Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII: Kỳ họp của những vấn đề quan trọng & đổi mới

20/06/2012 17:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau một tháng làm việc, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Đây là kỳ họp với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và tiếp tục có những đổi mới.

Nhiều vấn đề quan trọng được quyết định

 

Tại kỳ họp, những vấn đề quan trọng của đất nước, được dư luận rất quan tâm đã được đưa ra bàn thảo, như: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Nghị quyết việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012. 

 

 

Dự thảo Nghị quyết quy định: “Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tập trung giám sát việc chi tiêu ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách”. Một số ý kiến cho rằng, nếu không xác định rõ phạm vi giám sát trong lĩnh vực này dễ dẫn đến tình trạng đối với việc chi tiêu ngân sách của một số Bộ, ngành có quá nhiều cơ quan của Quốc hội giám sát và ngược lại có Bộ, ngành lại ít bị giám sát.

Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII: Kỳ họp của những vấn đề quan trọng & đổi mới

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội 

 

Tại các phiên thảo luận, những vấn đề như tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư cho “tam nông”, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được các đại biểu góp ý kiến sôi nổi.

 

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

 

14 dự án luật, gồm Luật Quản lý giá, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giám định tư pháp, Luật Giáo dục đại học, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quảng cáo, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. 

 

Đây đều là những dự án luật quan trọng, được các cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan, tổ chức, chuyên gia để hoàn thiện trước khi Quốc hội thông qua.

 

Chất vấn: Thẳng thắn, có trách nhiệm

 

Trong các phiên chất vấn, các phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã được đa số đại biểu đồng tình. Một số vấn đề lớn được cử tri cả nước quan tâm như suy giảm kinh tế, quản lý đất đai, khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội đã được các thành viên Chính phủ giải đáp thỏa đáng.

 

Nhận xét về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, chất vấn là một dịp để các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, thấy rõ được trách nhiệm, nêu lên được giải pháp để cùng nhau giải quyết một cách tích cực. Không khí chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường thẳng thắn, có trách nhiệm và có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ trả lời nhiều vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm, nghiêm túc kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao, cũng đã nhận rõ trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của mình. 

 

Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII: Kỳ họp của những vấn đề quan trọng & đổi mới

Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh Trương Thị Ánh chất vấn thành viên Chính phủ

 

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận thái độ nghiêm túc của của các Bộ trưởng trong việc nhận trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan và lưu ý một số vấn đề mà các Bộ trưởng đã trả lời mang tính chất lời hứa trước Quốc hội, đề nghị cần nghiêm túc thực hiện, cuối năm sẽ có báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện những lời hứa đó.

 

 

Về bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc dùng khái niệm “bỏ phiếu tín nhiệm” hay “lấy phiếu tín nhiệm”, bởi vì bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hiện đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội…

Quyết tâm của Chính phủ 

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ thêm những vấn đề Quốc hội đặt ra đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Báo cáo đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc kịp thời đánh giá tình hình quý I, nhìn thấy triển vọng quý II và cuối năm, từ đó đặt ra quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch, mục tiêu. Đó là: đồng thời vừa đảm bảo tăng trưởng, giảm lạm phát, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và tìm mọi biện pháp để đảm bảo an sinh xã hội.

 

Bên cạnh đó là quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp, chú trọng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngay trong giai đoạn này sẽ tập trung vào những tập đoàn, tổng công ty đang “có vấn đề” để giải quyết, xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những sai phạm. Tập trung mạnh hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đào tạo lao động cho nông thôn, nông nghiệp và chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc ở vùng khó khăn, tạo đột phá để giải quyết ngay những vấn đề đối với đồng bào tái định cư khi làm một số công trình thủy điện. 

 

Trong báo cáo và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm trong phòng, chống tệ nạn, tai nạn, tội phạm. Đó là thực hiện một cách đồng bộ, hoàn thiện thể chế trong việc tuyên truyền, giáo dục về ý thức thi hành pháp luật, tăng cường chất lượng đào tạo để lớp thanh thiếu niên có ý thức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử tốt hơn.

 

 

Về quy định “Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, tăng cường tổ chức các hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội hoặc hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để xin ý kiến về các dự án luật”, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ tính chất pháp lý của hội nghị trực tuyến. Khi nào thì tổ chức hội nghị trực tuyến và khi nào thì tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

 

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội

 

Thẩm tra Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Về công tác xây dựng pháp luật, có một số tồn tại, hạn chế. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội phải điều chỉnh nhiều lần; một số dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chất lượng chưa cao. Về công tác giám sát, mặc dù trong những năm qua đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Tiến độ chuẩn bị một số dự án, dự thảo, đề án còn chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định của pháp luật nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan chức năng. Đây là những hạn chế đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục. 

 

Theo Đề án, các cơ quan tham gia thẩm tra phải có ý kiến bằng văn bản gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra để có thể huy động được trí tuệ của các cơ quan của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị quy định cụ thể cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan có trách nhiệm tham gia đầy đủ và cử người có đúng thẩm quyền tham gia trong quá trình chỉnh lý dự án luật giữa hai kỳ họp.

 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn, thực hiện việc truyền hình trực tuyến để các đại biểu Quốc hội có điều kiện tham dự, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi và giám sát. Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động về nghe báo cáo, giải trình của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành về những vấn đề cử tri quan tâm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm, tham dự đầy đủ, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, để hoạt động của Quốc hội gần với dân hơn, công khai, minh bạch hơn. 

 

Bảo Nam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII: Kỳ họp của những vấn đề quan trọng & đổi mới