Biển Đông, sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung

TS. Phạm Sỹ Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách)| 02/06/2015 07:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Biển Đông được coi là một dạng “tài sản chung” của thế giới trong mô hình thu nhỏ, là “tiêu điểm địa - chính trị” tại khu vực Đông Á. Đảm bảo tự do và an ninh hàng hải tại đây đã trở thành một trong những mối quan tâm mang tính tự nhiên và thiết yếu.

LTS: Tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 14, diễn ra từ ngày 29/5 - 31/5 ở Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Lý cho rằng, nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc trong trật tự quốc tế là nhằm mang tính hòa bình, quan hệ Mỹ - Trung phải tiếp tục mạnh mẽ.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, “Tất cả các nước châu Á hy vọng quan hệ Mỹ - Trung sẽ tích cực. Không nước nào muốn chọn theo bên nào, Mỹ hay Trung Quốc”.

Đồng thời, ông Lý cũng nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đi đến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng sớm càng tốt. Thủ tướng Singapore cho rằng điều này sẽ giúp phá vỡ “vòng luẩn quẩn" trong tranh chấp Biển Đông, và không để xung đột làm tổn hại quan hệ.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Phần 1:  Các lợi ích kinh tế của Biển Đông

Sự phát triển của quá trình phân công lao động và toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự phát triển của mạng sản xuất toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa thương mại lại thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại đường biển. Mỗi ngày khoảng 40% giá trị thương mại của thế giới được vận chuyển tấp nập qua eo Malacca, đi qua Biển Đông để đến các cảng Hồng Kông, Thượng Hải (Trung Quốc), Cao Hùng (Đài Loan), Busan (Hàn Quốc) và các cảng của Nhật Bản.

Đối với khu vực, Biển Đông hấp dẫn sự chú ý của các quốc gia bởi nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là về thủy sản và năng lượng. Theo ước lượng của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) năm 2013, trữ lượng dầu khí tại Biển Đông có thể dao động từ 5-22 tỉ thùng và trữ lượng khí đốt dao động từ 70.000 - 290.000 tỉ m3. Một trong những ước lượng gây nhiều tranh cãi nhất là của Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) đưa ra vào năm 2012, khi cho rằng trữ lượng dầu mỏ tại Biển Đông có thể lên tới 125 tỉ thùng và trữ lượng khí đốt lên tới 500.000 tỉ m3.

Theo ước lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) vào năm 2013, trữ lượng dầu mỏ tại Biển Đông chỉ vào khoảng 11 tỉ thùng và khí đốt vào khoảng 190.000 tỉ m3. Với trữ lượng dầu và khí đốt này, Biển Đông chỉ xếp trên Liên minh châu Âu (EU) trong việc sở hữu nguồn vàng đen.

Biển Đông, sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung

So sánh trữ lượng dầu và khí thăm dò tại các khu vực trên thế giới năm 2012 (Tỉ thùng)

Tuy nhiên, do tính chất địa hình phức tạp, việc khai thác tài nguyên dầu khí tại Biển Đông đòi hỏi chi phí lớn và công nghệ hiện đại, đây có thể là cuộc đua của tương lai. Cuộc đua giành lợi thế tại Biển Đông hiện nay còn xuất phát từ việc đảm bảo cho các lợi ích kinh tế hiện thời, trong đó tập trung vào đảm bảo sự thông suốt của thương mại biển và hoạt động nhập khẩu năng lượng.

Chỉ tính riêng Trung Quốc, 85% hàng hóa của nước này được xuất khẩu bằng đường biển. Mỗi năm, ngoại thương đem lại cho Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD thặng dư thương mại. Mặc dù độ mở của kinh tế Trung Quốc (openess) đã giảm từ mức 70% năm 2008 xuống còn khoảng 50% vào năm 2013, nhưng với nền kinh tế theo mô hình hướng ra xuất khẩu như Trung Quốc thì việc đảm bảo thương mại trên biển đóng vai trò quan trọng không phải bàn cãi.

