Những vụ án mạng do người tâm thần gây ra trong thời gian gần đây cho thấy cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn để quản lý người bệnh, xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần.
Những vụ án đau lòng
Liên tiếp những ngày gần đây xảy ra các vụ thảm án, đối tượng được cho là tâm thần. Đầu tháng 7 vừa qua là thảm án Lê Quang Lập (20 tuổi) mắc tâm thần đã giết chết bà ngoại và mẹ đẻ của mình tại thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Lập có triệu chứng tâm thần mấy năm nay, được gia đình đưa đi chữa bệnh mới được về nhà, không ngờ lại phát bệnh và ra tay sát hại người ruột thịt.
Chữa trị cho bệnh nhân tâm thần
Ngày 26/7, Hoàng Văn Thanh (51 tuổi) ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa bất ngờ vung dao chém chết mẹ đẻ 88 tuổi giấu vào góc bếp. Vợ Thanh đi chợ về cũng bị chém chết rồi vứt xác xuống ao. Thanh có tiền sử bệnh tâm thần, đã khai nhận tại cơ quan điều tra do hoang tưởng nên mới gây ra vụ việc đau lòng này.
Và mới đây, đầu tháng 8 là vụ án kinh hoàng xảy ra tại thôn Ngoại Đàm (xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương), Phạm Duy Quý chém chết một lúc 4 người là bà nội, cha, mẹ và chị họ gây rúng động dư luận.Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phượng Hoàng cho biết gia đình có ra trạm nhờ tư vấn điều trị chứng bệnh tâm thần phân liệt cho Quý, trạm trưởng đã hướng dẫn gia đình Quý đến BV tâm thần Chí Linh (Hải Dương) để điều trị tiếp, còn thuốc mua về nhà uống không có bệnh án theo dõi.
Trước đó, hàng chục vụ giết người tương tự đã xảy ra ở nhiều địa phương khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai có trách nhiệm quản lý người tâm thần ở cộng đồng?. Vấn đề này dường như vẫn chưa có câu trả lời, vì nước ta hiện chưa có luật về sức khỏe tâm thần và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn chưa phát triển.
Nguy cơ gây án từ người bệnh tâm thần
Tại Hội thảo xây dựng chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030 do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ngành y tế đang đối mặt với áp lực từ các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh về sức khỏe tâm thần. Nước ta nằm trong số các quốc gia chưa có luật về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt còn thiếu chiến lược tổng thể, toàn diện về chăm sóc sức khỏe tâm thần, thiếu cơ chế hợp tác liên ngành với sự phân công trách nhiệm rõ ràng của các bộ, cơ quan liên quan. Đây là một trong những hạn chế của chăm sóc sức khỏe tâm thần ở ta.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có trên 13 triệu người (chiếm 15% dân số) đã và đang mắc 10 chứng rối loạn tâm thần, trong đó có khoảng 4.000 bệnh nhân bị bệnh tâm thần mãn tính, sa sút, không khỏi hẳn được. Đặc biệt những bệnh nhân tâm thần mãn tính này thường có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng nhưng lại đi lang thang ngoài đường hoặc bị nhốt, xích tại các gia đình...
Trong số 10 bệnh lý rối loạn tâm thần, hiện có 2 bệnh lý là tâm thần phân liệt và động kinh được Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư kinh phí để quản lý bệnh nhân tại gần 9.000 xã trong cả nước và 72% bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng được các cộng tác viên y tế cơ sở giám sát, theo dõi, cho uống thuốc. Tuy nhiên, còn tồn tại những yếu kém, bất cập trong việc quản lý bệnh nhân tâm thần ở cơ sở hiện nay. Hiện nước ta chưa có luật về sức khỏe tâm thần nên chưa ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng trong quản lý người mắc bệnh. Mặc dù trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định chữa bệnh bắt buộc đối với những trường hợp bệnh nhân bị kích động mạnh, trầm cảm có ý tưởng hành vi tự sát hoặc có dấu hiệu nguy hiểm tại cộng đồng; nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể ai là người có trách nhiệm đưa đối tượng đó đến cơ sở y tế.
Trong khi đó, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nước ta có khoảng 154.000 người mắc bệnh tâm thần có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng, có thể gây án bất cứ lúc nào.
Xây dựng luật về sức khỏe tâm thần
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân tâm thần ở nước ta đang có xu hướng ngày càng tăng do áp lực công việc, ô nhiễm môi trường, tai nạn thương tích, sự chuyển dịch cơ cấu bệnh lý và tỷ lệ nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện game ngày một tăng. Đặc biệt, theo báo cáo của Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và đào tạo) hiện có hơn 20% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chỉ riêng thành phố Hà Nội đã có tới hơn 20.000 bệnh nhân tâm thần đang sống ở cộng đồng.
Ngay từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Nhưng việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan tố tụng - tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự - còn trước khi người tâm thần gây án, họ không bị bắt buộc chữa bệnh để ngăn ngừa hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Nhiều luật sư cho rằng, mặc dù có thể nhìn thấy trước hậu quả do hành vi nguy hiểm của người tâm thần gây ra nhưng pháp luật hiện hành đang thiếu hẳn quy định về phòng ngừa người tâm thần gây án cũng như trách nhiệm người “cầm chịch” trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh (chính quyền địa phương hay các cơ quan tố tụng?). Và dù cơ quan chức năng có yêu cầu gia đình bệnh nhân đưa người tâm thần vào các trung tâm chữa trị, nhưng nếu gia đình họ không có tiền hoặc neo đơn thì cũng chẳng thể xử lý được.
Trường hợp này, cơ quan điều tra đành giao cho chính quyền địa phương quản lý, tuy nhiên việc làm đó phần nhiều mang tính hình thức, không phải lúc nào chính quyền cũng có điều kiện để mắt đến người tâm thần. Chính vì vậy, việc phải sống chung với người tâm thần đang là mối lo ngại của toàn xã hội khi họ không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Đã tới lúc cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực, phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần…Quan trọng là để giảm áp lực từ các bệnh về sức khỏe tâm thần, đòi hỏi sự phối hợp các biện pháp về y tế và xã hội, sự hợp tác của nhiều lĩnh vực, sự tham gia của các Bộ ngành tư pháp, công an, chứ không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT.