Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lao động về việc tranh chấp "kỷ luật lao động", giữa nguyên đơn là kỹ sư Tạch và bị đơn là Công ty Toyota Việt Nam (TMV) tại Tòa án thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) lại bị hoãn.
Kỹ sư Tạch và những người liên quan có mặt tại phiên tòa ngày 22-3.
Lần hoãn thứ hai khiến Bộ GTVT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa thể báo cáo theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản số 890/VPCP-KNTN về việc phản ánh, khiếu nại của ông Lê Văn Tạch. Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc theo thẩm quyền chỉ đạo giải quyết khiếu nại của kỹ sư Lê Văn Tạch đúng với quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ biết kết quả. Xem ra còn lâu lâu mới có thể báo cáo kết quả với Thủ tướng! Câu chuyện kiện cáo giữa ông Tạch và TMV kéo dài và tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Trước ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng mình có đủ chứng cứ để thắng trong vụ kiện này. Thắng thua chưa rõ vì phiên tòa vẫn bị hoãn và xét cho cùng đây chỉ là giọt nước tràn ly trong mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động là Công ty TMV. Nguyên nhân thì rõ như ban ngày là do kỹ sư Tạch tố cáo và cung cấp cho báo chí sai phạm kỹ thuật trong việc lắp ráp ô tô của TMV.
Đây không phải là “phê và tự phê bình” trong tổ chức. Quan hệ chủ - thợ có lẽ khó thẳng thừng đấu tranh nội bộ nên ông Tạch đã “vạch áo cho người xem lưng” khiến “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay”. Cú “đấu tranh” này chắc chắn gây tổn hại cho uy tín của hãng ô tô nổi tiếng này. Được biết ở công ty mẹ người ta đã thu hồi cả triệu chiếc xe có lỗi để khắc phục chứ không hề che giấu. Còn ở ta, Công ty TMV thực sự bị “choáng” trong vụ này. Đây hẳn là lý do gốc để TMV xử lý kỷ luật ông Tạch.
Đại diện của TMV cho rằng, việc xử lý kỷ luật lao động với kỹ sư Tạch là cần thiết và TMV buộc phải tiến hành để đảm bảo trật tự lao động trong công ty, duy trì sự nghiêm minh và tuân thủ Nội quy lao động. Hóa ra ông Tạch đã không chấp nhận “phương án hòa giải” do Hội đồng hòa giải lao động cơ sở TMV đề xuất và tiếp tục gửi đơn khởi kiện TMV.
Nhân vụ việc này, khi trao đổi với các giám đốc doanh nghiệp, không ít người nói việc điều chuyển công việc kể cả buộc ông Tạch đi rửa xe cũng là thẩm quyền của người sử dụng lao động, Tòa nào can thiệp được. Người thì chê trách kỹ sư Tạch là kẻ duy lý. Có câu “một trăm các lý không bằng một tý cái tình”. Sai sót của TMV có nhiều cách đóng góp để khắc phục chứ không thể là “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu cần kỹ sư Tạch hoàn toàn có thể báo cáo với công ty mẹ tại Nhật Bản để bảo vệ uy tín của hãng Toyota trong khi vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm?
Vẫn biết trong tài liệu cung cấp cho báo chí của kỹ sư Tạch có một số nội dung chính xác và TMV đã phải thu hồi khắc phục hàng loạt xe để khắc phục những lỗi mà kỹ sư này phát hiện.
Bảo Dân