Bên cạnh quyền lập pháp và hành pháp, quyền tư pháp luôn có vị trí quan trọng trong những bản Hiến pháp.
Trong Hiến pháp 2013, quy định về quyền tư pháp có những sửa đổi, bổ sung quan trọng và đây là bước tiến dài trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Nhiệm vụ cụ thể hóa các quy định này của Hiến pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là rất quan trọng. Với tư cách là một đạo luật về tổ chức và hoạt động của một cơ quan trong bộ máy Nhà nước, Luật này sẽ bám sát các quy định của Hiến pháp về tổ chức và thực hiện quyền tư pháp. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền tư pháp trong thực tiễn xét xử của Tòa án.
Trước hết, Điều 107 Hiến pháp 2013 khẳng định: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp chứ không chỉ là cơ quan xét xử như Hiến pháp 1992 quy định. TAND thực hiện quyền tư pháp hoàn toàn phù hợp với Điều 2 về nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước khi mà quyền tư pháp được thừa nhận: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy không thừa nhận nguyên tắc tam quyền phân lập nhưng trong Hiến pháp nước ta, quyền tư pháp vẫn đảm bảo độc lập và kiểm soát quyền khác trong cơ chế quyền lực thống nhất ở Quốc hội.
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ có nhiệm vụ quan trọng là cụ thể hóa nội dung của quyền tư pháp quy định trong Hiến pháp. Để làm được điều đó, trước hết cần dựa trên nhận thức thống nhất về nội dung của quyền này trong Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Quyền tư pháp trước hết là quyền xét xử nhưng với tư cách là một loại quyền lực Nhà nước. Quyền tư pháp còn bao hàm nội dung như quyền giải thích pháp luật, quyền kiểm soát các nhánh quyền lực khác theo tinh thần kiểm soát quyền lực quy định tại Điều 2 Hiến pháp. Chính vì vậy, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) bổ sung nhiệm vụ của Tòa án là: Thông qua hoạt động xét xử, phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp.
Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...
Về mặt thực tiễn, để đảm bảo cho Tòa án, với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đồng thời kiểm soát quyền lực, cần củng cố tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án hành chính. Thiết chế Tòa án hành chính đã hiện diện ở nước ta và được coi là biểu hiện sinh động nhất của việc Tòa án kiểm soát các cơ quan hành pháp. Hoạt động của Tòa án hành chính cần được mở rộng thẩm quyền và nâng cao hiệu quả hơn nữa để đáp ứng nhu cầu kiểm soát quyền lực.
Sửa đổi quan trọng trong chương về Tòa án là việc Hiến pháp năm 2013 khẳng định: TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thay cho Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân như Hiến pháp hiện hành quy định. Đây cũng là bước đột phá trong tư duy về pháp luật, tư pháp và Nhà nước pháp quyền. Công lý là lẽ phải, sự công bằng được xã hội thừa nhận. Pháp luật đồng nghĩa với công lý khi nó chuyển tải được những giá trị của công lý. Tuy nhiên, điều đó luôn là mơ ước bởi nhiều khi “quá sức” đối với pháp luật, nhất là hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện. Chính vì vậy, việc khẳng định Tòa án trước hết có nhiệm vụ bảo vệ công lý là hoàn toàn phù hợp.
Từ việc khẳng định Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý sẽ là cơ sở để củng cố chế định về Hội thẩm nhân dân, áp dụng án lệ, tập quán trong quá trình xét xử và áp dụng pháp luật đúng theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Trong Nghị quyết này có chỉ đạo việc xây dựng án lệ như là sự bổ sung cần thiết cho khoảng trống của pháp luật và đảm bảo công lý. Chính vì vậy, điểm c khoản 2 Điều 12, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã cho thấy nhiệm vụ của TANDTC phát triển án lệ là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp về nhiệm vụ của Tòa án là bảo vệ công lý, phù hợp với việc khẳng định Tòa án thực hiện quyền tư pháp, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế mọi mặt và đảm bảo chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp
Nói đến quyền tư pháp là nói đến sự độc lập như một yếu tố thuộc bản chất của nó. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể hiện được một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo sự độc lập của Tòa án. Sự độc lập của Tòa án có thể xét dưới nhiều góc độ, trong đó độc lập trong việc giải thích pháp luật là một nội dung quan trọng. Nói cách khác, phán quyết của Tòa án không thể độc lập nếu Tòa án không được giải thích pháp luật. Tuy nhiên, việc giao Tòa án giải thích pháp luật là vấn đề quan trọng, cần tiếp tục nghiên cứu. Chính vì thế, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cần có quy định mở về vấn đề này bằng việc quy định: TAND thực hiện các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và Luật (chứ không phải pháp luật)
Cuối cùng, điểm nổi bật trong Hiến pháp lần này liên quan đến quyền tư pháp, đó là nguyên tắc tranh tụng đã được hiến định. Tìm ra chân lý trong tố tụng có nhiều con đường và cách thức khác nhau. Tố tụng tranh tụng là mô hình được nhiều quốc gia ưa thích. Việc quy định nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp là sự phù hợp rất logic với việc thừa nhận sự tồn tại của quyền tư pháp và giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Bởi lẽ, đặc thù của tố tụng tranh tụng là sự phân định rạch ròi ba chức năng buộc tội - gỡ tội và xét xử, mỗi chức năng đó do một chủ thể đảm nhiệm.