Bộ trưởng KH&ĐT giải trình thêm về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Bình Nguyên| 30/10/2021 15:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuối buổi thảo luận sáng nay 30/10 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình thêm về một số vấn đề liên quan.

202110290906148360_toan-canh-sang-29-10-1-.jpg

Bộ trưởng cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không phải là một vấn đề mới mà ta đã thực hiện hơn 10 năm nay. Nên cần tổng kết những nội dung đã làm được gì và còn những gì cần làm trong tương lai; từ đó, cụ thể hóa để triển khai thực hiện tiếp tục trong giai đoạn mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đã có sự xác định xây dựng chiến lược 10 năm 2021-2030 là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chúng ta đã đặt ra rất nhiều mục tiêu lớn, khát vọng lớn chúng ta phải đạt được.

Hiện nay, ta cũng đang nằm trong bối cảnh một thế giới đang thay đổi hết sức nhanh chóng và bất định. Những vấn đề tác động của đại dịch COVID-19, hội nhập quốc tế  đang đặt ra những thách thức lớn.

Bên cạnh đó, những vấn đề về liên kết phát triển vùng hay chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đô thị, kinh tế biển,… là những vấn đề mới chúng ta đang đặt ra từ Đại hội XIII phải được cụ thể hóa cùng với đợt điều chỉnh kế hoạch lần này.

202110301150076774_bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-chi-dung-2-.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm một số nội dung.

Nếu chúng ta trì hoãn và chậm hơn nữa sẽ xảy ra một số vấn đề, tức là thách thức chúng ta phải đối mặt. Đó là, chúng ta không thể thực hiện được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khó khăn trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước hiện nay; không tiếp cận được với cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, không tận dụng được các cơ hội hội nhập quốc tế mà chúng ta đang ký các hiệp định FTA hiện nay. Cùng với đó là nâng cao được năng lực tự chủ, tính thích ứng và tính chống chịu của nền kinh tế thì sẽ không tận dụng được những cơ hội mới đang hình thành sau đại dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, quá trình cơ cấu thực chất là một quá trình phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi ở tầm quốc gia. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó chúng ta có thể nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, tính chống chịu của chúng ta còn rất thấp, chưa kể những thách thức mới trong thời gian tới.

Về giải pháp đột phá trong giai đoạn tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào ba vấn đề lớn là thể chế, chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Triển khai giải pháp này, tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được và phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để chúng ta quyết tâm thực hiện với một tư duy tầm nhìn mới và phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống các cát cứ chia cắt.

Chúng ta phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy mới giải quyết được. Chứ nếu đi theo từng phân khúc, chia cắt nhỏ thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế.

Đấy là những vấn đề mà trong tình hình mới cần phải có sự quyết liệt hơn nữa để hình thành các mô hình tăng trưởng mới, nâng cao được năng suất, chất lượng, đặc biệt là sức cạnh tranh của nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đạt được các mục tiêu mà Đại hội đại biểu đã đề ra.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu về công tác quy hoạch, đẩy nhanh công tác quy hoạch, thể chế, liên kết vùng, các mô hình kinh tế mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công… , Chính phủ sẽ nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng KH&ĐT giải trình thêm về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế