Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 6, ngày 26-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế, nội vụ.Ngoài Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào t�
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Phiên chất vấn, trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước cùng theo dõi và được kết nối với các đoàn đại biểu Quốc hội để các đại biểu cùng tham gia.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là một hoạt động dân chủ, trí tuệ và tiếp tục đổi mới với tinh thần Nhà nước của dân, do dân, vì dân; thể hiện sự gắn kết ngày càng mở rộng giữa Quốc hội và Chính phủ với đồng bào, cử tri cả nước. Thông qua hoạt động này, nhân dân có thể thực hiện quyền giám sát đối với các đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các Bộ trưởng.
Nhiệm vụ trọng tâm là giảm tải bệnh viện tuyến Trung ương
Các chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung vào các nhóm vấn đề: Việc bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành y tế và vấn đề điều chỉnh khung giá viện phí...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Giảm tải bệnh viện tuyến Trung ương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án gồm rất nhiều giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố. Trong đó, giải pháp hàng đầu là tăng số giường bệnh. Cùng với đó là tăng cường cơ sở vật chất tuyến tỉnh, tuyến huyện, xây dựng các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các chuyên ngành ung bướu, chấn thương chỉnh hình... Các giải pháp khác là tăng cường cán bộ, phân tuyến kỹ thuật theo năng lực. Mặt khác, theo Bộ trưởng, cần siết chặt hơn nữa quy chế chuyển viện để tránh tình trạng “quá tải ảo”, tình trạng lây nhiễm bệnh viện.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về nguyên nhân khiến phần lớn bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân sâu xa nhất là do điều kiện kinh tế, dân trí tăng dẫn tới bệnh nhân có tâm lý muốn lên tuyến trên vì tin rằng có bác sĩ giỏi, trang thiết bị tốt... trong khi nhiều bệnh hoàn toàn có thể điều trị tốt ở tuyến dưới. Theo Bộ trưởng, cũng không loại trừ nguyên nhân có những cơ sở y tế, bác sĩ gây mất lòng tin cho nhân dân do cơ sở vật chất, tay nghề kém, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng này cần được khắc phục dần từng bước một.
Về chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế như ý kiến của đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Bộ trưởng nhấn mạnh đây là chủ trương lớn để phát huy nguồn lực. Đối với các cơ sở công lập, mặt tích cực là cơ chế tự chủ tài chính giúp chủ động nguồn thu, chi; các đơn vị được cho phép liên doanh, liên kết, lắp đặt máy móc hiện đại trong khi nguồn ngân sách chưa có. Nhờ công tác xã hội hóa, nhân dân có thể thụ hưởng các kỹ thuật hiện đại, phát hiện sớm bệnh hiểm nghèo... Mặc dù vậy, mặt hạn chế của cơ chế tự chủ tài chính là có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng dịch vụ và một vài hành lang pháp lý ở tình trạng “công không ra công, tư không ra tư”. Tuy nhiên trong giai đoạn quá độ, khi chưa thể cấp đủ ngân sách, cơ sở vật chất còn thấp, lương chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không có cơ chế tài chính đảm bảo, không thể thực hiện được các kỹ thuật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng về khả năng khắc phục, tạo chuyển biến trong chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, nâng cao y đức... từ nay đến năm 2015 được coi là chạm đến toàn diện các mặt hoạt động của ngành Y tế. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong 5 năm 2011 - 2016, gồm: Giảm tải bệnh viện; đổi mới toàn bộ cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ, viện phí; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục vụ y tế dự phòng; nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe; xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.
Bộ trưởng cho biết, năm 2012, Bộ thực hiện hai việc: Trình Chính phủ ban hành Nghị định về đổi mới cơ chế tài chính - nền tảng để các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu; điều chỉnh được giá dịch vụ. Về vấn đề giảm tải, trước hết sẽ thực hiện tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai - hai bệnh viện nóng bỏng nhất ở tuyến Trung ương; một vài khoa của những bệnh viện quá tải hàng đầu. Việc giảm tải, theo Bộ trưởng không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần sự nỗ lực của cả hệ thống và đòi hỏi các giải pháp đồng bộ như: Giải phóng mặt bằng, xây dựng các bệnh viện vệ tinh, cơ sở 2... để đến năm 2015 sẽ có bước tiến rõ. Đi đầu phải là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Kết luận phần chất vấn, trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ngành Y tế: Nghiên cứu mở rộng các bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho tuyến trên, nâng cao năng lực cho tuyến dưới; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chú ý động viên giáo dục, đồng thời kiên quyết xử lý thái độ chưa đúng mực của thầy thuốc với bệnh nhân, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ngành phải tiếp tục chú ý xây dựng tuyến y tế cơ sở, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, coi trọng giáo dục chăm sóc sức khỏe; khẩn trương và trách nhiệm cao hơn trong phát hiện dịch, chữa trị kịp thời từ cơ sở, tránh để dịch bệnh lây lan.
Xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ công chức
Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở là những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên họp chiều 26-3.
Chất vấn về vấn đề chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn: Nghị định còn nhiều bất cập, mức phụ cấp thấp, chế độ bảo hiểm mà họ được hưởng không bằng một công nhân khi tham gia lao động trong doanh nghiệp, điều này đã làm giảm nhiệt huyết đối với cán bộ làm việc không chuyên trách, vậy Bộ Nội vụ có giải pháp gì để giữ chân đội ngũ này?
Đây cũng là mối quan tâm của các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Trương Minh Chiến (Bạc Liêu), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) với những lập luận trong khi Nghị định quy định mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã quá thấp, cao nhất là 1,0 so với lương tối thiểu chung, phần nhiều không được hưởng chế độ chính sách, không được nâng lương theo thâm niên, không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản thì họ phải làm việc không khác gì một công chức, viên chức, thời gian làm việc chiếm đến cả ngày và đã góp phần lớn để hoàn thành nhiệm vụ ở cơ sở, đây là thiệt thòi rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến bộ máy cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, song chế độ chính sách đối với họ cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều địa phương đã phản ánh cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Việc quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã được nêu tại các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Trung ương 6 (khóa X) của Đảng và đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Vì vậy để có đủ căn cứ hoàn thiện toàn diện chế độ, chính sách đối với các đối tượng này cần phải tiến hành tổng kết các Nghị quyết của Đảng. Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án chế độ chính sách đối với cán bộ xã phường thị trấn và chế độ chính sách đối với cán bộ về công tác nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở sơ tổng kết các chính sách đã áp dụng thời gian qua, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách cho phù hợp. Trước mắt Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định.
Trả lời ý kiến của đại biểu về vấn đề cải cách chế độ công vụ công chức, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: Năm 2012, Bộ Nội vụ đã và đang tiến hành xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ công chức. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế; thực hiện thi nâng ngạch công chức, viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh; thực hiện cải cách tiền lương; triển khai xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo chức danh; phân công, phân cấp danh mục vị trí việc làm; đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch, khách quan; thi tuyển chọn lãnh đạo, quy định chế độ tập sự lãnh đạo; xây dựng chính sách nhân tài, tiến cử người có tài năng; quy định chế độ từ chức, hình thành văn hóa từ chức; tổ chức rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy đối với người không hoàn thành nhiệm vụ…
Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính nhưng bộ máy hành chính không giảm, biên chế ngày càng tăng, một số bộ có quá 4 thứ trưởng và đang “phình” thêm cục, tổng cục như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định mỗi Bộ có không quá 4 Thứ trưởng, nhưng cũng có cơ chế mở là trong trường hợp đặc biệt thì sẽ do Thủ tướng quy định. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ xin ý kiến Chính phủ để sửa đổi một số điều của Nghị định này và cũng quy định cụ thể nếu có cơ chế “mở” thì “mở” đến mức nào.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, việc thi tuyển, bố trí và đào tạo công chức, viên chức, điều chuyển viên chức sang công chức… Trước ý kiến của đại biểu về việc có địa phương quy định phân biệt loại hình đào tạo chính quy và không chính quy trong tuyển dụng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, mọi loại hình đào tạo đều có thể tham gia thi tuyển công chức, viên chức, không phân biệt loại hình đào tạo nào. Về những “ách tắc” của các địa phương trong việc chuyển từ viên chức sang công chức khi phải thông qua Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết thẩm quyền giải quyết chuyển viên chức sang công chức phải qua Bộ Nội vụ, theo nguyên tắc thì các viên chức phải qua kỳ thi để chuyển. Bộ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong tháng 4/2012, Bộ sẽ làm tờ trình trình Chính phủ sửa đổi nội dung này, về cơ bản thống nhất giao cho các địa phương có thẩm quyền chuyển đổi.
Đánh giá cao các ý kiến chất vấn cũng như phần trả lời thẳng thắn của Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, qua chất vấn những vấn đề đặt ra của các vị đại biểu và trả lời của các Bộ trưởng đã cho thấy những thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong công tác tổ chức cán bộ và quản lý hành chính nhà nước; đồng thời cũng làm nổi rõ những vấn đề tồn tại, bức xúc, cần tiếp tục giải quyết. Chủ tịch Quốc hội khẳng định phiên chất vấn được thực hiện theo sự ủy quyền của Quốc hội là một sự đổi mới; đồng thời mong rằng các cơ quan, tổ chức liên quan của Quốc hội sẽ làm tốt hơn để phiên họp sau việc thực hiện chất vấn có sự tham gia trực tuyến của 63 đoàn và sự giám sát của nhân dân được tiến hành một cách có chất lượng hơn.
Thanh Hòa - Chu Thanh Vân