Chỉ vài giờ trước buổi lễ khai mạc World Cup 2014, một vụ bạo động kinh hoàng đã xảy ra bên ngoài sân vận động Arena de Sao Paulo.
KỲ CUỐI: BIỂU TÌNH TIẾP TỤC LEO THANG TẠI WORLD CUP 2014
Chủ nhà Brazil đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc với một lễ hội Carnaval bóng đá rực rỡ sắc màu trong ngày khai mạc. Tiếp đó là những vũ điệu mê hồn của những “vũ công Sam Ba” chính hiệu trong chiến thắng nghẹt thở trước đội bóng đến từ xứ sở “ca rô”- Croatia. Thế nhưng, vẻ ngoài hào nhoáng ấy đã không thể che lấp được một kỳ World Cup “xấu xí” với tình trạng bạo lực, biểu tình đang ngày một lan rộng…
Bạo loạn trên đường phố Brazil
“Lửa đã cháy” ngay trước thềm lễ khai mạc
Chỉ vài giờ trước buổi lễ khai mạc World Cup 2014, một vụ bạo động kinh hoàng đã xảy ra bên ngoài sân vận động Arena de Sao Paulo. Đám đông người biểu tình tụ tập trên đường phố, đeo mặt nạ, mang theo nhiều băng rôn và hô vang khẩu hiệu phản đối FIFA, chính phủ Brazil và ban tổ chức World Cup 2014. Sau khi tuần hành qua một số tuyến phố chính ở Sao Paulo, hàng trăm người biểu tình đã đổ về chặn đứng tuyến đường Radial Lieste, gây náo loạn con đường chính dẫn vào SVĐ Arena de Sao Paulo. Đám đông đã dùng bom xăng, gạch đá, chai lọ ném về phía cảnh sát. Hoạt động giao thông gần như bị tê liệt bởi các đám cháy do những người biểu tình quá khích tạo nên để chống sự “bố ráp” của cảnh sát.
Song song với các nỗ lực nhằm chặn các lối vào SVĐ Arena de Sao Paulo, khẩu hiệu “FIFA hãy cút về nhà”, “Ở đây không có cúp”, “World Cup chỉ mang tới nghèo đói”… cũng được người biểu tình hô vang trên khắp các tuyến đường dẫn về nơi diễn ra lễ khai mạc World Cup 2014. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay, dùi cui, điều động tới các nhà ga, dàn đội hình chật cứng các thang cuốn để bảo vệ sự an toàn cho các cổ động viên tới tham dự khai mạc và trận đấu khai màn World Cup 2014...
Tuy nhiên, đám đông quá khích vẫn ngoan cố chống trả quyết liệt sự tấn công của cảnh sát. Lửa đã cháy trên các tuyến phố, rất nhiều xe hơi, cửa hàng đã bị đập phá. Theo thông tin từ phía cảnh sát, đã có ít nhất một cổ động viên quá khích bị bắt giữ do cố gắng “thâm nhập” trái phép vào SVĐ Arena de Sao Paulo, hàng chục người bị thương trong đó có 2 phóng viên của CNN. Mặc dù cơn bạo loạn đã được dập tắt, lễ khai mạc vẫn diễn ra như dự kiến nhưng điều đó không thể xóa được vết nhơ trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Không chỉ tại Sao Paulo, làn sóng biểu tình đã lan rộng ở nhiều nơi, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia. Đã có những cuộc “đụng độ” nảy lửa giữa đám đông người biểu tình với lực lương an ninh nước chủ nhà. Tại Belo Horizonte, khoảng 200 người đã xuống đường biểu tình phản đối World Cup. Nhiều người biểu tình quá khích đã dùng đá ném vỡ cửa kính các ngân hàng và cửa hiệu trên đường. Thậm chí một số người lật xe cảnh sát. Biểu tình tiếp tục leo thang nghiêm trọng tại hai thành phố khác là Rio De Janeiro và Porto Alegre. Trong đó, đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến cuộc biểu tình tại Rio De Janeiro.
