Chiều nay (19/3), phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng, cựu CT HĐTV PVN khai chủ trương PVN mua cổ phần OceanBank xuất phát từ lý do PVN không thành lập Ngân hàng Hồng Việt, để giải quyết hậu quả, ngân hàng OceanBank tiếp nhận toàn bộ bộ máy, con người, vật chất của ban trù bị. Hai bên phối hợp báo cáo các cơ quan thẩm quyền hoàn thành thỏa thuận.
Theo thỏa thuận số 6934 ngày 8/9/2008, PVN góp vốn tối đa 20% vốn điều lệ của OceanBank. Thỏa thuận được ký trên tờ trình của Tổng Giám đốc và báo cáo trực tiếp của Nguyễn Xuân Sơn. Tuy nhiên, bị cáo Thăng cho rằng thỏa thuận này không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý.
Bị cáo Đinh La Thăng lý giải cho việc bị tố phớt lờ HĐQT PVN trong việc ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank với Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank: “Biên bản này ký và chỉ có hiệu lực khi HĐQT thông qua, nếu không thì biên bản không có giá trị”.
Trước đó, Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN đã có báo cáo OceanBank là ngân hàng yếu kém, tính thanh khoản thấp. Tuy nhiên, bị cáo Thăng lập luận rằng OceanBank có quy mô vốn thấp, vì vậy chỉ tăng vốn thì PVN mới có điều kiện tham gia. Khi vốn điều lệ tăng lên thì khả năng huy động vốn tăng lên và tính thanh khoản cũng tăng lên.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng liên tục khẳng định đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý cho góp vốn. Bị cáo Đinh La Thăng nói: “Trong lần góp vốn lần đầu, bị cáo ký Nghị quyết 7289 ngày 1/10/2008, trước đó bị cáo ký văn bản báo cáo xin Thủ tướng phê duyệt và đề nghị NHNN xem xét ủng hộ. Việc đầu tư này là đầu tư ra ngoài ngành của Công ty mẹ, theo quy định của pháp luật cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”.
Bên cạnh đó, bị cáo Thăng cũng khẳng định khi ban hành Nghị quyết 7289, cũng như các văn bản khác, bị cáo hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Sau khi Thủ tướng đồng ý vào tháng 10/2008 thì cuối tháng 12/2008, PVN chính thức góp vốn vào OceanBank. Bị cáo nói: “Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ. Không có quy định nào của pháp luật là ký Nghị quyết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và thực tế PVN đã thực hiện đúng quy định này”.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi của HĐXX
Theo điều lệ của PVN, Nghị quyết bắt buộc các tổ chức cá nhân phải thực hiện theo Nghị quyết này. Trên thực tế, sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thì PVN mới quyết định chuyển tiền vào OceanBank.
Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục khẳng định lại việc PVN nhận được văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2008.
Đinh La Thăng khai, trong công văn của Bộ Tài chính ngày 4/10/2008 gửi PVN có nội dung về góp vốn mua cổ phần của PVN tại OceanBank, sau đó bị cáo đã yêu cầu Ban Tổng Giám đốc rà soát lại tình hình hoạt động của OceanBank.
Bị cáo này cho biết thêm, thực tế PVN đã chỉ đạo thực hiện việc này trước khi Bộ Tài chính gửi văn bản ngày 04/10/2008. “Đó là nội dung mang tính chất khuyến cáo của Bộ Tài chính chứ không yêu cầu bắt buộc” - bị cáo Thăng nói. “Tại Công văn 6987 ngày 7/10/2008 do Phó Chủ nhiệm VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, trong đó có nội dung đồng ý PVN được chuyển phần góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt sang mua cổ phần của OceanBank. Trong Công văn 1214, Bộ Tài chính có báo cáo đề nghị PVN cần xác định rõ giá trị cổ phiếu của OceanBank để tránh rủi ro”.
Theo lập luận của cựu Chủ tịch PVN, OceanBank có thanh khoản kém, quy mô hoạt động nhỏ vì vốn nhỏ, khi tăng vốn lên thì thanh khoản sẽ tăng và hiệu quả cũng tăng lên.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch PVN còn nhầm lẫn OceanBank là ngân hàng niêm yết, trong khi thực tế ngân hàng này tuy là ngân hàng cổ phần nhưng chưa từng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Đinh La Thăng trình bày: “OceanBank cũng có cung cấp cho PVN các số liệu, hơn nữa đây là ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nên có các báo cáo công khai. Do đó có rất nhiều cách để đánh giá. Đây là ngân hàng có chất lượng tín dụng trung bình khá".
