Cá nhân có thể bị phạt đến 100 triệu đồng vì vi phạm về ATTP

Lan Trần| 03/09/2017 07:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, đối với cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu; Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Cá nhân có thể bị phạt đến 100 triệu đồng vì vi phạm về ATTP

Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tới 200 triệu đồng. Ảnh minh họa

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Dự thảo Nghị định quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức, theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền bằng 60% đến 80% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thuộc diện phải công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nhưng không công bố để sản xuất thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm…bị phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm.

Sử dụng sản phẩm động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng đồng.

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cá nhân có thể bị phạt đến 100 triệu đồng vì vi phạm về ATTP