Bộ luật TTHS 2015: Bổ sung một số quyền của người bào chữa

Phương Nam| 05/08/2018 08:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

BLTTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa của người bị buộc tội; quyền và nghĩa vụ của người bào chữa; việc người bào chữa tham gia vào quá trình tố tụng và các thủ tục tố tụng có liên quan đến quyền bào chữa.

Bộ luật TTHS 2015: Bổ sung một số quyền của người bào chữa

Bộ luật TTHS 2015 bổ sung một số quyền của người bào chữa

Mở rộng diện người được bảm đảm quyền bào chữa

Theo quy định của BLTTHS năm 2003, những người có quyền bào chữa bao gồm: Người bị tạm giữ (điểm d khoản 2 Điều 48), bị can (điểm e khoản 2 Điều 49) và bị cáo (điểm e khoản 1 Điều 50). Tuy nhiên, khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định, “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Theo quy định này thì người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 58 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung người bị bắt vào diện chủ thể có quyền bào chữa. Theo đó, chủ thể có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì trợ giúp viên pháp lý được tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong khi đó, BLTTHS năm 2003 không quy định trợ giúp viên pháp lý thuộc diện người bào chữa nên dẫn đến nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau về việc trợ giúp viên pháp lý có được tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hay không. Để khắc phục bất cập này và phát huy vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong tố tụng hình sự, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung trợ giúp viên pháp lý vào diện người bào chữa.

Theo khoản 2 Điều 72 BLTTHS năm 2015, người bào chữa có thể là: luật sư;  người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Sự bổ sung này đã bảo đảm tốt hơn quyền của người bị buộc tội, phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.

Bổ sung quy định về đăng ký bào chữa

Nhằm bảo đảm người bào chữa nhanh chóng tham gia tố tụng, khắc phục các vi phạm, bất cập, Điều 78 BLTTHS năm 2015 đã thay quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Theo đó, trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.

Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ khác nhau tùy thuộc trường hợp tham gia bào chữa (mời người bào chữa hay chỉ định người bào chữa) và chủ thể bào chữa (là luật sư, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân hay trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý).

Đồng thời, quy định, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo luật định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ do người bào chữa cung cấp, nếu thấy đủ điều kiện luật định thì vào sổ đăng ký bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký và cơ sở giam giữ. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng.

Để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội cho người bị buộc tội, khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 bổ sung một số quyền của người bào chữa, gồm: Quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can thay vì chỉ được hỏi khi cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý như hiện nay; được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; đề nghị thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.

Bên cạnh đó, để người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, BLTTHS năm 2015 bổ sung các cơ chế để người bào chữa tham gia tố tụng như: Quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng mà người bào chữa có quyền tham gia (Điều 79); Quy định cụ thể thủ tục gặp người bị buộc tội đang bị bắt, tạm giữ, tạm giam, văn bản mà người bào chữa phải xuất trình khi gặp và quy định thủ tục giao nộp chứng cứ, thủ tục đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án (Điều 80); Quy định về việc thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án của người bào chữa (các Điều 81, 82).

Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm của người bào chữa, khoản 2 Điều 73 BLTTHS năm 2015 còn bổ sung quy định về nghĩa vụ của người bào chữa như: Phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; không được tiết lộ thông tin mà mình biết được khi tham gia các hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án hoặc liên quan đến người mà mình bào chữa cho những người không có trách nhiệm giải quyết vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ luật TTHS 2015: Bổ sung một số quyền của người bào chữa