt Toàn, phụ trách Tòa Hình sự - TAND TP. Hà Nội

Ngoài ra, khi nghiên cứu phải xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ buộc tội và gỡ tội, tội danh cũng như diện truy tố nhằm xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng. Ở giai đoạn này, Thẩm phán chủ tọa vừa là người trực tiếp nghiên cứu, vừa là người tổng hợp. Trường hợp hồ sơ có nội dung, vấn đề chưa rõ thì phải nhanh chóng trao đổi với những người, cơ quan tố tụng liên quan hoặc giám định viên, chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.

Cũng ở giai đoạn này, công tác triệu tập tới phiên tòa phải đặc biệt quan tâm đến quyền của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Tiếp đến là công tác điều hành phiên tòa phải đảm bảo đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục; đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa không hạn chế thời gian của các bị cáo, luật sư cũng như những người tham gia tố tụng khác.

Quá trình xử án phải chủ động cách ly, đối chất khi cần thiết và yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi chứng cứ đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó cũng cần phải xác định việc tranh tụng dân chủ chính là một trong những điều kiện để HĐXX ra được bản án đúng pháp luật, thấu tình đạt lý và “tâm phục, khẩu phục”.

Cuối cùng là mọi phán quyết của HĐXX phải dựa trên cơ sở hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa. Ngoài phạm vi truy tố nếu có dấu hiệu tội phạm mới hoặc bỏ lọt tội phạm, lọt hành vi phạm tội thì cần khởi tố ngay tại phiên tòa hoặc kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục đấu tranh, làm rõ.

Thẩm phán Trương Việt Toàn, người có nhiều kinh nghiệm xét xử các vụ án lớn và các vụ án được dư luận quan tâm và thường xuyên tham gia xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi. Điển hình như các vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm với nhiều tội danh khác nhau; đại án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Trước đó, năm 2015, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã làm chủ tọa phiên xử Phạm Hải Bằng (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt (RPMU) cùng đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ:  Tạo điều kiện tốt nhất để các bên tham gia thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa

Với vụ án đánh bạc nghìn tỷ, đây là lần đầu tiên chúng tôi xét xử các bị cáo sử dụng công nghệ cao khi thực hiện hành vi “tổ chức đánh bạc”. Việc đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hết sức khó khăn, đòi hỏi các thành viên HĐXX phải học hỏi, nghiên cứu, trao đổi rất kỹ về công nghệ thông tin, về cơ chế vận hành game bài, về nguyên tắc hoạt động của cổng trung gian thanh toán… Để đưa vụ án ra xét xử được thành công, tôi xin chia sẻ một số bài học kinh nghiệm như sau:

 Thứ nhất: Về công tác tổ chức, chuẩn bị phiên tòa, HĐXX đã đề xuất huy động các cán bộ, công chức, người lao động trong TAND tỉnh Phú Thọ tham gia phục vụ cho công tác tổ chức tại phiên tòa, phân công, sắp xếp công việc hợp lý, hướng dẫn những người đến tham dự phiên tòa làm thủ tục, ngồi đúng vị trí với tư cách tham gia. Đề xuất phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo y tế, phòng cách ly, khu vực dành cho phóng viên báo chí tác nghiệp. Do đó đã đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình xét xử, không để xảy ra tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

 Thứ hai: Về phương pháp tiến hành tố tụng, với vai trò là chủ tọa điều hành phiên tòa, tôi đã tạo điều kiện tốt nhất để các bên tham gia thực hiện quyền tranh tụng tại phiên tòa. Vụ án có 92 bị cáo cùng gần 40 luật sư tham gia đều được thực hiện quyền tranh tụng công khai. Việc điều hành phiên tòa theo phương pháp “cuốn chiếu”, sắp xếp thứ tự hỏi các bị cáo theo từng nhóm tội, từ bị cáo là người tham gia đánh bạc đồng thời là người tổ chức, vận hành game bài để thẩm vấn trước rồi đến nhóm đại lý cùng tổ chức đánh bạc, nhóm đánh bạc, nhóm trung gian thanh toán, nhóm mua bán trái phép hóa đơn, nhóm tổ chức đánh bạc ở tốp trên… Riêng đối với các bị cáo đầu vụ, gồm: Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa được thẩm vấn cuối cùng để các bị cáo được nghe phần thẩm vấn của 88 bị cáo, từ đó nhận thức được hậu quả rất nghiêm trọng từ hành vi phạm tội của mình gây ra.

Các Thẩm phán chia sẻ kinh nghiệm xét xử những vụ án lớn

 Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương nhận quyết định bổ nhiệm Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ 

Quá trình tranh luận, từng bị cáo cùng nhóm người bào chữa được thực hiện tranh luận, sau đó đại diện VKS sẽ đối đáp, kết thúc phần tranh luận của bị cáo này mới chuyển sang phần tranh luận của bị cáo khác. Phương pháp thẩm vấn, tranh luận kiểu “cuốn chiếu” phát huy hiệu quả rõ rệt đối với vụ án có đặc thù là số lượng bị cáo lớn, phạm nhiều tội danh khác nhau. Kết quả sau khi tranh luận: 92 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đề nghị được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Thứ ba: Về việc sử dụng màn hình trình chiếu các chứng cứ, bút lục trong hồ sơ, vụ án có hơn 100 nghìn bút lục, do vậy việc tìm kiếm để công khai bút lục đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ hồ sơ, sắp xếp khoa học, có tính dự đoán để ứng phó kịp thời các diễn biến tại phiên tòa. Để phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin, TAND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với VKSND tỉnh Phú Thọ lắp đặt hai màn hình lớn để trình chiếu các chứng cứ vật chất của vụ án. Các tài liệu chứng cứ được trình chiếu công khai, giúp những người tham gia tố tụng, người dân cùng các phóng viên dễ dàng theo dõi. Tại phiên tòa, khi xét hỏi có bị cáo Trần Thiến Tiến đã không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, sau khi trình chiếu các tài liệu chứng cứ đã được thu thập lên màn hình công khai thì bị cáo Tiến đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Thứ tư: Về thực hiện hết thẩm quyền tố tụng và kiến nghị, trong vụ án này, quan điểm của VKS và HĐXX cũng có những điểm chưa thực sự thống nhất về áp dụng pháp luật, như: Có hay không việc áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức” hay có áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015) đối với các bị cáo tự nguyện nộp tiền do phạm tội mà có. Tuy nhiên, qua phân tích, HĐXX xác định trong trường hợp này thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức”, đồng thời chỉ chấp nhận việc bị cáo nộp lại tiền do phạm tội mà có là tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Do đó, trên cơ sở xem xét toàn diện điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, vị trí, vai trò cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, HĐXX đã tuyên hình phạt đối với 92 bị cáo cao hơn sơ với mức hình phạt mà đại diện VKS đề nghị.

Trong quá trình tiến hành tố tụng, HĐXX thấy rằng còn nhiều tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi phạm tội của các bị cáo, nên cùng với việc ra bản án đã kiến nghị các cơ quan liên quan khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề cần điều tra làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án.

Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương được nhiều người biết đến với vai trò chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại tỉnh Phú Thọ liên quan đến hai cựu tướng Công an.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các Thẩm phán chia sẻ kinh nghiệm xét xử những vụ án lớn