Khi trận đấu khai mạc World Cup 2014 đã diễn ra hơn 20 phút, chủ nhà Brazil đang bị đội khách Croatia dẫn trước 1-0. Có lẽ, chính điều đó đã “thắp lửa” cho một cuộc biểu tình của hàng nghìn cổ động viên. Một cảnh tượng hết sức hy hữu đã diễn ra tại Copacabana, bãi biển nổi tiếng nhất Rio De Janeiro. Lúc này, trước màn hình lớn ở bãi cát cạnh bờ biển là hàng ngàn cổ động viên rực rỡ trong sắc phục vàng xanh đang cổ vũ cho đội tuyển Brazil. Cách đó khoảng vài chục mét, hàng nghìn người khác, trang phục rực rỡ không kém đang tuần hành phản đối World Cup. Đám đông mang trên mình đủ mọi trang phục, từ mặt nạ, bình dưỡng khí cho đến… siêu nhân, batman.
Thoạt trông chẳng khác nào một lễ hội hóa trang hay Carnaval đường phố nào nhiệt. Tuy nhiên, mọi chuyện lại căng thẳng hơn gấp bội. Đó là một cuộc biểu tình thực sự mà đối tượng họ nhắm đến không ai khác chính là chính phủ Brazil và FiFa. Đám đông người biểu tình đã khoác những bộ trang phục sặc sỡ, hô vang khẩu hiệu “FIFA hãy trở về nhà”, “Cup cho người giàu - Gánh nặng cho người nghèo”, “Đất nước của World Cup là đất nước bị hủy hoại bởi các bệnh viện”… để gây sự chú ý của dư luận thế giới về những gì đã và đang diễn ra tại Brazil. Bên cạnh đó, khoảng 3.000 hộ gia đình đã tham gia phong trào “nói không với World Cup” với hy vọng cộng đồng quốc tế có thể gây áp lực lên chính quyền Brazil trong việc giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp…
Rất may cuộc biểu tình không biến thành bạo động. Bất chấp sự khiêu khích của một vài kẻ quá khích, cảnh sát vẫn không sử dụng bạo lực. Chỉ có trực thăng bay rợp trời. Và khi Neymar ghi bàn quân bình tỷ số 1-1 cho Brazil, tất cả mọi người ở bãi biển Copacabana đã nhảy cẩng lên ăn mừng, ngay cả đám đông đang biểu tình cũng ngừng lại để… reo hò ăn mừng bàn thắng. Sau đó ít phút cuộc biểu tình lại tiếp tục diễn ra, hàng trăm nhân viên an ninh đã được điều động thêm đến Copacabana để đề phòng bất trắc. Tuy nhiên, lo lắng ấy đã không xảy ra khi cuối trận, chủ nhà Brazil giành chiến thắng 3-1, người hâm mộ và đám đông biểu tình hòa vào nhau, ôm nhau reo hò, ăn mừng chiến thắng.
Những gì diễn ra ở Copacabanacho thấy một đất nước Brazil bị chia cắt bởi các vấn đề xã hội thế nhưng tình yêu, sự cuồng nhiệt với môn thể thao vua là không bao giờ cạn!
Nỗi ám ảnh mang tên “hooligan”
World Cup 2014 đang đắm chìm trong những cuộc biểu tình, bạo động đẫm máu, tuy nhiên vẫn còn một vấn nạn khác không kém phần nguy hiểm đang rình rập “phá hoại” ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Vấn đề nguy hiểm mà chúng tôi đang nhắc tới chính là “Hooligan”.
