Kiểm soát chất lượng thực phẩm phục vụ Tết

Thảo Nguyên| 05/02/2018 14:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp liên ngành và địa phương để tăng cường tuyên truyền, kiểm tra đối với các nhà hàng, cơ sở sản xuất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 66.000 cơ sở thực phẩm. Trong năm 2017, ngoài việc ban hành hơn 200 văn bản chỉ đạo về công tác quản lý an toàn thực phẩm, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 817 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập.

Qua kiểm tra hơn 111.000 lượt cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện hơn 23.000 lượt cơ sở có vi phạm, trong đó có 7.221 cơ sở bị phạt tiền với sống tiền phạt hơn 38 tỷ đồng. Thành phố cũng đưa vào sử dụng có hiệu quả 3 xe kiểm nghiệm nhanh trong các đợt thanh, kiểm tra chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đã xét nghiệm hơn 1.100 mẫu, trong đó có 85 mẫu dương tính, gồm các mẫu rau, củ quả có dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, thịt gia súc có chất tạo nạc, thực phẩm ăn ngay có hàn the, gia cầm dương tính với kháng sinh...

Kiểm soát chất lượng thực phẩm phục vụ Tết

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra an toàn thực phẩm những ngày cận Tết

Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, Tết đến, nhu cầu các loại thực phẩm của người dân thường tăng đột biến, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu... Do đó, người tiêu dùng nên thông thái lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ trong nước, có hạn sử dụng đầy đủ, bao bì bảo đảm chất lượng. Không nên vì tham rẻ mà chọn mua những mặt hàng trôi nổi trên thị trường, tránh bị “tiền mất tật mang".

Sau Tết Nguyên đán, tại nhiều địa phương thường diễn ra các lễ hội mùa xuân, thu hút hàng nghìn người tham gia. Do vậy, dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội thường gia tăng, nhưng chủ yếu mang tính thời vụ, tự phát, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết khu vực phía bắc thường ẩm ướt, phía nam thường nắng nóng gay gắt, là những yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân vui xuân đón Tết, Cục An toàn thực phẩm đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế - thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018 trong đó tập trung vào thành lập các đoàn thanh, kiểm tra từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn và tăng cường công tác thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng nhằm góp phần thay đổi hành vi.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại Thủ đô trong dịp Tết. Lực lượng chức năng đã có công cụ kiểm tra nhanh thực phẩm an toàn. Nếu sản phẩm nghi có sử dụng formal, hàn the sẽ được lấy mẫu kiểm tra ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất lượng thực phẩm phục vụ Tết