Một số quốc gia đang đặt báo động về tình hình đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Worldometers, tính đến 6h ngày 17/8, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ không ngừng gia tăng, với 58.108 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận.
Toàn cầu trên 21,8 triệu người mắc Covid-19
Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 6h ngày 17/8, toàn cầu ghi nhận 21.814.167 người nhiễm Covid-19, trong đó có 772.630 người tử vong và 14.547.808 bệnh nhân bình phục.
Trong số 6.493.729 ca vẫn còn dương tính với virus SARS-CoV-2 có 64.472 trường hợp nguy kịch.
5 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca nhiễm trong ngày vượt 10.000 ca lần lượt là Ấn Độ cao nhất với 58.108 trường hợp, Mỹ có 35.131 ca, Brazil với 22.365 ca, Colombia với 11.643 ca và Colombo với 10.143 ca.
Các quốc gia có số ca nhiễm trong ngày từ 1.000 ca đến 10.000 ca tập trung chủ yếu ở Mỹ Latinh và châu Á.
Các nước đối mặt với tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại.
Cho đến nay, 3 quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 trên 1 triệu người vẫn là Mỹ cao nhất với 5.564.920 ca mắc trong đó có 173.072 người tử vong, Brazil cao thứ 2 với 3.340.197 ca mắc trong đó có 107.852 người tử vong và đứng thứ 3 là Ấn Độ với 2.647.316 ca mắc trong đó có 51.045 người tử vong.
Tính theo khu vực, Bắc Mỹ hiện vẫn ghi nhận số người nhiễm cao nhất thế giới với 6.557.729 ca, trong đó có 247.229 người tử vong. Đứng thứ 2 là châu Á với 5.659.772 người nhiễm, trong đó có 120.148 ca tử vong. Cao thứ 3 là Nam Mỹ với 5.282.525 người mắc bệnh, trong đó có 176.022 ca tử vong.
Châu Âu xếp thứ 4 với 3.165.263 ca nhiễm, trong đó có 203.124 người thiệt mạng. Châu Phi ghi nhận 1.122.708 ca nhiễm với 25.670 người tử vong, xếp thứ 6 và cuối cùng là châu Đại Dương với 25.449 ca mắc bệnh, trong đó có 422 ca tử vong.
Báo động về tình hình đại dịch Covid-19 tại một số quốc gia
Một số quốc gia đang đặt báo động về tình hình đại dịch Covid-19. Tại Ấn Độ, số ca nhiễm lẫn tử vong do Covid-19 không ngừng gia tăng, với 12 bang ghi nhận trên 55.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai tại các nước trong khu vực, người Anh đổ xô trở về nước, buộc chính phủ nước này phải siết chặt biện pháp cách ly. Chính phủ Anh cũng loại Pháp, Hà Lan, Malta và 3 quốc gia khác khỏi danh sách các nước được miễn trừ quy định về tự cách ly đối với công dân trở về từ các nước này.
Tại châu Á, chính phủ Hàn Quốc đang ra sức ngăn chặn nguy cơ một đợt bùng phát mới sau khi phát hiện thêm 445 ca mắc Covid-19 chỉ trong ngày 16/8, cao nhất kể từ đầu tháng 3 và các ca hầu hết liên quan đến một nhà thờ ở thủ đô Seoul. Giới chức Seoul ngay lập tức đã ra sắc lệnh yêu cầu xét nghiệm toàn bộ hơn 4.000 thành viên của nhà thờ Sarang-Jeil ở đây, đồng thời khẩn trương truy vết tiếp xúc của các ca bệnh.
Tại Malaysia, giới chức y tế địa phương cho biết họ đã phát hiện biến chủng của virus gây bệnh Covid-19 có tốc độ lây lan gấp 10 lần so với chủng virus gây dịch Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái.
Theo giới chức nước này, biến chủng này sẽ làm phức tạp hơn nữa các nghiên cứu bào chế vắc xin cũng như phương pháp đặc trị Covid-19. Do vậy, giới chức y tế Malaysia khuyến cáo người dân cần thận trọng và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang.
Trong khi đó, tại Canada, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada Theresa Tam thông báo, số ca nhiễm Covid-19 hiện đã lên tới 121.889 người, với 9.024 trường hợp tử vong. Bà Theresa Tam cũng cảnh báo về nguy cơ “đỉnh” của dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ đến vào mùa Thu và gây khó khăn cho hệ thống chăm sóc y tế.
Tại New Zealand, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 17/8 đã tuyên bố hoãn cuộc tổng tuyển cử ở nước này đến ngày 17/10 sau khi bùng phát COVID-19 ở thành phố Auckland. Đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nước này sau 102 ngày không phát sinh ca mắc mới, buộc Thủ tướng New Zealand phải quyết định phong tỏa thành phố lớn nhất đất nước. Trước đó, Thủ tướng Ardern cũng thông báo hoãn giải tán Quốc hội, vốn là kế hoạch mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử tới ngày 17/8 này.