Trước thềm World Cup, Hãng thông tấn Reuters đã cảnh báo ban tổ chức về vấn nạn hooligan tại các quốc gia Nam Mỹ. Là hai quốc gia láng giềng, nên dự kiến sẽ có khoảng 50 ngàn hooligan đến từ Argentina sẽ đổ bộ vào lãnh thổ Brazil mùa hè này, đông hơn bất kỳ các giải đấu nào gần đây.
Theo cảnh sát Brazil, đám hooligan này được đánh giá là những kẻ rất hiếu chiến và nguy hiểm, phần đông chúng không có vé vào sân và sẽ tập trung thành các nhóm ở ngoài sân. Chúng sẵn sàng gây chiến nếu gặp nhóm cổ động viên (CĐV) đối địch. Thậm chí, các CĐV Argentina còn có thể thanh toán lẫn nhau do chúng thuộc những nhóm hooligan kình địch, có nhiều ân oán tại giải trong nước. Năm 1986, khi World Cup tổ chức tại Mexico, các hooligan Argentina đã từng khiến cảnh sát Mexico rất mệt mỏi khi phải ngăn những cuộc đụng độ đẫm máu với CĐV Anh. Còn tại giải 4 năm trước ở Nam Phi thì các nhóm CĐV Argentina đã đánh lẫn nhau trong sự khó hiểu của cả thế giới. Nhưng điều mà cảnh sát Brazil sợ nhất là hooligan Argentina gây sự với các CĐV chủ nhà. Bởi lẽ, ai cũng biết Brazil và Argentina là hai “ông kẹ” của khu vực Nam Mỹ đồng thời cũng là hai kẻ thù không đội trời chung trên bản đồ bóng đá. Tất nhiên mối thâm thù trên cũng không phải là ngoại lệ đối với các cổ động viên hai nước. Với cổ động viên xứ Tango, đội bóng nào vô địch mặc kệ miễn là cái tên đó không phải là Brazil và điều ngược lại cũng là suy nghĩ chung của cổ động viên Brazil.
Mặt khác, CĐV Brazil cũng không phải là hiền khi bị chọc tức. Năm ngoái, đã có 30 người thiệt mạng do ẩu đả giữa các CĐV tại Brazil. Vì thế để phòng ngừa, cảnh sát Argentina đã cung cấp danh sách khoảng 2.000 tên hooligan khét tiếng quậy phá cho các đồng nghiệp Brazil, nhằm giúp cảnh sát Brazil có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Chính quyền sở tại hy vọng sự hợp tác chặt chẽ của cảnh sát 2 nước sẽ giúp giải đấu tiến hành trôi chảy mà không có sự cố đáng tiếc nào.
Tuy nhiên, không chỉ duy nhất hooligan Nam Mỹ mới thực sự đáng sợ! Đừng quên rằng những hooligan khét tiếng, hung hãn nhất đều xuất thân từ lục địa già. Trong đó, đứng đầu danh sách luôn là hooligan Anh, Đức, Italia… Và tất nhiên, World Cup luôn là sân khấu chính để những tay dữ dằn này “trổ tài”, vì thế FIFA đã cảnh báo “rất có thể những hooligan quá khích sẽ trà trộn vào đám đông, kích động người biểu tình để thực hiện tội ác, nhằm thỏa mãn bản tính man rợ của mình” và đề nghị chủ nhà Brazil lên kế hoạch để chủ động ứng phó với vấn nạn cực kỳ nguy hiểm này.
Ngân sách tổ chức World Cup 2014 bị mất cắp hết?! Ngay trước lễ khai mạc, bà Joana Havelange (con gái của cựu giám đốc LĐBĐ Brazil (CBF) Ricardo Teixeira) đã tiết lộ: “Tôi muốn World Cup có thể diễn ra. Tôi sẽ không chiến đấu chống lại nó, tuy nhiên một số lượng lớn ngân sách đã bị chi tiêu hết hoặc bị đánh cắp”. Chính những lời phát ngôn gây tranh cãi này đã khiến những người biểu tình càng trở nên giận dữ hơn. |