Chị Đào Thị Cầu (29 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được người nhà đưa đi 4 BV nhưng chưa thể nhập viện vì quá tải bệnh nhân SXH; và các bác sĩ giải thích ca bệnh của chị chưa cần thiết nhập viện hoặc có thể chuyển xuống tuyến dưới theo dõi.
Chồng chị Cầu kể lại, thấy vợ sốt cao 39,7 độ C, uống thuốc hạ sốt không có tác dụng, sốt đến ngày thứ 2 thì anh đưa chị đến khám tại BV Đại học Y. Tại đây các bác sĩ chấn đoán vợ anh mắc SXH. Thấy vợ sốt cao, không đi lại được phải có người đỡ, anh mong muốn chị được nhập viện nhưng bác sĩ cho rằng tình trạng của chị Cầu chưa đến mức nhập viện và yêu cầu về nhà theo dõi.
Không yên tâm với tình trạng bệnh của vợ, anh tiếp tục đến BV Giao thông vận tải, rồi BV Xanhpôn nhưng cũng đều nhận được đề nghị cho về nhà theo dõi.
Sau 1 đêm ở nhà, thấy vợ vẫn tiếp tục sốt cao, anh đưa vợ tiếp sang BV Bệnh nhiệt đới TW khám, cũng mong muốn nhập viện nhưng bác sĩ cũng giải thích BV quá tải, không có giường và giới thiệu sang BV Đống Đa.
Chị Cầu bị SXH, đã đi qua 4 BV lớn những chưa được nhập viện. Ảnh: Nam Phương
Lý giải vấn đề này, Ths Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TW) khẳng định, không có việc BV từ chối không nhận bệnh nhân SXH. Việc điều trị bệnh nhân SXH đã làm theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Do quá tải bệnh nhân, BV đã phải sàng lọc chặt chẽ, ai bệnh nặng mới giữ lại, ai nhẹ chuyển tuyến dưới hoặc cho về nhà điều trị.
Theo BS Cấp, bệnh nhân mắc SXH có thể điều trị, theo dõi tại nhà trong 3 ngày đầu. Ngày thứ 4, nếu bệnh nhân không thuyên giảm sẽ điều trị, theo dõi tại cơ sở y tế tuyến cơ sở. Khi những triệu chứng SXH, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để làm các xét nghiệm xác định bệnh và hướng điều trị.
"Bệnh nhân mắc SXH, sau 11-12 ngày điều trị, nếu không có dấu hiệu biến chứng là bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, để đề phòng xuất huyết não và xuất huyết tiêu hóa, khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay”, BS Cấp cho hay.
BS Cấp cũng lưu ý, tất cả các BV địa phương đều có khả năng làm được điều trên, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, mất thời gian, gây nguy hiểm cho bệnh nhân đồng thời quá tải cho BV.
Trao đổi với PV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Tuỳ từng tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thăm khám, sàng lọc và quyết định có cho nhập viện không. Đối với trường hợp được phản ánh này, tôi sẽ cho kiểm tra lại xem đúng bệnh nhân nặng mà không được nhập viện điều trị không?
Trước đó, để tránh tình trạng quá tải không cần thiết tại BV Nhiệt đới TW, trong tình hình bệnh dịch SXH có chiều hướng gia tăng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu BV xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh để sàng lọc, sắp xếp bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến điều trị bảo đảm tiếp nhận, điều trị người bệnh SXH nặng kịp thời, giảm tử vong.
Ngoài công tác điều trị, BV cũng phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh SXH thông qua việc tăng cường tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải, cố gắng không để nằm ghép.
Chiều 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với Hà Nội và TP.HCM về dịch SXH. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: “Hiện nay, việc phân tuyến và lọc bệnh là quan trọng nhất. Các BV không được để xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân SXH, không để bệnh nhân phải nằm ghép. Các cơ sở y tế phải có sự phân loại bệnh rõ ràng, tránh diễn ra tình trạng lây chéo bệnh. Các cơ sở y tế cần phân tuyến, chuyển tuyến kỹ thuật, BV tuyến Trung ương cần phân loại, chuyển bệnh nhân về BV tuyến thành phố, tuyến huyện". |