Bộ Tài chính nói về đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu

Lan Trần| 27/02/2018 11:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, trong đó mức thuế BVMT của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít.

Theo Luật thuế BVMT hiện hành, khung thuế BVMT đối với xăng từ 1.000 đồng/lít đến 4.000 đồng/lít; đối với dầu diesel từ 500 đ/lít đến 2.000 đ/lít. Luật giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa thuộc diện chịu thuế.

Hiện nay, mức thuế BVMT do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định đối với xăng, trừ etanol là 3.000 đồng/lít, dầu diezel: 1.500 đồng/lít.

Bộ Tài chính nói về đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu

Ảnh minh họa

Trong dự thảo nghị quyết về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh biểu thuế BVMT đối với một số hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 như sau: Mức thuế BVMT của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên kịch khung là 2.000 đồng/kg; Than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, than nâu, than mỡ và than đá khác tăng từ 10,000 đồng/tấn lên 15.000 đồng; dung dịch HCFC tăng từ 4.000đồng/kg lên 5.000 đồng/kg; túi ni lông thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.

Trả lời trên báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết Luật Thuế BVMT có hiệu lực từ 1/1/2012 và thuế BVMT thu với 8 loại hàng hóa trong đó có xăng dầu.

Theo ông Thi, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo an toàn nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững, trong đó có giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu NSNN. Cùng với đó là thực hiện NQ 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội thì cũng đưa ra 1 giải pháp cơ cấu lại NSNN là phải hoàn thiện cơ cấu lại nguồn thu NSNN, phải khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường.

Cùng với việc đó thì tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế BVMT, ngoài 1 số ý kiến cho rằng cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa thêm 1 số hàng hóa vào đối tượng chịu thuế BVMT để hướng tới phát triển kinh tế bền vững thì có ý kiến cho rằng phải làm rõ cơ sở khoa học để xem xét mở rộng khung và cũng có ý kiến đề nghị trong lúc khung thuế BVMT của Quốc hội còn cho phép thì cần thiết Chính phủ điều chỉnh thuế BVMT.

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có ý kiến thông báo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế BVMT.

Thực hiện các quan điểm, chủ trương trên và để phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT

“Đề xuất này còn xuất phát từ thực tế chúng ta đã biết, hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 FTA. Nhất là xăng, mức thuế cam kết trong WTO là nhập khẩu 40% tuy nhiên mức thuế ưu đãi chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA thì chúng ta còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Từ 2015, trong ATIGA thì dầu đã về 0% rồi.”, ông Thi nói.

Một lý do được ông Thi cho biết là là đề xuất tăng thuế nhằm khắc phục hạn chế của Biểu thuế BVMT hiện hành. Ví dụ với túi nilon, mặc dù biểu đã quy định 1 mức nhất định nhưng lượng tiêu thụ túi nilon vẫn rất lớn nên lần này, 1 số hàng đề nghị tăng kịch trần.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cũng lý giải đối với xăng dầu, hiện nay, chúng ta đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Đây là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, phải xét trên giác độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Bản thân các mặt hàng này, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nói đến xăng, từ 1/1/2018, Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng xăng E5. Đó là một cách bảo vệ môi trường.

"Mặt khác, giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước". ông Thi lý giải.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào NSNN. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính đang đề nghị Nghị quyết này trình Ủy ban thường vụ quốc hội và nếu được thông qua Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/72018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính nói về đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu