Chỉ vì quá ham hố những đồng tiền bất chính, Dung đã rắp tâm lừa bán những thiếu nữ nhẹ dạ cả tin sang phía bên kia biên giới.
Đến khi đứng trước vành móng ngựa, đối mặt với bản án nghiêm minh của pháp luật, đối mặt với khuôn mặt ngơ ngác của mấy đứa con thơ, Dung đã không thể cầm lòng.
Kiếm tiền từ việc buôn ma túy
Giàng Thị Dung (SN 1974) là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Pàng Dề A2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nhà nghèo, đông anh em, Dung lại là chị cả nên cô phải bỏ học từ khi mới quen mặt chữ. Từ đó, Dung chỉ quanh quẩn với nương rẫy, ruộng đồng, đến tiếng phổ thông cô cũng chỉ bập bẹ được vài câu. Nhờ có chút ít nhan sắc nên từ khi mới 15, 16 tuổi, Dung đã có rất nhiều người theo đuổi. Không muốn chôn vùi cuộc đời mình trong đói nghèo như muôn vàn người đàn bà Mông khác, Dung quyết chí làm giàu trước khi lập gia đình. Nghĩ là làm, cô vay mượn gia đình, họ hàng chút ít vốn liếng rồi đi buôn hàng tạp hóa.
Thế nhưng Tủa Chùa quê Dung, ngoái về tứ phía đều thăm thẳm đá, đồng bào ở đây quanh năm đánh vật với đá để mưu sinh nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Buôn bán ở những nơi như thế thì dù có vén khéo cỡ nào, thu nhập của Dung cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Chán nản, Dung đành tặc lưỡi lấy chồng. Chồng Dung, Sùng Nù P, SN 1971, là người cùng xã Xá Nhè. Phận đời trớ trêu, lấy nhau được một thời gian thì chồng Dung sa vào ma túy. Dù cô đã nhiều lần khuyên bảo, động viên chồng cai nghiện nhưng rồi đâu lại vào đấy, Nù P vẫn không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của ả phù dung. Bao nhiêu tiền bạc, của nả trong nhà đều bị hắn ném vào làn khói trắng.
Giàng Thị Dung tại phiên tòa ngày 20/8/2013
Chẳng mấy chốc, hai vợ chồng lâm vào khánh kiệt, nhiều lúc cơm không có ăn, phải dựa dẫm vào hai bên gia đình nội ngoại. Bất lực và chán nản, nhiều lúc Dung đã muốn buông xuôi. Nhưng, nghĩ đến bốn đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất sinh năm 1999, đứa nhỏ nhất sinh năm 2011, Dung quyết tâm phải kiếm tiền để thoát nghèo bằng mọi giá. Trong trăm nẻo mưu sinh, đáng tiếc là Dung lại chọn đi theo con đường tối. Cô bắt đầu mua ma túy rồi đem về xé lẻ bán cho các con nghiện trong vùng. Hành vi vi phạm pháp luật của Dung nhanh chóng bị phát giác. Giữa năm 2012, Dung bị bắt. Trong phiên tòa ngày 19/11/2012, TAND huyện Tủa Chùa đã tuyên phạt Dung 4 năm tù về hai tội danh "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy". Nhưng do lúc đó con út chưa đầy 36 tháng nên Dung được cho hoãn thi hành án.
Những tưởng sau những lầm lỗi phải trả giá đắt bằng bản án 4 năm tù, Dung sẽ nhận biết giá trị thực của cuộc sống để không phạm phải sai lầm thêm lần nào nữa. Song phần vì mưu sinh, phần vì mộng “làm giàu” chưa nguội tắt, cộng với không có kỹ năng tự vệ trước cuộc sống xa hoa đầy cám dỗ, Dung lại tiếp tục lún sâu vào con đường phạm tội. Chỉ vài tháng sau khi bị Tòa tuyên án, Dung bắt đầu chuyển hướng sang móc nối với các mối quan hệ cũ để buôn bán người.
