Thủ đoạn buôn lậu tinh vi hơn, manh động hơn

Lan Trần| 21/05/2018 06:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), trong 4 tháng đầu năm nay, phương thức, thủ đoạn buôn lậu không có nhiều thay đổi, nhưng thủ đoạn của đối tượng tinh vi hơn, manh động hơn.

Theo Chánh VPTT Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế, trong 4 tháng đầu năm 2018, tuy kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã góp phần ổn định ổn định tình hình kinh tế-xã hội, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hàng giả, hàng kém chất lượng còn bày bán tràn lan ở một số nơi.

Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 4 tháng đầu năm 2018 ghi nhận biên giới phía Bắc, nổi lên hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, pháo nổ, hàng hóa như: quần áo, hoa quả, nông sản, thực phẩm, các loại gia cầm, đặc biệt là xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả (tại Cao Bằng).

Biên giới miền Trung, tình trạng buôn lậu gỗ, ma túy, pháo (Hà Tĩnh), rượu ngoại, đường cát... diễn ra rất phức tạp (Quảng Trị).

Biên giới các tỉnh miền Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ Long An và biên giới tỉnh An Giang.

Thủ đoạn buôn lậu tinh vi hơn, manh động hơn

Quý I năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 45.949 vụ việc vi phạm. Ảnh: BCĐ389

Theo đánh giá của BCĐ 389, phương thức, thủ đoạn buôn lậu đến nay không có nhiều thay đổi, nhưng thủ đoạn của đối tượng tinh vi hơn, manh động hơn. Cụ thể như ngày 22/12/2017 tại khu vực Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt đối tượng đã đâm xe ô tô làm 1 cán bộ thuế hy sinh, ngày 07/3/2018 tại Bình Dương đã phát hiện, bắt giữ 03 đối tượng về hành vi vận chuyển 12.850 bao thuốc lá hiệu 555 nhập lậu, đối tượng đã chống đối, tông xe vào lực lượng chức năng khiến 06 chiến sỹ bị thương...

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như: vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà... Tình trạng lợi dụng hình thức quà biếu, hàng xách tay trốn thuế và thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ cũng diễn ra phổ biến.

Trên tuyến biển đường biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng còn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau...

Các đối tượng trong nước móc nối, trực tiếp liên lạc với các chủ đầu nậu ở nước ngoài để vận chuyển xăng, dầu với số lượng lớn, khi phương tiện đến lãnh hải Việt Nam thì tổ chức sang mạn vận chuyển lên các tàu của Việt Nam. Cá biệt, có tàu quốc tịch nước ngoài tổ chức sang mạn trên vùng biển Việt Nam (lực lượng Cảnh sát biển đang tạm giữ 2 tàu nước ngoài sang mạn với số lượng khoảng 7 triệu lít dầu, hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ).

Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu còn diễn ra nhiều nơi. Đặc biệt là tại các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm, nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân như vụ công ty TSC tại Hà Nội, vụ Vinaca tại Hải Phòng, vụ Cà phê pin tại Đăk Nông...

Theo số liệu sơ bộ quý I năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 45.949 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 4.062 tỷ 862 triệu đồng, khởi tố 642 vụ (tăng 51,77% so với cùng kỳ năm 2017), 754 đối tượng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017).

Trước những diễn biến của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại nêu trên, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng các kế hoạch chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng cấm và các mặt hàng khác; Nhận diện các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.

Được biết sau khi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai Kế hoạch công tác năm 2018, các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực đã triển khai kế hoạch công tác năm 2018 phù hợp với tình hình của đơn vị. Văn phòng Thường trực 389 quốc gia đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Ban chỉ đạo ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như: cồn y tế, xăng dầu kém chất lượng, gas giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bẩn…Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo; Tham vấn hướng xử lý tang vật các vụ việc phức tạp có yếu tố nước ngoài và giá trị hàng hóa lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đoạn buôn lậu tinh vi hơn, manh động hơn