Từ ngày 1-7-2011, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành với điểm mới là quản lý rất chặt việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Luật quy định đã ró, nhưng liệu bữa ăn của chúng ta có chắc chắn bảo đảm an toàn? Chưa ai có thể biết được...
Ngộ độc do hóa chất trong thực phẩm tăng mạnh
“Thần chết đến từ bữa ăn”
Chất phụ gia là chất được bổ sung vào thức ăn trong quá trình bảo quản hoặc dùng trong chế biến thức ăn để món ăn ngon miệng, đẹp mắt, hấp dẫn hơn. Chất phụ gia thường không có giá trị dinh dưỡng. Có đến hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau, trong đó, một số nhóm chính được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm là: Nhóm chất phụ gia bảo quản thực phẩm; nhóm phụ gia phẩm màu và nhóm phụ gia tạo vị.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thực phẩm của con người cũng gia tăng về hình thức, chất lượng và chủng loại. Bên cạnh đó, khoa học kỹ thuật phát triển nên việc sử dụng các phụ gia thực phẩm trong các sản phẩm thực phẩm là một điều tất yếu. Các nhà sản xuất đã sử dụng các chất liệu phụ gia thực phẩm để các sản phẩm hấp dẫn hơn, thu hút người tiêu dùng hơn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất đã sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm vượt quá mức cho phép hoặc hóa chất không được phép sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, làm cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Điển hình nhất là vụ việc thạch rau câu vị khoai môn nhãn hiệu Taro của Công ty New Choice Foods vừa bị cơ quan chức năng phát hiện có chất phụ gia DEHP - một chất nguy cơ gây ung thư.
Việc sử dụng các chất phụ gia không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng sẽ gây nên các trường hợp ngộ độc thực phẩm cấp tính. Mức độ nhẹ biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, gây dị ứng da làm nổi mụn, ngứa, phù. Mức độ nặng có thể dẫn đến tử vong. Sử dụng lâu dài và thường xuyên nguy cơ tích luỹ chất phụ gia ăn vào trong cơ thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm khó chữa ở gan, thận, dạ dày, não và có thể gây ung thư.
Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm quy định: phụ gia thực phẩm sử dụng phải đảm bảo nằm trong danh mục, đạt tinh khiết trên 95%, sử dụng đúng quy định cho từng nhóm thực phẩm và đúng liều lượng. Nếu sử dụng sai nhóm hoặc quá liều lượng cũng sẽ bị buộc thu hồi và xử phạt. Doanh nghiệp nhập khẩu phụ gia thực phẩm phải cam kết chịu trách nhiệm về tính an toàn cho đến hết hạn lưu hành trên thị trường. |
Nhìn lại 10 năm gần đây, thực tế cho thấy số vụ về ngộ độc thực phẩm nói chung đang giảm đi nhưng số vụ nhiễm độc do hóa chất (phụ gia sử dụng trong thực phẩm) lại tăng mạnh và diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Nếu 10 năm trước, các vụ ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật gây ra, thì đến năm 2010, hóa chất lại là nguyên nhân chính. Cụ thể, số vụ ngộ độc gây ra bởi độc tố tự nhiên năm 2010 chỉ còn 10 vụ so với 70 vụ của năm 2000. Trong khi đó, số vụ ngộ độc do hóa chất năm 2010 là hơn 60 vụ, tăng tới 50% so với hơn 30 vụ của năm 2000.
Nâng cao trách nhiệm của cả “ba nhà”
Hiện cả nước có khoảng 9 triệu hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong khi đó, việc sử dụng chất bảo quản, hóa chất, chất gây nguy hại cho sức khỏe chưa được kiểm soát tốt.
Các doanh nghiệp và các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm là đối tượng liên quan trực tiếp đến các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy, quan trọng nhất vẫn là phải nâng cao ý thức của doanh nghiệp. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chính là trách nhiệm, nhưng cũng là lợi ích của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm.
Thực tế nước ta đã có hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng việc áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh còn chậm trễ do chính quyền, ngành chức năng chưa thật sự vào cuộc. Nhiều nơi còn lơ là, buông lỏng quản lý.
Tại hội thảo “An toàn thực phẩm với sức khỏe cộng đồng - phụ gia thực phẩm - những nguy cơ tiềm ẩn,” vừa diễn ra tại Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), đã phân tích những khó khăn thách thức trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, Việt Nam chưa thể quản lý chặt chẽ chất lượng thực phẩm theo quy trình sản xuất “từ đồng ruộng tới bàn ăn”. Bởi lẽ, người dân trồng trọt, chăn nuôi theo từng hộ nhỏ lẻ với kỹ thuật lạc hậu, khó kiểm soát được loại thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng đã sử dụng. Hay như trong nuôi trồng thủy sản, chúng ta cũng chưa kiểm soát được vùng nuôi, quy trình sơ chế, bảo quản thủy sản. Trong khi đó, kỹ thuật chế biến lại chủ yếu là thủ công với quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát hoạt động nhập lậu phụ gia tại các vùng biên giới chưa hiệu quả. “Chỉ cần 5kg phụ gia nhập vào nước ta, nó sẽ hiện diện trong bữa ăn của hàng chục triệu người Việt Nam” - ông Khẩn ví dụ về sự nguy hiểm của tình trạng nhập lậu tràn lan phụ gia từ nước ngoài.
Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn của nước ta hiện nay, để đảm bảo an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng, nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải có sự phối kết hợp chặt chẽ. Đặc biệt, phải chú trọng đến công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm không vì lợi nhuận trước mắt mà hủy hoại sức khỏe đồng bào mình.
Các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khuyến cáo, trước thực trạng sử dụng chất phụ gia mất an toàn như hiện nay, người tiêu dùng nên sử dụng các chất màu tự nhiên như gấc, cà chua, ớt, dâm bụt, nghệ, lá dứa thơm... Hạn chế dùng sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, nhất là thực phẩm cho trẻ em. Không mua phẩm màu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm tại gia đình, chỉ mua các sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp có chứng nhận an toàn thực phẩm.
Phương Dung