Tội lỗi chất chồng
Thời điểm đó, Dung có một người em gái tên là Giàng Thị Sài đang sinh sống, buôn bán bên Trung Quốc. Trong một lần trò chuyện qua điện thoại, Sài bảo Dung cố gắng lừa dụ những cô gái dân tộc nhẹ dạ, cả tin mang bán sang Trung Quốc. Mỗi trường hợp như thế, Sài sẽ trả cho Dung 3 triệu đồng/người, còn chi phí đi lại sẽ có người đứng ra lo hết. Thấy số tiền quá lớn, bằng đến vài năm đi nương, lại đương lúc túng quẫn và bí bách, Dung đồng ý. Sau một thời gian khá dài đi tìm và kỳ công thuyết phục, Dung đã lừa được hai cô Chang Thị Dùa (SN 1987) và Sùng Thị Mỷ (SN 1985) đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng.
Khi thấy "con mồi" đã "sập bẫy", Dung khấp khởi mừng thầm và điện cho Sài về ngày giờ sẽ đem "hàng" sang bán. Khoảng tháng 3/2013, Dung cùng với bố đẻ là Giàng Gàng C (SN 1954) và ba người phụ nữ là Chang Thị Dua (SN 1966), Chang Thị Dùa (SN 1987), Sùng Thị Mỷ (SN 1985, đều ở xã Xá Nhè) sang Trung Quốc dự đám cưới Giàng Thị Sài. Khi sang đến nước bạn, Dung bàn giao Dùa và Mỷ cho Sài. Khoảng 2-3 ngày sau, Sài dẫn mấy người đàn ông đến mua Dùa và Mỷ về làm vợ. Việc thỏa thuận mua bán, giá cả thế nào chỉ có Sài và chồng biết. Sau đó, Sài đưa cho Dung 3 triệu đồng nói là tiền "hoa hồng" bán Dùa và Mỷ. Đồng thời, Sài cũng hẹn Dung về nước tiếp tục tìm "hàng".
Thẩm phán Lò Văn Lịch: "Nhiều phụ nữ dân tộc phạm tội vì thiếu hiểu biết..."
Thấy công việc nhẹ nhàng lại có tiền mà không cần đầu tư vốn liếng, sau khi ở chơi với em vài ngày, Dung bắt đầu trở về Việt Nam và tìm kiếm đối tượng. Ròng rã suốt hàng tháng trời sau đó, Dung lân la khắp các bản trong xã để “săn mồi”. Đối tượng mà Dung nhắm tới chủ yếu là những thiếu nữ còn ít tuổi, gia đình khó khăn, nghèo túng để lừa phỉnh họ theo mình đi làm thuê bên Trung Quốc.
Thế nhưng, cũng bởi đã cảnh giác với các thủ đoạn của bọn buôn người nên những đối tượng Dung gặp gỡ đều lắc đầu từ chối. Khoảng đầu tháng 4/2013, Sài gọi điện thoại về nhờ Dung mua thuốc và hỏi han, thúc giục chuyện tìm "hàng". Sài nói đang có một người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ và người này hứa nếu Sài và Dung tìm được cho họ, họ sẽ trả công rất hậu. Nghĩ đến khoản tiền mà vị khách kia hứa hẹn, Dung đành đánh liều sang rủ Chang Thị Dinh (SN 1997, là em gái của Chang Thị Dùa, người đã bị Dung bán cho Sài trước đó) sang Trung Quốc thăm chị gái, nhưng thực chất là để bán cho Sài.
Không mảy may nghi ngờ, ngày 25/4/2013, Dinh theo Dung ra bến xe khách huyện Tủa Chùa rồi từ đó, cả hai bắt ôtô đi xuống TP. Điện Biên Phủ. Sau khi đưa Dinh đi ăn uống và mua sắm vài thứ đồ lặt vặt, 19 giờ cùng ngày, Dung lại đưa cô bé lên xe đi Lào Cai. Đến 1 giờ 30 phút ngày 26/4/2013, khi xe dừng tại bến xe khách Lai Châu thì Dung bị lực lượng Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Công an tỉnh Lai Châu đón lõng và bắt giữ. Lúc đó, Dung toan bỏ chạy nhưng không thành.
