Bé 2 tháng tuổi bị chó cắn mặt khi đang ngủ

Thảo Nguyên| 16/04/2018 16:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bé trai 2 tháng tuổi trong tình trạng bị chó cắn trên mặt khi đang ngủ.

Theo lời người nhà kể lại, bé nằm ngủ một mình trên võng trong khi mẹ nấu ăn ở bếp. Đột nhiên mẹ nghe tiếng con khóc thét, chạy đến thì phát hiện con chó nhà nuôi đang cắn bé.

Các bác sĩ cho hay, khi nhập viện bệnh nhi chảy nhiều máu, vết thương trên mặt nhiều. Ngay lập tức bé đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe của bé đã ổn định hơn, bé bú được, vết thương khô dần.

Bé 2 tháng tuổi bị chó cắn mặt khi đang ngủ

Bệnh nhi với nhiều vết thương trên mặt sau 3 ngày điều trị

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp chó nhà nuôi cắn người. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ phải chú ý nhiều hơn đến con trẻ, nhất là gia đình có vật nuôi trong nhà. Cần có biện pháp để bảo vệ trẻ, hạn chế cho bé tiếp xúc trực tiếp với chó mèo, nhất là vào mùa nắng nóng.

Khi thả chó ra khỏi nơi nhốt thì phải rọ mõm, tuân thủ chích ngừa chó định kỳ. Khi bé bị chó cắn nên mang đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời và chích ngừa.

Cách xử lý khi bị chó cắn

Sơ cứu tại chỗ khi bị chó cắn

- Khi trẻ bị chó cắn cần nhanh chóng đưa bé đến vòi nước chảy mạnh rồi nhẹ nhàng rửa vết thương bằng xà phòng (lưu ý không được rửa, chà xát vết thương quá mạnh), hoặc có thể dùng nước muối đậm đặc, dung dịch sát khuẩn như cồn...để rửa vết thương.

- Nếu vết thương chảy máu trong vòng 10 -15 phút sau khi bị chó cắn, trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu, chỉ cầm sau 15 phút nếu máu vẫn tiếp tục chảy. Lúc này bạn nên đặt lên vết thương 3 miếng gạc y tế, chờ trong vòng 7 phút nếu máu vẫn tiếp tục ra nhiều đặt thêm vài miếng gạc lên nữa lên trên. Chú ý không gỡ miếng gạc trước đó vì sẽ khiến máu chảy nhiều hơn. Và chờ cho đến khi máu ngừng chảy thì băng lại vết thương.

- Trong trường hợp nếu vết thương sâu và trẻ bị ra nhiều máu, máu phun thành tia bạn dùng dây thun để garô xung quanh vết thương và chi. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh mất quá nhiều máu.

- Với những vết cắn sâu, phải đợi 3 ngày sau mới được khâu vết thương. Ngay cả khi chó đã được tiêm phòng dại.

Tiêm huyết thanh và vacxin phòng dại

- Cần tiêm ngay vacxin phòng dại nếu gặp các trường hợp sau:

Vết cắn sâu hoặc vết cắn nhẹ ở những vùng nguy hiểm như đầu, cổ, mặt, các chi, bộ phận sinh dục... nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, tiêm huyết thanh và vacxin phòng dại kịp thời.

Khi trẻ bị chó dại cắn hoặc chó có biểu hiện dại hay không thể theo dõi con vật sau khi cắn, địa điểm xảy ra tai nạn gần vùng đang có dịch bệnh chó mèo... cũng cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi tiêm phòng dại ngay lập tức.

- Không tiêm ngay mà cần theo dõi sau 15 ngày với các trường hợp sau:

Vết cắn nhẹ, xa các vùng nguy hiểm và xa trung tâm thần kinh trung ương.

Chó không có dấu hiệu bị bệnh dại và ở khu vực không có dịch bệnh chó mèo.

Trong vòng 15 ngày sau khi bị chó cắn nếu chó phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì nên nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm vacxin phòng dại. Còn sau 15 ngày, nếu chó khỏe mạnh bình thường, mẹ không cần phải đưa bé đi tiêm phòng dại nữa.

Nếu đưa trẻ đi tiêm muộn sau khi bị chó dại cắn thì huyết thanh sẽ không còn có tác dụng chỉ có thể tiêm vacxin phòng bệnh dại. Vì thế các bậc phụ huynh phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình và liều lượng tiêm được bác sĩ chỉ định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé 2 tháng tuổi bị chó cắn mặt khi đang ngủ