Về mặt năng lượng, số liệu cập nhật nhất cho thấy vào năm 2011, có 14,2 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo Malacca mỗi ngày để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khu vực xuất khẩu

Số lượng

Điểm đến

Số lượng

Vịnh Persian (Ba Tư)

10,4

Trung Quốc (cảng Hong Kong) và Đài Loan

5,4

Châu Phi

1,5

Nhật Bản

2,4

Nơi khác

0,9

Hàn Quốc

3,2

Thái Lan

0,8

Lượng dầu vận chuyển qua eo Malacca năm 2011 (triệu thùng/ngày). Nguồn: EIA (2013)

Ngoài dầu mỏ, eo Malacca còn là cửa ngõ nhập khẩu khí hóa lỏng quan trọng của khu vực. Theo số liệu thống kê của EIA (2013), khoảng 6.000 tỉ feet khối (Tcf) khí hóa lỏng (liquefied nature gas - LNG) - tương đương 50% lượng khí hóa lỏng thương mại toàn cầu - năm 2011 được vận chuyển qua vùng Biển Đông thông qua eo Malacca. Trong đó, khoảng 3.400 tỉ feet khối là đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản (chiếm 56%), 24% tương ứng với 1.400 tỉ feet khối được vận chuyển đến Hàn Quốc, và 19% được chia đều cho Trung Quốc với Đài Loan (mỗi nước và vùng lãnh thổ 600 tỉ feet khối).

Đối với Trung Quốc, quốc gia này hiện chỉ tự túc được 45% nhu cầu dầu mỏ trong nước, đến năm 2030 con số này thậm chí có thể giảm xuống 30%. Mặc dù đã có những hợp tác năng lượng quan trọng với Trung Á, Nga và Myanmar, đến năm 2013, 82% dầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn phải qua eo Malacca. Nếu tính cả eo Lombok và Sudan của Indonesia thì con số này có thể lên tới 85%. Do đó, có thể nói một cách hình tượng rằng eo Malacca là “yết hầu” năng lượng của Trung Quốc

Biển Đông, sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung

Tử huyệt năng lượng của Trung Quốc - Eo Malacca. Nguồn: U.S. IEA (2012)

Nhu cầu sống còn về tự do và an ninh hàng hải tại Biển Đông

Ở bình diện quốc tế, eo Malacca và tuyến hàng hải qua Biển Đông còn là yết hầu năng lượng và thương mại của nhiều quốc gia khác. Một nghiên cứu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Vận tải Nhật Bản (MLIT) năm 2006 đã chỉ ra rằng, vào năm 2004 có hơn 94.000 tàu thương mại có trọng tải từ 100 tấn trở lên đã đi qua eo Malacca - chiếm 15% tỉ trọng thế giới. Trong số đó, 32% là tàu container, 25% là tàu chở dầu, 15% là tàu chở hàng hóa và 15% chuyên chở hàng rời trọng tải lớn. Số lượng các tàu hàng thương mại qua eo Malacca đã tăng mạnh từ khoảng 55.957 tàu (năm 2000) lên 71.359 tàu (năm 2009) và dự báo có thể tăng đến 150.000 tàu vào năm 2020.

Số lượng tàu hàng thương mại qua eo Malacca mỗi năm hiện nay gấp 2 lần số đi qua kênh Suez (Ai Cập), và gấp 3 lần số đi qua kênh Panama (Panama) nhằm vận chuyển khoảng 30% giá trị thương mại toàn cầu và 50% lượng dầu mỏ của thế giới.

Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, dù có phải là một bên liên quan trực tiếp trong các tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông hay không thì đây vẫn là một khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ này. Như đã phân tích ở trên, 80% nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc, 90% nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản, 100% của Đài Loan và khoảng 60% nhập khẩu năng lượng của Hàn Quốc đều đi qua vùng Biển Đông .

Với ý nghĩa này, Biển Đông được coi là một dạng “tài sản chung” của thế giới trong mô hình thu nhỏ, là “tiêu điểm địa - chính trị” tại khu vực Đông Á. Đảm bảo tự do và an ninh hàng hải tại đây đã trở thành một trong những mối quan tâm mang tính tự nhiên và thiết yếu.

Mời các bạn đón đọc P.2: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh với Mỹ trên Congly.com.vn vào lúc 9h00 ngày 03/6/2015 .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông, sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung