Vụ xâm hại quyền sở hữu nhãn hiệu Bảo Xuân: Nhiều cơ quan chức năng lên tiếng

Huy Hùng| 14/07/2016 15:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như Công lý đã đưa tin về việc xâm hại quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu viên uống Bảo Xuân đã kéo dài hơn 4 năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để. Về vụ việc này, nhiều cơ quan chức năng cũng đã nói lên quan điểm của mình.

Cục Sở hữu trí tuệ, Viện KSND tỉnh Hậu Giang kháng nghị

Ngay sau khi phiên sơ thẩm diễn ra, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên xử cơ sở Ngân Anh thắng kiện, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có đơn kháng cáo.

Quan điểm của Cục SHTT cho rằng nhãn hiệu Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa từ trước ngày nộp đơn của Cơ sở Ngân Anh. Đây là các bằng chứng quan trọng để Cục SHTT áp dụng Điều 74.2g, Luật Sở hữu trí tuệ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu.

Theo Cục SHTT, hai sản phẩm mang nhãn hiệu Bảo Xuân của Công ty Ích Nhân và sản phẩm mang dấu hiệu “Bảo Xuân” của Cơ sở Ngân Anh thực tế có cùng bản chất làm đẹp và có cùng các kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng thuốc. Điều này được chứng minh thông qua các biên bản kiểm tra, hàng loạt cửa hàng có sản phẩm nhãn hiệu Bảo Xuân của Cơ sở Ngân Anh bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt từ năm 2012 đến nay.

Đồng thời, việc phân loại hàng hóa đăng ký nhãn hiệu theo danh mục phân loại quốc tế quy định tại mục 37.4.e của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN chỉ phục vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu, tra cứu và quản lý chứ không làm ảnh hưởng đến việc đánh giá khả năng phân biệt, đăng ký của nhãn hiệu.

Hơn nữa, Viện Khoa học SHTT là cơ quan có chức năng chuyên môn và thẩm quyền giám định về SHTT nên các kết luận giám định và các bằng chứng về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bảo Xuân có trong hồ sơ vụ kiện chính là những căn cứ rõ ràng nhất. 

Về phía VKSND tỉnh Hậu Giang, đơn vị này cho biết, tại Quyết định số 69/QĐKNPT-P10 của VKSND tỉnh Hậu Giang nêu rõ: “Căn cứ vào các chứng cứ được thể hiện trong hồ sơ vụ kiện, các chứng cứ mà đương sự cung cấp tại phiên tòa và kết quả giám định đã nêu có căn cứ để xác định Quyết định số 11692/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục SHTT từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân cho Cơ sở Ngân Anh là có căn cứ”.

Cơ sở Ngân Anh từng thừa nhận hành vi vi phạm và bị thu hồi sản phẩm

Theo hồ sơ quản lý tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang, tại buổi làm việc ngày 5-11-2012 giữa lãnh đạo Chi cục và đại diện Công ty Ích Nhân, Cơ sở Ngân Anh, ông Nguyễn Văn Tân, đại diện chủ Cơ sở Ngân Anh đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Công văn số 354/QLTT-NVTH ngày 13-11-2012 của Chi cục nêu rõ: “Về phía Cơ sở Ngân Anh, đại diện chủ cơ sở đã thừa nhận hành vi vi phạm sử dụng dấu hiệu Bảo Xuân và hình in trên bao bì, vỏ hộp và lọ mỹ phẩm tương tự gây nhầm lẫn và là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 140154 và 172834; cam kết dừng sản xuất đối với các sản phẩm mang nhãn hiệu Bảo Xuân và tiêu hủy các bao bì, vỏ hộp, lọ mang nhãn hiệu Bảo Xuân; thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu Bảo Xuân đã đưa ra lưu thông trên thị trường (thời hạn thu hồi, tiêu hủy 40 ngày)".

Vụ xâm hại quyền sở hữu nhãn hiệu Bảo Xuân: Nhiều cơ quan chức năng lên tiếng

 Văn bản của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ về sai phạm của Cơ sở Ngân Anh

Liên quan đến vụ việc trên, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hậu Giang khẳng định, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang và Cục Quản lý thị trường-Bộ Công Thương đều chung kết luận: Cơ sở Ngân Anh đã có hành vi vi phạm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bảo Xuân đang được bảo hộ của Công ty Ích Nhân. Từ tháng 7-2015, UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Cơ sở Ngân Anh khẩn trương thu hồi các sản phẩm nhãn hiệu Bảo Xuân do đơn vị sản xuất đang lưu thông trên thị trường để tiêu hủy; đồng thời ngừng việc sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có gắn nhãn hiệu Bảo Xuân tại địa bàn tỉnh.

Qua những thông tin trên cho thấy, các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, tỉnh Hậu Giang đều cho rằng, Cơ sở Ngân Anh có sai phạm và sai phạm được xác định theo đúng pháp luật. Cơ sở này cũng đã nhiều lần bị xử phạt về hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp cũng như từng tự thừa nhận vi phạm.

Thiết nghĩ, các cơ quan pháp luật cần sớm làm rõ, không để đúng sai lẫn lộn dẫn đến “nhờn luật”, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của các văn bản pháp quy bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ xâm hại quyền sở hữu nhãn hiệu Bảo Xuân: Nhiều cơ quan chức năng lên tiếng