Ung thư từ thực phẩm bẩn đang gia tăng

Mai Thoa| 04/05/2016 13:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến năm 2020, dự báo Việt Nam phát sinh 200.000 ca ung thư mới, trong đó 35% số ca do thực phẩm không an toàn… là con số đáng lo ngại được đưa ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn” sáng nay 4/5.

Tại buổi tọa đàm này, các đại biểu đã bàn nhiều về thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay và mối lo đến sức khỏe con người cũng như sự ảnh hưởng của nó đến thế hệ tương lai, khi mà nguy cơ về một nguồn nhân lực bị đe dọa bởi bệnh ung thư không thể coi thường.

Ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực phẩm an toàn là phải đạt chất lượng tối thiểu. Thực tế, ATTP hiện nay đang là “vấn nạn”, khi mà tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan.

Còn ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội ví vấn nạn thực phẩm bẩn cũng nguy hiểm giống như “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí vậy. Vì thực phẩm bẩn không chỉ ở chợ, ở các gánh hàng rong mà có cả trong các siêu thị nếu buông lỏng quản lý các hợp đồng mua bán với nhà cung ứng. Các loại hóa chất độc hại có trong lương thực, thực phẩm cũng đã gây nên nhiều loại bệnh trong đó có bệnh ung thư với trung bình mỗi năm có ít nhất 125.000 trường hợp mắc mới. Số người chết hằng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% của tổng số người bệnh.

Theo ông Phú, người dân đang đi vào “ma trận” hàng hóa và “lỗi là của các cơ quan quản lý”. Nên “các lỗi này phải được nhận ra để chủ động bảo vệ người tiêu dùng trước thực phẩm bẩn. Đồng thời, còn bảo vệ cả nền du lịch, uy tín thị trường…”. Trong khi, hiện chúng ta chỉ kiểm soát thực phẩm từ khâu bán lẻ (phần ngọn) mà quên kiểm soát khâu sản xuất (phần gốc), trong khi 95% thực phẩm bán ở chợ truyền thống.

“Có đợt một siêu thị phải đón đến 8 đoàn kiểm tra thì không thể kiểm soát, ngăn chặn được hết thực phẩm bẩn” – ông Phú chỉ ra nguyên nhân dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan.

Ung thư từ thực phẩm bẩn đang gia tăng

Tọa đàm trực tuyến Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn

Ông Vũ Doãn Duy – Phó Tổng giám đốc Cty CP Food Việt Nam thừa nhận, do chưa bóc tách được trách nhiệm trong cả quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa nên nhà sản xuất, nhà phân phối sẽ “đổ lỗi” cho nhau khi thực phẩm bẩn. Ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, “quy định pháp luật nhiều, mạnh nhưng tình trạng mất ATTP vẫn diễn ra”.

Các chuyên gia cao cấp Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, đánh giá thực phẩm “bẩn, sạch” căn cứ vào 4 tiêu chí về liều lượng kháng sinh, phụ gia bị cấm trong quá trình sản xuất; tồn đọng kim loại nặng; số lượng vi sinh vật gây hại; hàm lượng nitrat (NO3) trong rau, hoa quả. Sản xuất thông thường không được kiểm soát đầu vào. Sản phẩm an toàn nếu được kiểm soát chặt khi các liều lượng kháng sinh, phụ gia bị cấm trong quá trình sản xuất; tồn đọng kim loại nặng; số lượng vi sinh vật gây hại; hàm lượng nitrat trong ngưỡng cho phép.

Những sản phẩm hữu cơ được kiểm soát từ đầu và là không còn liều lượng kháng sinh, phụ gia bị cấm trong quá trình sản xuất; tồn đọng kim loại nặng; số lượng vi sinh vật gây hại; hàm lượng nitrat, an toàn tuyệt đối. Nên sản phẩm hữu cơ là sản phẩm chủ yếu mà thế giới và Việt Nam đang hướng tới nhưng đang thiếu hành lang pháp lý để phát triển.

Ngoài ra, Nhà nước nên đẩy mạnh xây dựng các công cụ để kiểm soát ATTP. Cùng với tăng yếu tố “sạch” trong sản xuất, phân phối thực phẩm phải nâng cao chất lượng, điều kiện sống của người dân thì mới có thể “lọc” thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn. Đồng thời, để ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc đảm bảo ATTP, “phải xây dựng “chuỗi sản xuất” để nếu một cơ sở trong chuỗi vi phạm ATTP sẽ bị loại” thì cơ sở sản xuất sẽ phải “bám” vào những tiêu chuẩn ATTP để sản xuất”.

Chia sẻ những áp lực trong việc “kiểm soát ATTP”, ông Vũ Doãn Duy thừa nhận mong muốn tự kiểm soát được tất cả các khâu trong quá trình sản xuất thực phẩm. Nhưng doanh nghiệp “vật lộn một mình” trong kiểm soát ATTP thì quá khó nên ông Duy thấy doanh nghiệp “cần liên kết thành chuỗi, thành hiệp hội” hoặc xây dựng “hệ sinh thái sản xuất” để có được sản phẩm ATTP. 

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thực phẩm bẩn còn hạn chế khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng ra nước ngoài. Trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng. Năm 2014, Việt Nam cũng có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ung thư từ thực phẩm bẩn đang gia tăng