Thậm chí, bị cáo Đinh La Thăng còn cho rằng việc PVN góp vốn vào OceanBank được xem như là hành động “gương mẫu” vì đại cục. Bị cáo Thăng nói: “PVN góp vốn là do Chính phủ chủ trương kìm chế lạm phát nên PVN gương mẫu thành lập ngân hàng để giải quyết hậu quả. Những ngân hàng lớn khác như "các cô gái xinh đẹp đã có chồng" rồi, trong bối cảnh đó PVN lựa chọn OceanBank. Chủ trương góp vốn vào OceanBank là từ chủ trương xây dựng tập đoàn kinh tế đa ngành, với vai trò là đơn vị đi đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên PVN đã chủ trương thành lập ngân hàng và sau đó là góp vốn vào OceanBank”.
Theo cựu Chủ tịch PVN, khoản đầu tư vào OceanBank là rất hiệu quả, từ 2009 - 2012, Ngân hàng này đều chia cổ tức cho cổ đông.
Cùng trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng đã nói về hiệu quả đầu tư, thậm chí có năm PVN hai lần nhận cổ tức từ khoản đầu tư này.
Trước đó, trong phiên tòa sáng nay, sau khi kết thúc phần thủ tục và công bố cáo trạng, HĐXX đã cách ly bị cáo Đinh La Thăng để lấy lời khai của các đồng phạm.
Bị cáo Vũ Khánh Trường trong phần xét hỏi
HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN, và các bị cáo khác nguyên là thành viên Hội đồng thành viên PVN gồm: Vũ Khánh Trường; Nguyễn Xuân Thắng; Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức. Hai bị cáo chưa xét hỏi là Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN.
Bị cáo Vũ Khánh Trường khai trong 3 đợt PVN góp vốn vào OceanBank, bị cáo có tham gia vào đợt 2 và đợt 3 bằng việc ký Nghị quyết HĐTV chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ của OceanBank dưới sự ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng. Ý kiến đồng ý của bị cáo Thăng thể hiện trên tờ báo cáo của Trưởng ban kiểm soát, đồng ý tăng vốn.
Theo lời khai của bị cáo Vũ Khánh Trường, trong lần đầu bị cáo tham gia vào việc góp vốn vào OceanBank, nguyên Phó TGĐ PVN Nguyễn Ngọc Sự là người trình lên HĐTV đề nghị tăng vốn. Theo bị cáo, đây không phải Nghị quyết tăng vốn mà là chấp thuận cho OceanBank tăng vốn điều lệ. Sau khi Thủ tướng chấp thuận, các thành viên HĐQT đã họp và chấp thuận lần nữa.
Bị cáo Trường cho biết, trong việc góp vốn lần đầu vào OceanBank, Đinh La Thăng ký công văn xin ý kiến Thủ tướng vào tháng 8/2010 và Thủ tướng có chỉ đạo: đồng ý cho PVN góp vốn vào OceanBank. Tuy nhiên Nghị quyết số 4658 của HĐQT PVN được ký vào tháng 5/2010 khi chưa xin ý kiến Thủ tướng.
Trong đợt góp vốn lần thứ ba của PVN vào OceanBank, khi Ban TGĐ PVN trình lên HĐTV đề nghị điều chỉnh kế hoạch tăng vốn tại OceanBank lên 4.000 tỷ đồng và PVN góp thêm 100 tỷ đồng nhằm duy trì tỷ lệ nắm giữ của PVN tại OceanBank là 20%. Vũ Khánh Trường là người đồng ý trên cơ sở: Trong tờ trình đã được Thủ tướng có ý kiến; tại thời điểm đó, OceanBank đang hoạt động có kết quả tốt.
Bị cáo Vũ Khánh Trường cho rằng mình không cố ý và đã làm hết chức trách của mình tại PVN, và không cập nhật báo cáo của Ban tài chính kế toán.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Thành viên HĐTV PVN có tham gia vào việc góp vốn trong cả 3 lần. Bị cáo khai việc ký Nghị quyết HĐTV trên cơ sở được ủy quyền của Đinh La Thăng. Sau khi Nghị quyết được ban hành, trên các văn bản gửi lên đã thấy chuyển tiền sang OceanBank.
Các cựu thành viên HĐTV PVN còn lại gồm Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức đều tham gia trong cả 3 lần PVN góp vốn vào OceanBank. Riêng bị cáo Liêm khẳng định mình không cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế theo cáo buộc của Viện Kiểm sát.
Bị cáo Đức cho biết trong cả 3 lần trên, bị cáo chỉ ký vào báo cáo và không có ý kiến bảo lưu. Tuy nhiên, bị cáo Phan Đình Đức cho biết bản thân bị cáo cũng không biết HĐTV PVN có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn hay không.
Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến tại phiên tòa.