Từ năm 2009 đến 2011, trên cơ sở số hồ sơ bệnh án điều trị, điều dưỡng, ông Kiệt cùng các đồng phạm đã được nâng khống số bệnh nhân và thời gian điều dưỡng, điều trị...
Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Anh Kiệt (57 tuổi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bưu điện TP. Hồ Chí Minh), Phạm Văn Sửu (51 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch) và Trương Bích Nguyệt (55 tuổi, nguyên Trưởng phòng kế toán tổng hợp) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” đầy những tình tiết bi hài rất kỳ lạ. Nhiều người trong phòng xử án đã khóc nấc vì “thương” ông bác sĩ lập khống hồ sơ, rút hàng chục tỷ đồng để lo cho… tập thể.
Ông Trương Anh Kiệt là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP. Hồ Chí Minh (trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - VNPT), nơi khám, chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho nhân viên thuộc tập đoàn trên 32 tỉnh thành phía Nam từ TP. Đà Nẵng trở vào. Theo hồ sơ vụ án, Bệnh viện Bưu điện là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính, nguồn thu chủ yếu là tiền khám chữa bệnh. Hằng năm, VNPT cấp kinh phí khám chữa bệnh cho cán bộ trong tập đoàn, trong đó có tiền điều dưỡng và tiền ăn.
Trong thời gian lãnh đạo đơn vị, ông Kiệt thấy bệnh viện gặp khó khăn về tài chính do chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của VNPT. Tập đoàn VNPT không có giải pháp khắc phục nên ông Kiệt “sáng tạo” ra cách nâng khống hồ sơ và số ngày nằm bệnh viện, lấy khoản tiền đó lo cho việc chung của bệnh viện cũng như đời sống của cán bộ công nhân viên.
Từ năm 2009 đến 2011, trên cơ sở số hồ sơ bệnh án điều trị, điều dưỡng, ông Kiệt cùng các đồng phạm đã được nâng khống số bệnh nhân và thời gian điều dưỡng, điều trị. Tổng cộng, các bị cáo đã lập khống 13.077 hồ sơ bệnh án điều trị nội trú, quyết toán khống 22 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiền phục vụ cho hoạt động điều dưỡng, điều trị nội trú là 5,7 tỷ đồng. Tổng số tiền đã quyết toán khống với VNPT gây thiệt hại cho Nhà nước là 27,8 tỷ đồng.
Một bệnh nhân xin giảm án cho các bị cáo tại phiên tòa
Vị cựu Giám đốc lý giải tại Tòa: Thời điểm đó tất cả giá cả đều tăng cao, nhất là giá thuốc. Với vai trò người đứng đầu bệnh viện, bị cáo phải lo nghĩ đến đời sống của hàng trăm cán bộ, công nhân viên. Việc kê khống là vì lợi ích tập thể bệnh viện, nguồn tiền được sử dụng chung cho toàn bệnh viện như: Chi mua bảo hiểm y tế, quần áo đồng phục, ăn giữa ca, điện nước, tiền thuốc...
Nhiều cán bộ bệnh viện liên quan đến vụ án cũng cho rằng hành vi kê khống là không sai vì các bị cáo không ăn bớt tiền của các bệnh nhân, không ai làm vì lợi ích cá nhân. Số tiền được quyết toán khống sẽ hạch toán vào chi phí chung cho hoạt động của bệnh viện. Nhận thức sai lầm của các bị cáo bị vị thẩm phán chủ tọa bác bỏ: “Việc khai khống hồ sơ để lấy tiền quyết toán của VNPT, chi cho mục đích gì cũng là trái quy định”. Trong vụ án, nếu nói bị cáo có “công” với đơn vị thì hành vi đó lại có tội với nhà nước khi gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. HĐXX nhận định bị cáo Trương Anh Kiệt với vai trò chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo lập hồ sơ bệnh án khống để quyết toán kinh phí khám chữa bệnh đối với hoạt động điều dưỡng, điều trị nội trú gây thiệt hại cho VNPT; bị cáo Nguyệt và Sửu đóng vai trò giúp sức.
Điều rất lạ lùng là trong phần tranh luận, vị đại diện VNPT khẩn thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Theo đó, đại diện VNPT “biểu dương” bị cáo Kiệt có 36 năm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là chiến sĩ thi đua toàn quốc, đạt danh hiệu “thầy thuốc ưu tú”. Bị cáo đã cùng tập thể nhân viên vượt qua mọi khó khăn; giáo dục cán bộ công nhân viên thực hiện “lương y như từ mẫu”, hoạt động không quản ngại giờ giấc, không thu vén cá nhân. Vị đại diện VNPT đặt câu hỏi: Thiệt hại trong vụ án hơn 27 tỷ đồng nhưng bản chất thiệt hại là gì? Số tiền sử dụng vào mục đích gì? Cho ai? Và vị đại diện VNPT cũng tự trả lời: Bị cáo không phải tư lợi để sống xa hoa…
Một bệnh nhân từng điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bưu điện được HĐXX cho phát biểu cũng xin Tòa giảm nhẹ hình phạt vì đã được bác sĩ Kiệt cùng đội ngũ bác sĩ giỏi đã điều trị hết bệnh. Thậm chí, vị bệnh nhân còn khẳng định nếu được chấp nhận sẽ đứng ra vận động nhiều bệnh nhân khác gom đủ 400 triệu đồng để khắc phục phần hậu quả còn lại. Chưa có phiên tòa nào, một bị cáo có hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” lại nhận được sự tôn trọng như trường hợp của ông Kiệt.
Trước khi HĐXX vào nghị án, ông Trương Anh Kiệt run run khi nói lời sau cùng, xin lỗi lãnh đạo Tập đoàn VNPT, xin lỗi Bệnh viện cùng cán bộ công nhân viên liên lụy trong vụ án. Phía dưới phiên tòa, nhiều tiếng nấc lại vang lên…
Chiều 29/3, HĐXX nhận định các bị cáo phạm tội vì mục đích chung của tập thể, xuất phát từ tình hình tài chính của bệnh viện thời điểm đó khó khăn. Các bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả. Do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX tuyên phạt Trương Anh Kiệt 6 năm tù; Phạm Văn Sửu 4 năm tù; Trương Bích Nguyệt 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường thiệt hại số tiền còn lại cho Bệnh viện Bưu điện TP. Hồ Chí Minh; riêng Bệnh viện Bưu điện TP. Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho VNPT tổng cộng hơn 463 triệu đồng.
Dẫu có nhiệt tình công tác nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định, tuyệt đối không vì bất cứ động cơ gì để tùy tiện làm trái pháp luật. Trong phòng xử án hôm đó có khá đông bác sĩ, y tá đến dự phiên tòa. Khuôn mặt nhiều người thẫn thờ, có lẽ do tiếc, do đau cho những người từng là lãnh đạo của mình...