Để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngay từ năm 2014, Bộ đã tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của các trường và tham mưu với Chính phủ và Quốc hội để hỗ trợ các địa phương.
Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm là cơ sở vật chất có đáp ứng đủ điều kiện đối với chương trình giáo dục phổ thông mới không? Đặc biệt, đối với những địa phương khó khăn thì cơ sở vật chất liệu có đáp ứng được điều kiện học hai buổi trên ngày và sĩ số lớp không quá 35 học sinh/lớp ở tiểu học, 45 học sinh/lớp ở trung học cơ sở và trung học phổ thông không?.
Trước băn khoăn này, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất - Bộ GD-ĐT cho hay: Bộ không đặt vấn đề áp dụng chương trình mới thì phải thay đổi cơ sở vật chất mà đó yếu tố cần thiết bất kể đối với chương trình nào.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất - Bộ GD-ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.
"Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể về cơ sở vật chất của các trường phổ thông thì hiện nay cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông tương đối yên tâm đáp ứng được yêu cầu. Cấp tiểu học thì khó khăn hơn một chút", ông Hùng Anh nói.
Ông Hùng cũng cho biết, từ năm 2014, Bộ đã tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của các trường và tham mưu với Chính phủ và Quốc hội để hỗ trợ các địa phương, trong đó hỗ trợ nâng cao chương trình kiên cố hóa trường, lớp học đặc biệt là vùng khó khăn. Trong đợt đánh giá cơ sở vật chất năm 2014, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước mới đạt 71%, trong đó tiểu học chỉ đạt 61,5%.
“Nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ này đã đạt mức 85%, trong đó tiểu học đạt 72,2%. Tỷ lệ phòng học trên lớp đến thời điểm này đã đạt 0,93 phòng/lớp ở cấp tiểu học”, ông Phạm Hùng Anh cho biết.
Ông Hùng nói, nhiều người nghĩ rằng Tây Bắc là vùng khó khăn nhưng theo Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất thì Tây Bắc hiện nay có tỷ lệ phòng học/lớp cao nhất cả nước. Con số thấp nhất rơi vào vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Như vậy, cả nước hiện nay có khoảng 10% số cơ sở đào tạo chưa đủ số phòng học/lớp để dạy học 2 buổi/ngày tính cho toàn cấp tiểu học. Đến năm 2020 thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày với lớp 1 thì hầu hết các cơ sở giáo dục đủ điều kiện.
Song song với đó là vấn đề về sĩ số học sinh trong một lớp. Việc quá tải số lượng học sinh cũng là một trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không đáp ứng được cơ sở vật chất.
Theo ông Phạm Hùng Anh cho biết, theo báo cáo của các địa phương sĩ số trung bình hiện tại đang là 28,5 học sinh/lớp với cấp tiểu học. Trong đó Tây Bắc 23 học sinh/lớp, Tây Nguyên là 26 học sinh/lớp, Tây Nam Bộ là 27 học sinh/lớp. Tuy nhiên, số lượng này ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt quá quy định.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về các tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất đối với các trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, cho phép nâng tầng đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện để di chuyển phòng hành chính, hiệu bộ lên tầng cao hơn, nhằm bố trí thêm lớp học.
Thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh lại về cơ sở vật chất. Cục Cơ sở vật chất sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ quy định diện tích, không gian học tập cho mỗi học sinh; chẳng hạn sẽ không tính theo chuẩn là số học sinh/lớp mà sẽ là số diện tích dành cho học sinh/lớp”, ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Anh cũng cho rằng, để thực hiện được việc đồng bộ chương trình mới cần có sự đồng này của địa phương.
Trước đó, ngày 27/12, Bộ GD-ĐT tổ chức Họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình GDPT mới so với Chương trình GDPT hiện hành được thể hiện như sau: Về mục tiêu giáo dục, Chương trình GDPT mới tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.
Về phương châm giáo dục, Chương trình GDPT mới kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lí luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
Về hệ thống môn học, trong chương trình mới, chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) mới hoặc mang tên mới là: Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
Việc đổi tên môn Kĩ thuật ở cấp tiểu học thành Tin học và Công nghệ là do chương trình mới bổ sung phần Tin học và tổ chức lại nội dung phần Kĩ thuật. Tuy nhiên, trong chương trình hiện hành, môn Tin học đã được dạy từ lớp 3 như một môn học tự chọn. Ngoại ngữ tuy là môn học mới ở cấp tiểu học nhưng là một môn học từ lâu đã được dạy ở các cấp học khác; thậm chí đã được nhiều học sinh làm quen từ cấp học mầm non.
Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lí, hóa học, sinh học và khoa học Trái Đất; môn Lịch sử và Địa lí được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lí. Học sinh đã học môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp tiểu học, không gặp khó khăn trong việc tiếp tục học các môn này. Chương trình hai môn học này được thiết kế theo các mạch nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên dạy đơn môn hiện nay nên cũng không gây khó khăn cho giáo viên trong thực hiện.
Hoạt động trải nghiệm hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cả ba cấp học cũng là một nội dung quen thuộc vì được xây dựng trên cơ sở các hoạt động giáo dục tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các hoạt động tham quan, lao động, hướng nghiệp, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… trong chương trình hiện hành.
Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.