Báo chí trên hành trình chuyên nghiệp hóa

congly.com.vn| 13/04/2012 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người làm báo nào cũng biết rằng, với sức mạnh của dư luận xã hội, báo chí có thể tác động để mang lại vinh quang, quyền lực và tương lai phát triển cho một doanh nghiệp, một con người hay có thể đặt dấu chấm hết cho một sự nghiệp hay một số phận con người…

Thế nhưng trong thực tiễn tác nghiệp lâu nay, một số nhà báo - vô tình hay hữu ý - đã vi phạm các yêu cầu, chuẩn mực đạo đức. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Công lý xin nêu ra một số tình huống đã xảy ra thời gian qua như một bài học kinh nghiệm…

Phóng viên truyền hình tác nghiệp

Không thể vô tình

Trước khi vụ tai nạn thương tâm “sập mỏ đá Lèn Cờ” khoảng hơn 4 tháng, có một phóng viên thực tập ở Đài huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã phát hiện ra sự nguy hiểm chết người của mỏ đá Lèn Cờ, anh này đã tiếp xúc với doanh nghiệp Chín Mến, tiếp xúc với chính quyền địa phương và viết bài cảnh báo gửi mấy báo, trong đó có Báo Công an Nghệ An.

Các tờ báo trên (trong đó có Công an Nghệ An) đã không đăng tải nội dung cảnh báo, mà ngược lại ngày 29-11-2010 Báo Công an Nghệ An còn đăng bài “An toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ” của tác giả Nguyễn Quế Văn số ra ngày 29-11-2010 với nội dung ca ngợi việc chú trọng an toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ.

Thực tế ngày 1-4-2011 tại Lèn Cờ đã xảy ra vụ sập mỏ đá khiến 18 người chết trong đó phần lớn là phụ nữ, 6 người bị thương nặng, để lại 54 trẻ mồ côi. Nguyên nhân được xác định là phương pháp khai thác không đúng (khoét hàm ếch), người lao động thiếu các thiết bị an toàn và không được đào tạo về an toàn lao động.

Như vậy, tác giả Nguyễn Quế Văn và Báo Công an Nghệ An đã đăng tin bài sai sự thật, có thể gián tiếp dẫn tới sự chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát doanh nghiệp dẫn tới tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với người lao động ở mỏ đá Lèn Cờ.

Những “sơ suất” như trên không thể là chuyện vô tình. Sai phạm này là quá rõ, nhưng còn có nhiều tình huống, báo chí có thể vi phạm đạo đức nghề vì… thiếu hiểu biết. Báo chí cũng có không ít những sai sót tác động có hại đến chính sách công. Trong thực tế, không ít vụ án như vụ PMU18, báo chí đã có những lời kết tội cho người bị khởi tố, truy tố, mặc dù chưa có kết luận của Tòa án. Như vậy, vô hình trung, báo chí đã gây bất lợi cho bị can. Đây là một trường hợp điển hình, mặc dù được nhắc đến nhiều trong các bài học về đạo đức nghề báo, nhưng vẫn không ít báo mắc phải. Hay có báo sẵn sàng vì quyền lợi của mình, ém nhẹm, không phản ánh (hoặc phản ánh không đủ mức độ) để tránh việc các cơ quan chức năng ban hành chính sách điều chỉnh kịp thời… Các lỗi của báo chí, hoặc là bị chi phối bởi lợi ích, hoặc do chưa ý thức được sự đúng đắn của vấn đề.

Tâm lý đám đông nhìn từ vụ K+

Truyền hình trả tiền khá phổ biến trên thế giới

Trung tuần tháng 7-2010, truyền hình số vệ tinh K+ của Công ty VSTV (đơn vị liên doanh giữa Đài truyền hình Việt Nam (VTV/VCTV) và Hãng truyền hình Canal+ (Canal Overseas của Pháp) tuyên bố đã có bản quyền phát sóng truyền hình của 7 giải bóng đá lớn trên thế giới.

Lần đầu tiên, người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam bị thu tiền bản quyền sau hàng chục năm sử dụng miễn phí. Để bảo vệ cho quyền lợi của K+ (sản phẩm của VTV và Canal+), hai đài ESPN và Star Sport cũng bị quy định không được phát trên lãnh thổ Việt Nam các trận đấu thuộc bảy giải này trong hệ thống truyền hình cáp. Ngay lập tức các báo có bài lên tiếng phản đối sự “độc quyền” của kênh truyền hình K+. Nhân danh bảo vệ quyền lợi bạn đọc - cũng là những người xem truyền hình miễn phí - hàng loạt báo vào cuộc để thúc đẩy các cơ quan chức năng can thiệp không cho K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá lớn trên thế giới. Thậm chí, có báo còn giật tít “Người nghèo không được xem bóng đá quốc tế”… và mở nhiều diễn đàn trên báo để bình luận về sự việc này.

Ở đây, chúng ta cần thấy một điều: Từ 1986, Việt Nam chính thức tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Và trong nhiều năm, trong các cuộc gặp cấp cao, các nguyên thủ Việt Nam vẫn đề nghị các nước “công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường”. Trên mặt báo, các báo cũng kêu gọi từ bỏ cơ chế “xin-cho”, rồi chuyện khuyến khích vận hành nền kinh tế theo hướng thị trường. Mà trong một nền kinh tế thị trường, mọi thứ đều hoạt động trên nguyên tắc của thị trường. Chính vì có sự mua - bán, lợi nhuận… mới thúc đẩy các nền kinh tế phát triển. Thực tế, những kênh truyền hình giải trí (ca nhạc, bóng đá…) ở các nước phát triển, thì người xem phải trả tiền.

Tuy nhiên, có lẽ do xông xáo bảo vệ “quyền lợi” của số đông, nên các báo đã dồn hết giấy mực để quyết không để K+ thu tiền các giải bóng đá quốc tế quan trọng. Điều này cũng có nghĩa, các báo quyết tâm từ chối mình cần một nền kinh tế thị trường và kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc và có những biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, các loại hàng hóa thiết yếu như thuốc men, đạn dược… liên quan đến sinh mạng của nhiều người, thì mới cần đến sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước không nên can thiệp vào những công việc nhẽ ra là của thị trường. Chuyện xem bóng đá là chuyện của những người có nhu cầu giải trí (trong lĩnh vực bóng đá). Người có tiền sẽ xem bóng đá có chất lượng, và người ít tiền sẽ xem các giải bóng đá có chất lượng không cao. Đó là quy luật của thị trường, có như thế mới khuyến khích được sự tham gia đầu tư của tư nhân, và chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao hơn. Rõ ràng, chuyện giá cước cao, hay chuyện ai đó có trục lợi v.v… chỉ là chuyện nhỏ, nhưng từ chối một hoạt động đáng lẽ ra là của thị trường, thì đó mới là vấn đề đáng bàn.

Khi người dân bị báo chí đánh “hội đồng”

Trung tuần tháng 11-2010, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã tung ra các bài viết về vụ việc bốn đứa trẻ ở Nhà mở Đồng Nai bỏ trốn. Câu chuyện như sau: Vào chiều 8-11-2010, người dân phường 4, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh phát hiện năm đứa bé lang thang trong tình trạng thương tích khắp người nên đưa đến Công an phường. Các cơ quan chức năng phường 4, quận 5 đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh) đưa hai em bị gãy tay đi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp. Hồ Chí Minh) các em khác được đưa vào trung tâm Hỗ trợ xã hội. Đây là những cháu bé được nuôi dưỡng tại Nhà mở (thuộc Tỉnh Đoàn Đồng Nai).

