Thời gian gần đây, dư luận Việt Nam đang xôn xao về việc nên giữ hay bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi sắc đẹp sau khi Mỹ khai tử phần thi áo tắm trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ Miss America.
Trước đây, vấn đề thi bikini trong các cuộc thi nhan sắc cũng từng gây ra nhiều cuộc tranh luận trong các phạm vi nhỏ nhưng mới đây lại nóng hơn bao giờ hết khi Ban tổ chức Hoa hậu Mỹ Miss America tuyên bố chính thức bỏ phần thi áo tắm. Thông báo này khiến dư luận trong nước dậy sóng, đặt câu hỏi là Việt Nam có nên học theo điều đó hay không.
Theo bà Gretchen Carlson, lý do mà Ban tổ chức Hoa hậu Mỹ quyết định bỏ phần thi bikini chính là mong muốn các các cô gái cần phải khẳng định vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn chứ không phải chỉ biết khoe vẻ đẹp hình thể. “Vẻ đẹp hình thể chỉ giúp cho người đẹp dễ tỏa sáng, còn để nhân được sự tôn trọng của mọi người thì họ phải nhờ vào cá tính và tài năng đặc biệt”, bà khẳng định.
Hình ảnh trong một cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tính với quyết định của Ban tổ chức Hoa hậu Mỹ, và vấn đề nhiều người băn khoăn là khi bỏ đi phần thi áo tắm, liệu tính hấp dẫn của các cuộc thi nhan sắc có còn hấp dẫn? Trước Hoa hậu Mỹ - Miss America, cuộc thi Hoa hậu Thế giới - Miss World đã bỏ hẳn phần thi bikini, hoa hậu biển từ mùa thi năm 2014. Ban tổ chức cho rằng họ muốn đề cao sắc đẹp vì mục đích nhân văn, vì nhân cách, vì tri thức hơn là sự đánh giá dựa trên cơ thể các người đẹp. Tuy nhiên, theo một số người, việc không còn diễn ra phần thi bikini đã khiến đấu trường nhan sắc này kém phần hấp dẫn và dần trở nên nhàm chán. Đến nay, việc giữ hay bỏ phần thi bikini trong các cuộc thi nhan sắc vẫn là đề tài gây tranh cãi.
Khi cuộc thi Hoa hậu thế giới bỏ phần thi áo tắm, đồng nghĩa với hình ảnh của người phụ nữ trong các cuộc thi sắc đẹp đã thay đổi cũng như xóa đi định kiến “chân dài não ngắn” mà nhiều cô gái đẹp hiển nhiên bị gắn như thế từ trước đến nay. Bỏ phần thi áo tắm có nghĩa vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ đã được nâng lên. Như vậy, người phụ nữ sẽ được tôn trọng về trí tuệ, về tâm hồn, về công – dung – ngôn – hạnh chứ không chỉ được mọi người nhìn như những bình hoa di động qua những bộ cánh 2 mảnh bé xíu. Và quan trọng hơn, người ta sẽ đánh giá và trân trọng một hoa hậu qua những gì đã cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.
Hình ảnh trong một cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam
Đấy là quan điểm ở xứ người, còn ở Việt Nam, các cuộc thi sắc đẹp vẫn đề cao phần thi trang phục bikini. Quan điểm này không chỉ bám rễ vào đầu các thí sinh dự thi mà còn ăn sâu vào đầu các nhà tổ chức và một số nhà quản lý. Nên việc BTC Hoa hậu thế giới bỏ phần thi áo tắm cũng không khiến họ mảy may quan tâm. Chỉ khi cuộc thi Hoa hậu Mỹ tuyên bố bỏ phần thi này, thì dư luận trong nước mới bắt đầu có những tranh luận.
Về phía cạnh đạo đức, đa số mọi người đều ủng hộ việc bỏ phần thi áo tắm. Thêm nữa, nhiều người cho rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam cần được khẳng định qua phần thi ứng xử chứ không phải chỉ biết khoe hình thể. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, từ trước đến nay, hầu hết người đẹp Việt rất yếu trong kỹ năng ứng xử, chỉ biết gây cười với những câu trả lời ngây ngô, thiếu nền tảng kiến thức trầm trọng. Do đó, nếu bỏ phần thi áo tắm, trong khi kỹ năng ứng xử kém thì người xem biết xem gì và đánh giá như thế nào?
Từ những nhận định trái chiều trên thì việc chọn trí tuệ hay nhan sắc vẫn cần những thảo luận nghiêm túc, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, nhất là phải triệt để trong các quy định, cụ thể trong thể lệ của các cuộc thi và cần nâng tầm nhận thức của các thiếu nữ trẻ trước khi quyết định dự thi một cuộc thi sắc đẹp nào đó.
Việc bỏ thi Bikini, tuy không phải là yếu tố quyết định đến việc xóa bỏ định kiến “chân dài não ngắn” nhưng sẽ phần nào buộc các thiếu nữ muốn dự thi phải không ngừng trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân, nỗ lực trong học tập và công việc, góp phần đưa ra cách nhìn tích cực hơn của dư luận về các người đẹp.
Hiện nay, quyết định bỏ thi bikini hay không vẫn chỉ dừng lại ở mức tranh cãi. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có lẽ phải chờ đến cuộc họp ngày 22.6, khi Cục Biểu diễn nghệ thuật chính thức lấy ý kiến từ các tổ chức, đơn vị liên quan.