Bức tranh kinh tế qua kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các doanh nghiệp

12/05/2014 13:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thống kê của Vietstock, tính đến ngày 10/05 có khoảng hơn 480 doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC quý 1/2014. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi khoảng 412 đơn vị, chiếm 86%; còn lại khoảng 69 đơn vị bị lỗ.

Tổng số lợi nhuận các doanh nghiệp mang lại cho nền kinh tế khoảng 10,414 tỷ đồng. Đóng góp lợi nhuận đáng kể là những “ông lớn” như GAS với trên 3,100 tỷ đồng, VNM với gần 1,400 tỷ đồng. Tổng số lỗ khoảng 513 tỷ đồng.

Có khoảng 17 doanh nghiệp có mức lãi ròng quý 1/2014 gấp trên 10 lần so với cùng kỳ. Đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận là DXV, mặc dù chỉ đạt 744 triệu nhưng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng “khủng” bởi cùng kỳ năm 2013 vỏn vẹn có 1 triệu đồng tiền lãi. Còn nếu so với cùng kỳ các năm 2011 và 2012 thì con số lãi trên vẫn còn rất thấp.

Doanh nghiệp có lãi ròng quý 1/2014 gấp hơn 10 lần cùng kỳ

Bức tranh kinh tế qua kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các doanh nghiệp

Nguồn: VietstockFinance

Thật sự nổi bật trong danh sách các doanh nghiệp trên là FIT và DLG. FIT ấn tượng với lãi ròng quý 1/2014 lên đến hơn 32.6 tỷ đồng, tương đương lãi cả năm 2013 và vượt xa lãi ròng của các năm trước nữa cộng lại. Trong quý 1, nhờ thực hiện một số khoản đầu tư, chuyển nhượng sàn văn phòng MIPEC cho MIC mang lại khoản lợi nhuận đáng kể cho FIT. Ngoài ra chi phí lãi vay so với cùng kỳ giảm mạnh từ 54 tỷ đồng còn 93 triệu đồng.

DLG báo lãi công ty mẹ quý 1/2014 đến 32 tỷ, một kết quả đột biến kể từ năm 2011 đến nay và gấp hơn 30 lần so với cùng kỳ năm 2013. Hàng loạt yếu tố khả quan của DLG trong kỳ như doanh thu thuần tăng gấp đôi, giảm lỗ nhờ thoái vốn khỏi 2 công ty bất động sản, trái chủ tự nguyện không nhận trái tức…

Nhìn chung, phần lớn các doanh nghiệp có lãi ròng tăng cao chủ yếu nhờ vào chi phí lãi vay giảm và kiểm soát tốt các chi phí đầu vào.

Quý vừa qua cũng ghi nhận những doanh nghiệp quý 1 năm trước lỗ nặng nhưng năm nay đã có được lợi nhuận đáng kể. Trong đó, BTS, TCR, LCG, HOM và NST đã “xóa” được khoản lỗ hàng chục tỷ đồng của quý 1/2013 để quý 1/2014 báo lãi.

Doanh nghiệp có lãi ròng quý 1/2014 chuyển từ lỗ sang lãi

Bức tranh kinh tế qua kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các doanh nghiệp

Nguồn: VietstockFinance

BTS mặc dù doanh thu chỉ tăng 10% nhưng quý 1/2014 đã tạo lợi nhuận 147 triệu đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 46 tỷ đồng. Sản lượng tiêu thụ xi măng, clinke với giá bán cùng tăng trong kỳ, chiết khấu thương mại và chi phí tài chính lại giảm, chênh lệch tỷ giá thanh toán cũng giảm đã mang lại khoản lãi cả trăm tỷ kể trên.

TCR cũng có doanh thu chỉ tăng 21% nhưng tạo khoản lãi 726 triệu, cùng kỳ liên tiếp năm 2013 và 2012 là âm 44.1 tỷ đồng và 19.1 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ lượng hàng bán tăng kèm theo giá bán tăng, khoản lợi nhuận khác tăng gấp 5 lần cùng kỳ.

Ngoài ra, LCG, HOM, NST, TMT, VTO, ACL và CMI cũng là những mã bỏ xa khoảng cách bị lỗ. VLF bị ảnh hưởng của áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ, Pakistan và việc giải phóng hàng tồn kho gạo Thái Lan làm sản lượng bán và giá bán gạo giảm. Nhưng nhờ có được tiền hỗ trợ lãi suất từ đợt mua gạo vụ hè thu năm 2013 là 1.8 tỷ đồng, lợi nhuận khác tăng mạnh từ việc bán được kho Xí nghiệp Nông sản 14.9 tỷ đồng nên công ty thoát lỗ và lãi ròng 4.2 tỷ đồng.

ICG, CMI là 2 mã có doanh thu gấp hơn 90 lần cùng kỳ, góp phần không nhỏ cho việc đưa lợi nhuận từ âm sang dương.

