Gần 20 năm qua, bằng những thứ lá có sẵn xung quanh nhà, ông Cầm Bá Lưu (ở thôn Chiềng, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã chữa khỏi cho hơn 100 người bị rắn độc cắn.
Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm tới thôn Chiềng, xã Xuân Lộc (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) nơi được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp. Địa phương này nằm cách trung tâm huyện khoảng hơn 20km nhưng đường đi quanh co, rậm rạp nhiều cây cối. Người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng việc bám vào rừng và làm ít ruộng, ban ngày vào rừng đốn củi, hái măng, lúc đêm xuống đi “mam” bắt con cá, con cua, đi săn con thú… Chính vì vậy, họ luôn đối diện với những nguy cơ bị các loại rắn độc, côn trùng cắn, nguy hiểm tới tính mạng.
Một bệnh nhân được ông Lưu cứu sống khi bị rắn độc cắn đã biến chứng
Tìm nhà vị lang y không khó, bởi ở xứ này ông là người quá nổi tiếng. Chữa rắn cắn là nghề gia truyền, ông Lưu được bố truyền lại với phương châm “cứu người làm phúc”. Ông chia sẻ: “Bố tôi truyền nghề lại cho tôi là do cơ duyên. Điều kiện nơi đây người dân còn rất khó khăn, xuống viện thì xa, tôi biết nghề nên giúp được người dân không may bị rắn cắn. Khi khỏi họ mang con gà, chai rượu đến cảm ơn là niềm vui, hạnh phúc rất lớn với tôi".
"Từ khi nối nghiệp, chưa bệnh nhân nào mà tôi không chữa được, có nhiều trường hợp quá yếu tôi phải mang thuốc đến tận nhà. Bệnh nhân chủ yếu là bà con, lối xóm. Thời gian gần đây có một số người từ trên xã Lương Sơn, cách đây hơn 30km sau khi bị rắn cắn mang xuống chữa trị tại nhà", ông Lưu nói.
Ông Lưu lên đồi tìm hái lá thuốc
Chia sẻ về những bí quyết chữa trị, ông Lưu nói: “Đây là nghề gia truyền nên không thể tiết lộ các loại thuốc. Thuốc tôi dùng là những thứ lá có sẵn xung quanh nhà. Đắp lá thuốc vào chỗ bị rắn cắn có tác dụng hút nọc độc, chống viêm nhiễm, hồi phục vết thương, mỗi lần đắp tôi kết hợp từ 3 - 4 thứ lá. Điều chỉnh thuốc theo quá trình hồi phục của bệnh nhân. Cách đây một tháng, ông Lương Quang Thắng, người xã Lương Sơn bị rắn hổ mang cắn vào tay, lúc xuống bệnh nhân không đi lại được, sức khỏe yếu, hoại tử gần hết cánh tay do độc tố của rắn. Sau khi chữa trị hơn 1 tuần, hiện bệnh nhân đã lành. Gần đây nhất có cháu bé đi bắt cá đêm bị rắn cắn vào chân sau vài lần đắp thuốc giờ đã khỏi”.
Danh sách những bệnh nhân được ông Lưu chữa khỏi ngày càng dài thêm. Nơi núi rừng âm u, ông đã mang lại sự sống cho biết bao người. Từ làng trên, xóm dưới nhắc tới ông ai cũng dành những tình cảm đặc biệt yêu mến.
Anh Lục Văn Chung, thôn Quẻ nhớ lại: "Tôi bị rắn cắn vào chân năm 2007 trong lúc đi rừng đốn củi, lúc đó sức khỏe yếu, vết cắn sưng to, đau khủng khiếp. Sau hơn 1 tháng được ông Lưu đắp thuốc tôi lại lên rừng bình thường. Chữa xong ông không lấy tiền, gia đình mang chai rượu, con gà tới cảm ơn. Tôi thấy thuốc của ông đắp vừa hiệu quả, mà lại không tốn kém”.
Ông Lương Văn Thành có 2 người con là bệnh nhân của ông Lưu cho biết thêm: “Thằng đầu Lương Công Hoàn đã 2 lần được ông Lưu chữa do rắn độc cắn lúc đi chặt nứa tại xã Xuân Chinh, con gái thứ 2 cũng bị rắn cắn trong lúc đi lấy rau lợn. Nhà thì xa, lại khó khăn nên không có khả năng đi viện, 2 đứa may mà có ông Lưu chữa trị kịp thời, nếu không rất nguy hiểm tới tính mạng".
Trời về chiều kéo cơn dông, ông Lưu vội vàng chạy ra sân mang các mẹt lá thuốc vào nhà vì sợ ướt, xong xuôi đâu đó, ông lại quay lại với chúng tôi: “Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế nên để tiếp cận với các phương pháp chữa trị hiện đại rất khó. Mình biết nghề cứu chữa được càng nhiều người niềm vui càng nhân lên gấp bội. Chỉ cầu mong mình thất nghiệp vì như thế không ai bị rắn cắn nữa”, rồi ông Lưu cười hiền.