Ngày 3/4/2017, Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về BLHS 2015 (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới đây.
Trẻ em chưa thể nhận thức đầy đủ về tội rất nghiêm trọng
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với một số tội danh là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Theo đó, đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015), đa số ý kiến đề nghị không sửa đổi điều khoản này. Theo đó, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.
Theo UBTVQH, BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Giáo dục và đào tạo… cho rằng, việc xử lý hình sự người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên là quá nặng, chưa nhất quán về chính sách hình sự của BLHS năm 2015, đồng thời chưa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Việc sớm đưa các em vào vòng tố tụng không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người tốt cho xã hội. Các biện pháp giáo dục tại nhà trường, xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính… là phù hợp, đủ sức răn đe và tạo môi trường thuận lợi hơn cho các em phát triển lành mạnh.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại hội nghị
UBTVQH cho rằng, để bảo đảm phù hợp với chính sách chung của BLHS năm 2015, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp với các Công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên thì nên sửa đổi khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng chỉ xử lý hình sự người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Do còn ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) về 2 phương án như sau:
Phương án 1: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Phương án 2: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Không nên chỉ có một biện pháp duy nhất
Thảo luận về nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đồng tình với phương án 2 và cho rằng, chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa xử lý hình sự và giảm nhẹ hình phạt. Tại báo cáo về cải cách tư pháp trình Bộ Chính trị, trong quan điểm cải cách tư pháp cũng không nói rõ chỉ xử lý trẻ em từ 14 đến dưới 16 tuổi với những tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Về lý luận, ở lứa tuổi này nhận thức non nớt, trải nghiệm chưa nhiều, có nhiều em do hoàn ảnh gia đình xô đẩy mà phạm tội. Như vậy, những người chỉ nhận thức ở tầng thấp, mà chúng ta chỉ xử lý tội phạm ở tầng cao, nhận thức ở tầng rất cao như hiếp dâm, giết người, bắt cóc,… là không phù hợp, đi ngược với nguyên tắc áp dụng BLHS của chính Bộ luật.
Theo đó, Điều 91 BLHS quy định việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Việc truy cứu TNHS người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Như vậy có nghĩa là chúng ta đang xử lý những việc mà người ta không nhận thức tới, nó quá nghiêm trọng, họ không nhận thức tới thì chúng ta xử lý, còn bỏ phần bên dưới, tức là 4 cấp độ tội phạm thì chủ yếu xử lý ở hai tầng cao nhất, còn hai tầng bên dưới bỏ qua. Có thể giảm nhẹ hình phạt, chứ không thể không xử lý, còn nếu chỉ xử lý ở cấp độ ở tầng trên, có nghĩa chúng ta sẽ không có tội phạm để xử lý và như thế là dung túng cho các em, trái cả về nguyên lý, lý luận và thực tiễn.
Xét về tổng kết phạm tội của Bộ Công an cũng như thực tiễn phòng chống tội phạm, tình hình trẻ em hiện nay cho thấy, chủ yếu trẻ em phạm tội ở tội phạm nghiêm trọng và ít nghiêm trọng, đánh nhau, sát phạt nhau… chứ ít các em đi bắt cóc, tống tiền, cũng không ai tin tưởng giao cho các em số tiền lớn để các em lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được. Vì vậy, ĐB Nhưỡng đồng tình với phương án 2, giữ nguyên quy định của BLHS 2015.
ĐB Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, về tội danh này tại khoản 2, Điều 2 BLHS 2009 quy định rất cụ thể. Nhưng khi sửa ở BLHS 2015, chúng ta đã cụ thể hóa và bóc tách 3 loại tội danh trên để lấy ý kiến Quốc hội. Như vậy, có hai vấn đề sẽ được đặt ra là: Thứ nhất, Tội cố ý gây thương tích và tổn hại sức khỏe cho người khác đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là tình trạng bạo lực học đường mà chúng ta chưa ngăn chặn được, làm nhức nhối dư luận, mỗi năm theo thống kê không dưới 2 ngàn vụ và không hẳn các em cố ý thực hiện. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau, đó là công tác quản lý mạng internet, giáo dục ở nhà trường, gia đình… và có nghĩa là có cả vô ý và cố ý, nhưng chúng ta hình sự hết những quan hệ này thì có khả thi hay không?
Thứ hai, khi xem xét các tội ít nghiêm trọng trong đó có Tội hiếp dâm, không thể loại trừ các trường hợp các em nhận thức chưa đầy đủ, hay các em ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, việc tảo hôn đang là hủ tục mà các em vì quá non nớt chưa nhận thức được đầy đủ hành vi, nên cần xem xét thấu đáo, toàn diện. Vậy nên quan điểm của Ủy ban GDTTN&NĐ đề nghị giữ nguyên như khoản 2 Điều 12 BLHS 2009, không quy định chi tiết nữa thì sẽ phù hợp hơn. Còn trong trường hợp phải quy định chi tiết thì nên lựa chọn phương án 1.
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng nên lựa chọn phương án 2 (tức là giữ nguyên như dự thảo BLHS 2015) và phải kết hợp các yếu tố hợp lý trong từng tội danh.
Dẫn ra ví dụ về hành vi các học sinh cướp bánh mì, hay cướp mũ của bạn học ở Hải Phòng… cũng bị xử lý hình sự, nhiều ĐB cho rằng, đối với trẻ em cần có nhiều biện pháp giáo dục, chứ không thể chỉ có một biện pháp duy nhất là đưa các cháu vào tù.