5% doanh nghiệp trên sàn lỗ

Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp kỳ trước hoạt động có lãi thì kỳ này lợi nhuận âm. Mức giảm lãi ròng nhiều nhất lại là VIP khi “mất đi” hơn trăm tỷ đồng so với cùng kỳ. Quý 1/2014 là quý đầu tiên mà VIP báo lỗ kể từ năm 2010 bởi giá vốn hàng bán có mức giảm thấp hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm đến hơn 80%, sau khi trừ các chi phí đã bị lỗ gần 15 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có lãi ròng quý 1/2014 chuyển từ lãi sang lỗ

Bức tranh kinh tế qua kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các doanh nghiệp

(*): HLA là số liệu BCTC quý 2 (từ 01/01/2014-31/03/2014) theo niên độ tài chính kết thúc vào ngày 30/09.

Nguồn: VietstockFinance

Ngành nghề năm trước lời năm nay lỗ tập trung chủ yếu vào ngành xây dựng và khai khoáng. Lỗ nhiều nhất kể đến là HLA, theo niên độ kế toán thì từ 3 tháng đầu năm 2014 là quý 2 và công ty đã lỗ 152 tỷ đồng trong quý này, trong khi cùng kỳ lãi được 2.2 tỷ đồng. Như vậy, hai quý đầu năm HLA lỗ 209 tỷ đồng. Hiện nay công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và trong giai đoạn đàm phán tái cơ cấu nợ với các ngân hàng, nhà cung cấp.

Doanh thu của RIC tăng 15% nhờ đưa khách sạn Hoàng Gia Hạ Long đi vào hoạt động nhưng các chi phí từ giá vốn, tài chính và quản lý tăng gấp nhiều lần khiến quý 1/2014 lỗ đến 34 tỷ đồng.

PVG bị ảnh hưởng của giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh khiến phải trích lập dự phòng giảm giá, dù doanh thu tăng 3% nhưng kết quả trong quý lỗ 21.5 tỷ đồng. Tương tự GGG có doanh thu tăng hơn 70% nhưng lại lỗ đến 3.2 tỷ đồng, tính từ quý 2/2011 công ty liên tiếp lỗ, chỉ duy quý 1/2013 lãi nhẹ 66 triệu đồng.

CID là doanh nghiệp có mức tồn kho cao nhất, tăng từ 119 triệu lên 6.5 tỷ đồng tính đến 31/03/2014. Trong khi đó doanh thu giảm 30% so với cùng kỳ, lợi nhuận âm 309 triệu đồng, cùng kỳ lời được 10 triệu đồng.

Ngoài ra đáng ngại hơn là có trên 40 doanh nghiệp vẫn tiếp tục bị lỗ trong quý 1/2014. Trong đó 3 doanh nghiệp vận tải đường thủy là VCV, VST và VOS có mức lỗ quý 1/2014 cao nhất.

Vận tải VCV là đơn vị có sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế nhiều nhất, lỗ trong quý 1 là 95 tỷ đồng, cao hơn cả mức lỗ cả năm 2013 là 51 tỷ đồng. Nguyên nhân từ việc nguồn hàng khan hiếm, giá cước khai thác vận chuyển và cho thuê định hạn thực tế lại thấp hơn 50% dự kiến, chi phí nhiên liệu dầu tăng 20-30% làm hiệu quả khai thác giảm, ngoài ra chi phí lãi vay cũng ở mức cao. VOS tiếp tục lỗ 28.3 tỷ đồng, trước đó quý 1/2012 và cả 2013 đều kinh doanh lỗ, năm 2013 lỗ 198 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh lỗ quý 1/2014

Bức tranh kinh tế qua kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các doanh nghiệp

Nguồn: VietstockFinance

Khoáng sản Bắc Cạn (BKC) đối mặt 8 dự án đầu tư với 80 tỷ đồng mà không mang lại khoản lợi nhuận nào khiến doanh thu giảm đến 98%. Được biết tính đến nay sau gần 4 tháng ban hành kết luận của Thanh tra Bắc Cạn về vấn đề khai thác vàng trái phép tại địa phương của công ty, liên quan trực tiếp đến Chủ tịch BKC Mai Văn Bản vẫn chưa được UBND tỉnh xử lý.

TKC cũng có doanh thu giảm đến 81%, mức lỗ giảm từ 8.2 tỷ đồng còn 2.6 tỷ đồng. Doanh thu TST và SVN giảm 87%, mức lỗ giảm được khoảng 25%. Nhìn chung ở bảng thống kê kết quả lỗ liên tiếp tập trung vào ngành xây dựng, vận tải đường thủy, viễn thông và bất động sản.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã phần nào phản ảnh “sức khỏe” nền kinh tế đang đón nhận sự khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận vượt bậc qua năm 2014 trong khi những đơn vị cùng ngành lại thua lỗ. Tuy nhiên vẫn còn cá biệt một số doanh nghiệp đà thua lỗ vẫn cứ tiếp diễn nhưng tổng lỗ tạo ra cho nền kinh tế chỉ tương đương 5% lợi nhuận mà tổng các doanh nghiệp mang lại.

Trần Hạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế qua kết quả kinh doanh quý 1/2014 của các doanh nghiệp