Cả nước khẩn trương triển khai phòng chống virus Zika

Đ.C| 06/04/2016 15:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi phát hiện 2 bệnh nhân nhiễm virus Zika ở Khánh Hòa và TP HCM, công tác phòng chống lây lan dịch bệnh do virus Zika đã được triển khai khẩn trương trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân nhiễm Zika, Khánh Hòa công bố dịch

Cả nước khẩn trương triển khai phòng chống virus Zika

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo công tác phòng chống lây lan dịch bệnh do virus Zika tại Khánh Hòa

Sáng nay (6/4), Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại toàn bộ các hộ gia đình, khu phố của phường Phước Hòa, TP Nha Trang - phường có bệnh nhân dương tính Zika đầu tiên tại tỉnh Khánh Hòa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là biện pháp quan trọng để cắt đứt nguồn lây bệnh Zika trong cộng đồng, bên cạnh đó chính quyền các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, vận động người dân tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy để phòng, chống virus Zika và sốt xuất huyết.

Trước đó, chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến thăm bệnh nhân nhiễm virus zika tại Khánh Hòa, đồng thời, tỉnh Khánh Hòa cũng chính thức công bố dịch do virus zika.

Hà Nội triển khai quyết liệt phòng chống dịch bệnh do virus Zika

Cả nước khẩn trương triển khai phòng chống virus Zika

Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh chỉ đạo công tác phòng chống dịch Zika

Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh do virus zika tới 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố theo tình huống 2 - đã xuất hiện bệnh nhân zika.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các địa phương cần sớm kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống các cấp và tổ chức giao Ban chỉ đạo hàng tuần, đột xuất để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus zika tại đơn vị; báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố; tổ chức tiếp nhận hàng ngày thông tin về tình hình dịch bệnh do virus zika và các biện pháp phòng chống.

Nhằm phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cần phối hợp hằng ngày với các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus zika đối với các trường hợp có triệu chứng như: sốt và phát ban, có dấu hiệu đau đầu, đau cơ, đau khớp, viêm kết mạc hoặc đi từ vùng dịch về trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát bệnh;  

điều tra bổ sung theo mẫu phiếu điều tra trường hợp bệnh nhân do virus zika với các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, nghi sốt xuất huyết Dengue có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Dengue hoặc nghi sởi hoặc Rubella; tiến hành lấy máu 100% các trường hợp nghi mắc bệnh do virus zika để xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên.

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động giám sát sức khỏe tất cả các trường hợp người đi từ vùng dịch bệnh do virus zika về địa phương trong vòng 12 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khi phát hiện sốt, phát ban lập tức thông báo ngay cho TTYT Dự phòng Hà Nội để phối hợp điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý.

Phòng chống lây truyền virus Zika bảo đảm an toàn truyền máu

Ngay sau khi Bộ Y tế công bố 2 trường hợp nhiễm zika tại Việt Nam, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với các chuyên gia y tế để góp ý Dự thảo Hướng dẫn phòng chống lây truyền virus Zika bảo đảm an toàn truyền máu.

Cả nước khẩn trương triển khai phòng chống virus Zika

Đảm bảo an toàn truyền máu trong tình hình virus Zika có thể bùng phát thành dịch 

Hội đồng Chuyên môn bao gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực huyết học truyền máu, sản khoa, xét nghiệm, dịch tễ… do GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học Truyền máu Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng.

Dự thảo hướng dẫn bảo đảm an toàn truyền máu phòng chống lây nhiễm do virus Zika lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn truyền máu cho đối tượng phụ nữ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia số lượng người cần truyền máu ở đối tượng mang thai cũng sẽ rất ít. Với đối tượng này, nếu cần truyền máu thì nên sử dụng hoặc máu và chế phẩm máu lấy từ vùng không có dịch như quy định trên và đã được lưu trữ trên 14 ngày hoặc máu và chế phẩm máu đã được bất hoạt virus hoặc máu và chế phẩm máu đã được sàng lọc virus Zika.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng hướng dẫn phòng ngừa lây truyền virus Zika trong hiến máu như trì hoãn hiến máu tạm thời tối thiểu 28 ngày đối với những người đã được chẩn đoán khẳng định nhiễm virus Zika; tất cả những người ở trong vùng dịch, có xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng sốt, nhức đầu, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi;

các triệu chứng nghi ngờ Sốt xuất huyết Dengue với xét nghiệm Dengue âm tính. (hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị nhiễm vi rút Zika); người có quan hệ tình dục không an toàn với người có chẩn đoán nhiễm virus Zika và/hoặc với người có xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu lâm sàng có liên quan.

Tất cả những người đã hiến máu, cần được hướng dẫn cách thông báo nhanh chóng, kịp thời cho các cơ sở tiếp nhận hiến máu về những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng mới xuất hiện ở người hiến máu trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả nước khẩn trương triển khai phòng chống virus Zika