Khi tiếp xúc với phóng viên, những em này kể nhiều lần bị cô giáo (người quản lý nhà mở) đánh nên phải bỏ trốn. Từ lời kể của trẻ con, nhiều phóng viên đã viết bài phê phán nặng nề. Những bài viết về câu chuyện “hành hạ trẻ em ở Đồng Nai” được giật những cái tít “tra tấn như thời Trung cổ”, “địa ngục trần gian”, “bảo mẫu dã man” v.v…

Trong khi đó, ý kiến của những người liên quan, những người có trách nhiệm ở Đồng Nai được nhiều phóng viên tỏ ra nghi ngờ một cách thiếu thiện chí. Đã có 20 cơ quan báo, đài với trên 30 tác phẩm báo chí cùng “vào cuộc” trong sự kiện này (kể cả những tờ báo của Tp. Hà Nội) đã tạo ra một áp lực dư luận lớn. Từ cuộc họp Quốc hội, nhiều đại biểu đọc báo thấy bức xúc đã điện về Đồng Nai. Trung ương Đoàn cũng cử cán bộ tới Đồng Nai. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc…

Sau khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ sự việc, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai để tiếp nhận trẻ. Sau hơn 1 tháng làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, ngày 17-12-2010, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp. Biên Hòa đã có báo cáo kết quả xác minh làm rõ sự việc bằng Báo cáo số 922/BC-CATP-HS với kết luận:

Do Nguyễn Văn Bé Hai thường xuyên nghịch ngợm, quậy phá, không nghe lời nên bị chị Lê Thị Thanh Lan (người trực tiếp nuôi trẻ ở nhà mở - PV) la mắng khiến Bé Hai không muốn ở tại Nhà mở nên đã rủ 4 trẻ khác cùng bỏ trốn. Trước đó, cháu Khoa bị sưng bầm trán do đùa nghịch bị té xuống nền nhà, các cháu khác hoàn toàn khỏe mạnh.

Trong quá trình trèo rào bỏ trốn, cháu Huy bị thanh sắt nhọn trên cổng rào đâm vào ngón tay cái, cháu Quyết do buồn ngủ nên khi ra ngoài bị lạc. Bốn cháu đi trốn khi đến khu vực Cầu Hang, xã Hóa An, Tp. Biên Hòa thì leo lên trên cầu và ngồi chơi trên đường sắt. Khi đang ngồi chơi thì có tàu lửa từ hướng Bình Dương vào Biên Hòa kéo còi các cháu vội nhảy xuống dưới chân cầu.

Khi nhảy lao xuống phía dưới chân cầu, Huy bị cây đâm vào tay trái gây rách da chảy máu. Khoa bị các xây xát và gãy đầu xương quay tay phải, nhiều vết xây xát trên cơ thể. Sau đó các trẻ đón xe buýt đi về Tp. Hồ Chí Minh... Khi tiếp xúc với báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng do Nguyễn Văn Bé Hai ghét chị Lê Thị Thanh Lan và không muốn về Nhà mở, đã tự nghĩ và viết bản tự khai là do bị đánh và hành hạ tại Nhà mở nên rủ các em bỏ trốn.

Căn cứ vào kết quả điều tra Công an Tp. Biên Hòa đã có kết luận không có sự việc các cháu ở Nhà mở Đồng Nai bị gây thương tích và bị hành hạ như báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, các cháu bị thương tích là do té ngã và Công an Tp. Biên Hòa sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Tỉnh đoàn Đồng Nai cũng có cuộc họp báo sau đó. Tại cuộc họp báo này, đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Tp. Biên Hòa đã cung cấp quá trình thực nghiệm điều tra vụ 4 cháu bé tại nhà mở bằng hình ảnh sinh động để khẳng định: không có cơ sở để nói cô Lan và chồng từng dùng xích đánh các cháu, không cho ăn, trói tay chân, nhấn đầu vào lu nước như nhiều tờ báo in, báo mạng đã viết. Nạn nhân chính của sự kiện này là chị Lê Thị Thanh Lan cũng có mặt trong buổi họp báo ấy chỉ ngồi lặng lẽ.

Sau 2 tháng 23 ngày, phải sống dưới búa rìa dư luận oan ức khi bản thân đang mang thai chị Lan, vẫn không nhận được một lời xin lỗi nào từ các cơ quan báo chí dù chị không yêu cầu cải chính hay bồi thường. Chị Lan cũng kể rằng, từ khi sự việc xảy ra, chị bị đình chỉ công tác, bị suy sụp, mất ngủ, sụt ký, trước chị để tóc dài nhưng giờ phải cắt ngắn, đi đâu cũng đeo kính, bịt khẩu trang để không ai nhận ra. Chị không sợ Cơ quan điều tra nhưng rất sợ người dân quá khích gọi điện thoại đe dọa sẽ hành hung.

Lừa dối công chúng vì không kiểm chứng nguồn tin

Chuyện cô Lượm “giả”: Sự việc được bắt đầu từ cuộc thi viết “Mối tình đầu của tôi” do một tờ báo mạng tổ chức năm 2010. Bài viết “Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời” của một cô gái tên Lượm ở Huế đã gây sự chú ý lớn với Ban Tổ chức. Đó là câu chuyện về một đứa trẻ bị bỏ rơi, được bà lão ăn mày nhặt trên ghế đá công viên đem về nuôi và đặt tên là Lượm. Tuổi thơ em là chuỗi ngày đi ăn xin với bà. Lúc 8 tuổi, bà mất, không còn ai che chở, Lượm phải làm nhiều việc để mưu sinh như bán báo, đánh giày thậm chí đi bán bồ đà theo lời dụ dỗ của người không quen biết để rồi bị bắt giam 2 tháng. Nhiều lúc em bị giang hồ bắt đi móc túi, làm “gái bán hoa”.

Một đêm ngủ lại quán cà phê nơi em mới xin vào làm, nhiều thanh niên kéo vào định hãm hiếp, em đã vùng cửa chạy ra đường và gặp được một anh đi xe máy. Em nhờ anh cứu, từ đó hai người gắn chặt với nhau. Sau ngày anh đi Mỹ 4 tháng, em biết mình có thai với anh và quyết tâm sinh con để giữ lại giọt máu tình yêu. Vài năm sau, em như sụp đổ khi được biết, anh bị tai nạn, nằm bán thân bất toại tại Mỹ. Bồng bế con 3 tuổi bị bệnh tim đi bán vé số mưu sinh, Lượm mong chờ tin anh và hy vọng cha mẹ ruột sẽ tìm được mình qua kỷ vật còn lại là sợi dây chuyền bà ăn xin thấy được trên cổ em khi nhặt được ở ghế đá. Lượm chỉ còn biết cầu mong vào những may mắn sẽ cho cuộc đời cô đỡ khổ.

“Nhân vật” Lượm ấy đã được các biên tập viên chương trình “Người xây tổ ấm” chọn vào một talkshow phát sóng đầu năm 2011 đã gây xúc động cho hàng triệu khán giả, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ “cô Lượm”. Nhưng sau đó, nhiều người dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế khi xem truyền hình đã phát hiện “Lượm” chính là Trần Thị Thùy Dương, sinh năm 1983, con gái đầu của ông Trần Văn Thành và bà Lê Thị Liễu sống tại địa phương này cùng với chồng là anh Phạm Văn Thân - làm nghề thợ nề.

Sau khi vụ việc bị vỡ lở, bản thân cô Trần Thùy Dương đã gửi thư “hàng ngàn lần xin lỗi” khán giả cả nước. Báo chí - dư luận sau đó đã tốn khá nhiều giấy mực bàn về câu chuyện này ở nhiều góc tiếp cận khác nhau. Trong số đó, có rất nhiều ý kiến phân tích lỗi của những người làm truyền thông trong việc thẩm định thông tin.