Tại Cơ quan điều tra, Dung vẫn một mực phủ nhận hành vi phạm tội của mình. Thậm chí, thị còn lấy mức án 4 năm đang treo lơ lửng trên đầu mình mà nói rằng: “Em còn đang được hoãn thi hành án, em nào có gan làm việc tày trời đến thế”. Bằng những lập luận, chứng cứ rõ ràng, “nữ quái” Giàng Thị Dung mới cúi đầu nhận mọi tội lỗi... Thủ phạm đã bị bắt, nhưng các điều tra viên của cả Công an Điện Biên và Lai Châu vẫn không nén được tiếng thở dài, vì hiện giờ Chang Thị Dùa và Sùng Thị Mỷ - nạn nhân trong chuyến hàng trước của Dung vẫn đang bặt vô âm tín…
Nước mắt sám hối
Ngày 20/8/2013, TAND tỉnh Điện Biên đã đưa Giàng Thị Dung ra xét xử lưu động tại trụ sở UBND xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Đứng trước Tòa, Dung cố bao biện rằng, thị đưa Dùa và Mỷ bán sang phía bên kia biên giới là để "giúp họ thoát khỏi cuộc sống đói nghèo". Nhưng, trước những phân tích, đánh giá, lập luận sắc bén của HĐXX, Dung đã phải cúi đầu nhận tội. Dung khai rằng, do bản thân sợ phải sống trong cảnh nghèo túng, lại không muốn bám vào nương rẫy để mưu sinh nên mới quyết tâm lao vào con đường phạm tội...
Khi HĐXX vào phòng nghị án, Dung ngoái về bốn phía để tìm kiếm người thân. Nhìn mấy đứa con gầy gò, rách rưới đứng tựa vào nhau, Dung đã không thể cầm lòng. Có lẽ, bản năng làm mẹ trỗi dậy trong Dung. Cô ôm mặt nức nở như chưa bao giờ được khóc. Kể từ ngày Dung bị bắt, chồng cô cũng bỏ vào Tây Nguyên sinh sống, bốn đứa con của cô phải tự chăm sóc lẫn nhau. Cuộc sống của chúng là nối dài những thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Với tội danh “Mua bán người”, Giàng Thị Dung bị HĐXX tuyên phạt 8 năm tù, cộng với bản án 4 năm tù mà TAND huyện Tủa Chùa đã tuyên trước đó, tổng hợp hình phạt mà Dung phải chịu là 12 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Tòa cũng buộc Dung phải bồi thường cho hai gia đình nạn nhân 13 triệu đồng. Sau khi nghe Tòa tuyên án, Dung ngã quỵ xuống phía sau vành móng ngựa. Mấy đứa con của Dung vừa khóc, vừa lao theo mẹ...
Chứng kiến cảnh đó, rất nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy đã không thể cầm lòng. Nhiều người thấy tiếc cho Dung, một cô gái người dân tộc có ít nhiều nhan sắc. Giá như Dung biết vượt qua số phận hẩm hiu, không bị đồng tiền làm lóa mắt thì cô đã không phải chịu một cái kết cục buồn thảm như hôm nay. Đồng thời, các con cô cũng không phải sống thiếu vòng tay chăm bẵm của mẹ khi chúng vừa mới kịp lên chín, lên mười.
Thẩm phán Lò Văn Lịch, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự, TAND tỉnh Điện Biên, chủ tọa phiên tòa hôm ấy tâm sự: Câu chuyện của Giàng Thị Dung phản ánh một thực tế đau lòng, đó là có quá nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa chỉ vì hiểu biết nông cạn và bị đồng tiền làm lóa mắt để rồi lao vào con đường phạm tội. Giá họ được học hành đến nơi đến chốn, biết vượt qua số phận thì đã không phải chịu một cái kết cục buồn thảm như thế...