Bi kịch phía sau tội ác

congly.com.vn| 13/04/2012 10:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghi ngờ cái chết của cụ Nguyễn Thị Quế (ở Nghệ An) có nhiều nghi vấn nên cơ quan Công an đã tiến hành điều tra sự việc. Và sự thật đau lòng đã bị phơi bày: Nguyên nhân cái chết của cụ Quế là do bị chẹt cổ ngạt thở mà “tác giả” chính là 3 đứa cháu bất nhân...

Cụ Nguyễn Thị Quế (80 tuổi) sống một mình tại xóm Thái Hưng, xã Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An chồng chết sớm lại không có con nên cụ luôn coi đứa cháu (con người anh trai của chồng) là Mạnh Lộc Đạo như con đẻ.


Đạo không biết chữ, lại có máu liều trong chuyện làm ăn nên sẵn sàng vay mượn để đầu tư chạy xe khách. Vì càng làm ăn, càng lỗ nên hai vợ chồng Đạo luôn bị ám ảnh bởi chuyện nợ nần, tiền bạc. Khi đang quẫn bách thì số tiền nợ 200 triệu mà Đạo vay của Nguyễn Văn Hải (em ruột Hằng - vợ Đạo) cũng đến kì hạn phải trả khiến cho hai vợ chồng như ngồi trên đống lửa.


Nghĩ đến việc cụ Nguyễn Thị Quế vừa bán được miếng đất với số tiền 140 triệu đồng. Cụ cho người thân một ít tiền, trong đó vợ chồng Hằng - Đạo được nhiều nhất. Số tiền còn lại, cụ dùng để xây mộ cho chồng đã khuất và nhờ vợ chồng Đạo - Hằng đi gửi ngân hàng 50 triệu để phòng chuyện sau này. Biết người bác của mình mù chữ nên Đạo và Hằng đã qua mặt bác bằng cách chỉ gửi 25 triệu, còn lại 25 triệu cả hai dùng để trả nợ nóng. Sự việc sau đó bị phát giác và bà Quế yêu cầu hai vợ chồng phải bù lại số tiền đã chiếm dụng. Từ đó, tình cảm hai bên có phần sứt mẻ, cụ Quế không còn tin tưởng vào vợ chồng đứa cháu nữa.


Nhân lúc Nguyễn Văn Hải đến nhà anh chị ăn cơm và có ý đòi lại số tiền đã cho anh chị vay, Đạo liền bàn với Hải và vợ tìm cách giết bà Quế vì tin rằng bà còn 70 triệu đồng tiền bán đất. Kế hoạch giết người Đạo vạch ra một cách táo bạo được Hải và Hằng chấp thuận.

3 bị cáo Đạo, Hải, Hằng trước vành móng ngựa


Đạo chở Hải đến khu vực nhà cụ Quế, chờ đến tối thì giết chết cụ già tội nghiệp. Sau khi bác chết, Đạo đã vạch ra một màn kịch hòng thoát tội. Như chưa có chuyện gì xảy ra, Đạo chỉ đạo Hằng đạp xe xuống nhà cụ Quế rồi hớt hải gọi và báo cho Trưởng xóm và Công an xã biết. Khi Công an xã mở cửa, thấy cụ Quế đã chết, Hằng chạy vào khóc lóc thảm thiết.


Nhưng hành vi tội ác sao che mắt được cơ quan Công an? Khám nghiệm hiện trường, tử thi và qua công tác điều tra, tác giả của vụ án do bọn Đạo, Hằng, Hải gây ra đã bị đưa ra ánh sáng. Gieo gió ắt gặt bão. Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử lưu động các bị cáo: Mạnh Lộc Đạo, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Văn Hải về tội giết người. Ở cái làng nghèo thuần nông này, đây là một sự kiện đặc biệt gây chấn động56 dư luận bởi không chỉ ở tính chất độc ác, nhẫn tâm mà nó còn thể hiện sự dã man khi cả bị cáo lẫn bị hại đều là những người thân thích.


Khuôn mặt khắc khổ, dáng người gầy gò, tiều tụy, cụ Lê Thị Bốn (mẹ của Đạo) được người thân cõng đến trụ sở UBND xã Nghi Thái, nơi diễn ra phiên xét xử lưu động từ rất sớm. Cùng đi với cụ còn có hai đứa cháu nội, Mạnh Lộc Diên (13 tuổi), Mạnh Lộc Thảo (10 tuổi) nhưng vì các cháu đang còn nhỏ nên Toà không cho vào bên trong. Mạnh Lộc Đạo, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Văn Hải được áp giải vào phòng xử án, trước những ánh mắt căm giận của người dân. Ở hàng ghế phía sau, cụ Bốn cố lê tấm thân tật nguyền tiến lại phía đứa con trai đang đứng. Tội nghiệp bà cụ, chồng mất, các con đều đã lập gia đình nên từ ngày vợ chồng Hằng - Đạo bị bắt, cụ bà dù bị liệt một chân, một tay vẫn phải lê lết khắp nơi để kiếm miếng rau miếng cháo nuôi hai đứa cháu, con của vợ chồng Hằng - Đạo.


Sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ, chứng cứ vụ án, Tòa xác định 3 bị cáo Đạo, Hải và Hằng phạm vào các tội "Giết người" và "Cướp tài sản". HĐXX đã tuyên phạt Mạnh Lộc Đạo và Nguyễn Văn Hải án chung thân, đồng phạm Nguyễn Thị Hằng nhận mức án 23 năm tù. Sau khi Toà tuyên án, cụ Bốn gục xuống thành ghế lịm đi. Ngoài cửa, hai bé trai ôm nhau khóc nức nở, liên tục gọi cha, gọi mẹ khiến cho những ai có mặt tại phiên toà hôm đó không khỏi động lòng.


Một tuần sau khi diễn ra phiên toà xét xử Đạo, Hằng và Hải, tôi quyết định tìm về ngôi làng khô cằn sỏi đá, nằm khuất sau những rặng phi lao ngút ngàn ở xã Phúc Thọ. Không khó để hỏi thăm nhà cụ Bốn. Trong căn nhà mái ngói tạm nói là khang trang vừa mới cất không lâu của vợ chồng đứa con trai duy nhất, cụ Bốn nước mắt lưng tròng.

Cụ kể: Từ ngày vợ chồng Đạo bị bắt đến nay, cuộc sống của cụ vốn leo lét như ngọn đèn trước gió, giờ lại phải còng lưng lê tấm thân gầy chui hết hốc này, bụi nọ kiếm củ khoai, củ sắn hoặc thất thểu đi ăn xin nuôi các cháu. Dù anh em họ hàng, làng xóm cũng thương nhưng không thể giúp đỡ mãi được vì ở cái xóm nghèo thuần nông này, để có đủ miếng ăn còn khó nói chi đi cho người khác. Vậy là, lẽ ra ở cái tuổi ngồi một chỗ để an hưởng tuổi già cho con cháu báo hiếu, giờ cụ lại trở thành lao động chính trong nhà.


Rời xã Phúc Thọ khi trời chiều đã nhạt nắng, con đường như dài ra khi nỗi ám ảnh về số phận bi đát, mịt mùng của ba con người trong ngôi nhà ấy cứ đeo bám tôi. Thương bà cháu cụ Bốn bao nhiêu, người đời càng trách vợ chồng Hằng - Đạo bấy nhiêu. Không biết trong trại giam, họ có cắn rứt lương tâm không khi mà chỉ vì lòng tham vô đáy, bọn họ nỡ cướp đi mạng sống của người bác dâu tốt bụng và đẩy mẹ già cùng hai đứa con thơ rơi vào hoàn cảnh cơ cực không lối thoát như bây giờ?


Phương Thảo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi kịch phía sau tội ác