“Người hùng” từ bão Chanchu:

"Người hùng"

Tối 6-8-2006, hình ảnh một người đàn ông - thường trú tại xã Quế Ninh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - trở về sau 83 ngày lênh đênh trên biển được phát trong chương trình thời sự của VTV và ngày hôm sau, nhiều tờ báo trong nước đăng tải câu chuyện cảm động về ngư dân duy nhất trong số gần 300 ngư dân miền Trung mất tích trong bão Chan Chu đã trở về lại mái tranh nghèo với mẹ già, con thơ.

Người đàn ông “trở về từ bão Chanchu” tên Nguyễn Văn Hương, trước ống kính truyền hình, máy ghi âm, máy ảnh đã kể lại “câu chuyện”: “Tôi đi trên tàu ĐNA 90079 của bà Lê Thị Huệ (Thanh Khê Đông, Tp. Đà Nẵng) được hơn nửa tháng thì nghe tin bão đến. Khoảng 3-4 giờ sáng ngày 16-5-2006, khi đang ngồi ăn mì tôm với một bạn nghề thì bất ngờ sóng lớn quật mạnh vào tàu. Chiếc tàu bị nhấc bổng lên rồi lật úp. Trong bóng đêm, tôi chỉ còn biết cố gắng ngoi lên khỏi những cơn sóng dữ để tìm bất cứ thứ gì nổi được mà bám vào. Trôi dạt đến ngày thứ 4 thì cổ họng khô rát, chân tê cứng... Tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng hình ảnh 2 đứa con thơ, người vợ tảo tần và mẹ già tóc bạc ở nhà đã cho tôi thêm sức mạnh để duy trì cuộc sống. Trong lúc tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình sẽ bị chết khát thì bất ngờ tôi nhìn thấy trong chiếc can nhựa buộc ngang bụng còn một ít nước. Tôi đã dùng cái áo lót cho vào can, sau đó đưa lên nhỏ từng giọt nước vào miệng... Đến ngày thứ 13 (tức là ngày 27-5-2006) tôi đã được tàu ông Hai (một chủ tàu không số ở Bình Định) vớt lên và cứu sống...”.

Nhưng một thời gian ngắn sau đó, “người hùng” Nguyễn Văn Hương đã bị lột mặt nạ khi có người xem truyền hình phát hiện ông ta bịa chuyện vật lộn trong phong ba, vì sự thật là trong thời gian ấy, ông ta đang hú hí cùng vợ bé ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Trước đó, các nhà hảo tâm của cả nước “ngưỡng mộ người hùng” đã gửi tiền ủng hộ anh ta xây nhà cửa. Các nhà báo đã bị một vố lừa rất đau vì tin vào nguồn tin… Cuội!

***

Lâu nay, khi nói đến đạo đức báo chí, người ta thường nhắc đến các nguyên tắc xử sự đúng đắn để ngăn ngừa những hành vi không đúng đắn trong hoạt động nghề nghiệp và thường chỉ ra những biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí phổ biến như thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra), thông tin méo mó (sai một phần), không quan tâm đến hậu quả của thông tin, ứng xử nhẫn tâm, đưa tin không khách quan vì mục đích vụ lợi hay vì năng lực chuyên môn kém v.v…

Thế nhưng thực tế, biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí thực sự phức tạp hơn nhiều. Không phải chỉ có “hành vi không đúng đắn” mới vi phạm, mà cả khi “không có hành vi gì” cũng là chuyện vi phạm. Không phải nhân danh sự thật, nhân danh quyền được thông tin, nhân danh lợi ích cộng đồng thì một hành vi của nhà báo đã được “bảo hiểm về đạo đức”… Im lặng, đôi khi là thái độ thiếu đạo đức. Xã hội ngày càng phát triển, những nhóm lợi ích của xã hội ngày càng phức tạp, người làm báo trong giai đoạn mới còn cần phải trau giồi hơn nữa kiến thức, hiểu biết pháp luật và nguyên tắc đạo đức để hành xử chuyên nghiệp.

PHÚ TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí trên hành trình chuyên nghiệp hóa