Vùng cao “đau đầu” vì hàng giả

Kim Chi| 17/12/2019 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước sự cảnh giác cao và sự tẩy chay gay gắt của người tiêu dùng ở các đô thị lớn, hàng giả, hàng nhái đang tìm cách ngược lên miền núi, đặc biệt là các làng bản vùng sâu, vùng xa, nơi mà sự hiểu biết của người dân về chất lượng sản phẩm còn hạn chế.

“Lập lờ đánh lận con đen”

Những ngày này, dạo qua các phiên chợ vùng cao, người ta dễ dàng bắt gặp các tụ điểm bán hàng được căng phông, dựng bạt, loa đài ra rả chào mời giới thiệu nhiều mặt hàng chất lượng cao, nhưng giá cả lại “rẻ như cho”. Những gian hàng “di động” này phần lớn bày bán “thượng vàng hạ cám”, từ các mặt hàng như  xoong  nồi, xô chậu, chảo gang, cặp lồng giữ nhiệt, đồ chơi trẻ em… cho đến đồ điện gia dụng, dụng cụ nhà bếp, mũ bảo hiểm, đồ trang trí gia đình. Mẫu mã của các sản phẩm này đa số khá bắt mắt. Dù vẫn biết hàng bán chưa chắc được như quảng cáo, nhưng vẫn có rất đông đồng bào xúm vào mua bán, đơn giản vì nó rẻ.

Bà Sùng Thị Sạ, ở Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai cho biết: “Thấy rẻ thì tôi mua thôi, chứ làm sao mà biết được nó có tốt hay không? Phải dùng mới biết chứ. Với lại họ là “người của công ty” về bán hàng, chắc là cũng bán đồ tốt mà. Mọi khi phải đi bộ xuống tận chợ huyện mất nửa ngày đường mới mua được, giờ họ mang về bản bán, mình mua tiện lắm”.

Do nắm bắt được tâm lý của bà Sạ cũng như của không ít đồng bào khác, một thực tế đang diễn ra ở các bản xa trung tâm, để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, các tiểu thương phục vụ “tận tình” bằng việc chở các xe hàng từ thực phẩm đến các đồ dùng sinh hoạt bằng xe tải, xe máy phục vụ tận bản. Hàng hóa chủ yếu là nhập theo xe hàng, đây là cơ hội để hàng giả hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng tràn vào.

Càng ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa, người dân càng khó để nhận biết được đâu là hàng giả, hàng “nhái”, đâu là hàng thật mặc dù giá cả như nhau. Thấy rẻ, thấy bắt mắt, lại được nghe “người của công ty” tận tình giới thiệu, thế là tặc lưỡi mua về. Chỉ khi mang về dùng thấy chất lượng kém, người ta mới ngã ngửa ra là mình mua phải hàng giả.

Vùng cao “đau đầu” vì hàng giả

Khi mua hàng, người vùng cao phần lớn thường chỉ quan tâm đến giá cả

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả người dân ở nhiều trung tâm thị trấn của nhiều huyện vùng cao vẫn “dính bẫy” của những bọn buôn hàng nhái. Càng vào những ngày cuối năm, lượng hàng hóa ở các phiên chợ này ngày càng đa dạng và phong phú. Ngoài các loại hàng hóa do đồng bào các địa phương sản xuất, bày bán, chợ còn bày bán các loại hàng hóa khác được đưa từ khắp nơi về, nhiều loại không ghi nơi sản xuất, thời hạn sử dụng, chất lượng, giá cả.

Nếu như ở thành phố, thị xã hoặc trung tâm thị trấn, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng thường gặp là quần áo, giày dép và một số mặt hàng điện tử công nghệ cao… thì tại các huyện vùng cao chủ yếu là đồ nhựa, áo quần, nước giải khát, bánh kẹo và các sản phẩm tiêu dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như mì chính, nước mắm, bột giặt, dầu gội...

Trên những sạp hàng tạp hóa cũng có đầy đủ chủng loại, nhưng hầu hết là hàng nhái các thương hiệu lớn với những tên gọi “na ná” giống nhau. Chẳng hạn, gói bánh Chocopie của Orion thì cũng có loại khác với bao bì gần giống nhưng được gắn nhãn Chocopai hoặc Choco.bic; bánh Custas và Custard, nước khoáng Aquafina và Aqualav…

Với đặc điểm bao bì, tên gọi “na ná” giống nhau, “lập lờ đánh lận con đen” như thế, nhiều người tiêu dùng không thể phân biệt được thực hư. Lợi dụng thói quen tiêu dùng trên, hàng kém chất lượng càng có cơ hội tung hoành tại vùng miền núi và trở thành “đại bản doanh” cho hàng giả, nhái, kém chất lượng, còn người tiêu dùng thì “vô tình” tiếp tay cho gian thương trục lợi. Mặc dù, những tháng cao điểm cuối năm, ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, hiệu quả của kiểm tra, kiểm soát cũng còn nhiều bất cập.

Nguyên nhân là do các đoàn kiểm tra chủ yếu chỉ kiểm tra được phần tem, nhãn mác, còn kiểm tra chất lượng thì cần phải có cơ quan chuyên môn kiểm định. Bên cạnh đó, do nhu cầu của người dân, nhất là vào dịp cuối năm ở vùng cao rất lớn. Mỗi ngày, có đến hàng nghìn loại hàng hóa từ nhiều vùng miền, được vận chuyển lên rồi tỏa vào các bản làng.

Vì vậy, việc quản lý hàng hóa, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng “nhái”, hàng giả, hàng kém chất lượng ở những địa phương này thậm khó.

Vùng cao “đau đầu” vì hàng giả

Hàng tấn hàng giả bị lực lượng chức năng Lào Cai tiêu hủy

Cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp

Việc tẩy chay hàng giả, hàng “nhái” không rõ nguồn gốc luôn là vấn đề nan giải, bởi ngay cả người tiêu dùng ở miền xuôi dù cẩn thận và có khả năng thẩm định nhất định vẫn không tránh khỏi việc rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Thế nên, việc kiểm soát hàng giả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã và đang là bài toán hóc búa đối với các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm hàng giả, xâm phạm QSHTT, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng. Mặc dù lực lượng chức năng tích cực ngăn chặn nhưng hiện nay, hàng giả, hàng nhái có mặt ở hầu hết các phân khúc của thị trường, từ quầy hàng tạp hóa, các phiên chợ vùng sâu, vùng xa, đến cả hệ thống siêu thị hiện đại,…

Điều đáng nói là ở một số địa phương, chính quyền buông lỏng quản lý, thậm chí chỉ vì thiếu cảnh giác mà vô tình “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tung hoành bằng cách cho phép một số tổ chức, cá nhân mang hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng về địa phương mình rao bán.

Vào cuối tháng 10/219, hàng trăm người dân các xã Hành Trung, Hành Minh, Hành Phước thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung về UBND xã phản ánh về thủ đoạn lừa đảo bán hàng kém chất lượng của một doanh nghiệp. Đồng thời, người dân đã chặn xe, giữ người của đơn vị bán hàng, yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền cho bà con.

Để thu hút người dân mua hàng, nhóm người này đã đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Tặng quà, hoàn tiền hay mua một tặng một. Sau khi mang sản phẩm về nhà, mở ra kiểm ra và sử dụng, hàng trăm người dân phát hiện rằng bao bì dán nhãn hãng này nhưng sản phẩm bên trong lại của hãng khác.

Với thủ đoạn "treo đầu dê, bán thịt chó", nhiều doanh nghiệp vẫn tìm về các vùng nông thôn, miền núi ít được tiệm cận nhanh, chính xác với thông tin, hiểu biết còn kém để bán hàng kém chất lượng trục lợi. Đáng buồn hơn là hoạt động này lại được chính quyền địa phương vô tình tiếp tay thông qua việc cho phép và gửi giấy mời...

Theo ý kiến của một số chuyên gia, nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái đang có chiều hướng gia tăng do việc xử lý hành vi vi phạm thiếu những chế tài xử lý thích đáng, tạo ra “lỗ hổng” pháp lý để các đối tượng lợi dụng. Ngoài ra, cơ chế pháp luật cũng chưa bảo đảm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào cuộc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái. Thủ tục khiếu nại, tố cáo sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh khi phát hiện những hành vi xâm phạm còn phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc,...

Bên cạnh đó, việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào. Theo quy định của pháp luật, để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Theo quy định của pháp luật thì chính đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyện chịu nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Có thể thấy, tất cả những hạn chế, nguyên nhân kéo dài trong nhiều năm đã khiến nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên phức tạp, nghiêm trọng, khó có thể khắc phục ngay một sớm một chiều. Vì vậy, để ngăn chặn, khống chế vấn nạn này, cần có sự phối hợp của toàn xã hội, thiết lập cầu nối giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp với người tiêu dùng và cần tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ để toàn xã hội nói không với hàng giả, hàng nhái để mỗi người tiêu dùng đều là một người tiêu dùng thông thái.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vùng cao “đau đầu” vì hàng giả