Theo TS Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, dù điểm nóng về buôn lậu đã hạn chế nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn có những diễn biến phức tạp.
Phát hiện nhiều hàng cấm nhập lậu qua đường hàng không
Thông tin tại cuộc họp báo “Thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2019. Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới” diễn ra sáng 25/4 tại Hà Nội, TS Đàm Thanh Thế cho biết do Quý I năm 2019, trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có diễn biến phức tạp cả quy mô và tính chất.
TS Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia
Cụ thể, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội,… các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép), bánh kẹo, thuốc lá, thuốc bắc, pháo nổ, các sản phẩm từ động vật… từ Trung Quốc vào Việt Nam, thông qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới.
Trên tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên hoạt động buôn lậu chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, lâm sản, động vật hoang dã,… Đáng chú ý, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới với quy mô lớn, chuyên nghiệp và manh động hơn, thậm chí đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép rượu ngoại, đặc biệt là thuốc lá điếu ngoại và đường cát vẫn diễn biến phức tạp tại địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam bộ như: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang,...
Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, lượng hành khách và phương tiện xuất nhập cảnh tăng đột biến do người dân về ăn Tết hoặc đi du lịch, cùng với đó là lượng hàng hóa, hành lý và ngoại tệ được vận chuyển qua cửa khẩu tăng cao, các vụ vi phạm bị phát hiện chủ yếu tập trung là các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như: Ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, điện thoại, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà,…
Thủ đoạn phổ biến vẫn là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng; không trực tiếp vận chuyển mà thuê những người có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển thay; lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện (trong tháng 1/2019 tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, lực lượng Công an đã phát hiện, thu giữ hơn 1.000 chiếc điện thoại nhập lậu từ nước ngoài về).
Buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp
Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 thông tin, trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: Xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển Miền Trung và vùng biển phía Nam.
Phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa vẫn là không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển ráp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy khỏi vùng biển Việt Nam, có trường hợp không thừa nhận hành vi, không khai báo.
Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites như: Cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi,….có chiều hướng gia tăng. Thủ đoạn là các đối tượng khai báo nhập khẩu mặt hàng gỗ tuy nhiên trong các lô hàng lại cất giấu các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp (liên tiếp trong quý I/2019, lực lượng Hải quan đã phát hiện và thu giữ gần 3.000kg vảy tê tê, hơn 600kg ngà voi tại cảng Hải phòng; mới đây, ngày 26/3/2019, lực lượng Hải quan chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện hơn 9 tấn ngà voi giấu trong container gỗ nhập khẩu tại cảng Đà Nẵng).
Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng trong dịp lễ, Tết tại nhiều địa phương. Tập trung chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng,…
Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh kém chất lượng vẫn bày bán công khai trên mạng Internet gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (vụ ngày 12/1, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện thu giữ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, gồm 2.660 lô kem dưỡng da, 4.499 lọ dầu xoa bóp, 5.590 viên An cung ngưu hoàng hoàn, 31.990 viên Ngưu hoàng thanh tâm hoàn nhãn hiệu nước ngoài).
“Thống kê sơ bộ trong quý I/2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 33.549 vụ việc vi phạm (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN đạt hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ), khởi tố 820 vụ, 982 đối tượng. Những kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh kinh tế, trật tự xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân ghi nhận, ủng hộ”, TS Đàm Thanh Thế nói.
Ông Thế cũng cho hay, trong quý II/2019, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các Ban chỉ đạo 389 các Bộ, ngành địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.