Chỉ là người nông dân bình thường, chưa bao giờ vượt khỏi luỹ tre làng nhưng ông Nhâm dám ra hẳn nước ngoài tìm đứa con bị lừa bán, và phải mất gần 3 năm vừa hao tiền tốn của, đến lúc sức không thể đi nổi nữa, ông mới đưa được con gái về đoàn tụ với gia đình.
Ẩn sau dáng vóc gầy gò ấy là nghị lực phi thường của người cha, dám một mình băng rừng, vượt núi, ra xứ người giải cứu con gái. Đó là ông Hồ Xuân Nhâm (ảnh), 62 tuổi, trú tại đội 4, thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Rót chén nước chè mời khách, ông Nhâm gọi người con gái từng bị lừa bán sang Trung Quốc lên cùng nói chuyện. Quá khứ về những ngày tủi nhục dần hiện về qua lời kể của cô gái.
Cách đây 5 năm, hôm đó là ngày 12-7-2006, bà Đỗ Thị Xy, chị vợ ông Nhâm, quê ở thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội, đến nhà xin phép cho con gái ông Nhâm là Hồ Thị Hằng, khi đó mới 18 tuổi, sang Trung Quốc bán hàng cho mình, đến Tết về. Chồng không có nhà nhưng vì tin chị gái nên vợ ông Nhâm đã đồng ý và ngay tối đó, Hằng cùng bác và Hường, con gái bà Xy đi tàu lên Lào Cai sau đó vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
Tối hôm đó ông Nhâm trở về nhà muộn nhưng khi được thông báo con gái đã đi làm ăn thì ông linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra với con gái. Ông mắng vợ con cho rằng "chúng nó là bọn buôn người" và rồi theo giác quan thứ 6 mách bảo, ông Nhâm làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an nhưng không có hồi âm. Tuyệt vọng và đau khổ vì thương nhớ đứa con gái út bé bỏng làm ông Nhâm gầy đi trông thấy, đến nỗi chưa đầy một tháng mà người quen không còn nhận ra một người đàn ông lực điền nay đã hao mòn như mắc bệnh.
3 năm sống trong giày vò, đau khổ, tới một ngày, ông Nhâm nhận được một cuộc điện thoại từ Trung Quốc gọi về. "Giọng bên kia là của con gái tôi, nó mượn điện thoại của một người bên đó gọi về, nhận ra giọng nói của nó, tôi mừng quá", ông Nhâm hồi tưởng.
Suốt một năm sau đó, ông Nhâm lần theo số điện thoại này để hỏi tin con, dùng nó cầu cứu cơ quan chức năng, nhưng những chứng cứ ông đưa ra không thuyết phục được họ. Không ai giúp, ông Nhâm càng thêm tuyệt vọng. Bao đêm không ngủ, ông Nhâm nghĩ bằng mọi giá phải cứu và đưa được con về nước. Ông vay 3 triệu đồng tính lãi ngày, gom nhặt trong nhà được vài trăm nghìn đồng nữa rồi đi theo sự chỉ dẫn của con gái qua điện thoại, vậy mà cũng đến được tận nơi chị Hằng ở.
Giữa bốn bề nhà cửa heo hút, tới một ngôi nhà lụp xụp, được dựng lên bằng mấy cái cọc, đủ kê một cái giường ở giữa rừng chuối mênh mông, ông Nhâm nghẹn ngào khi được con gái thông báo hai đứa bé trai đang nằm trên giường là cháu ngoại mình, còn người đàn ông đứng trước mặt ông lúc đó là con rể ông. "Lúc ấy tôi cũng phấn khởi, có hai đứa bé thì con Hằng cũng sẽ được đùm bọc", ông Nhâm tâm sự.
Ông ra hiệu bằng tay để giới thiệu với "rể" về gia đình. Chẳng biết "rể" có hiểu gì không, chỉ thấy gật gật. Biết ngọn núi bên cạnh cũng có một phụ nữ người Việt Nam đang sống, ông Nhâm sang nhờ làm "phiên dịch" để nói chuyện với "rể". Qua trao đổi, "chàng rể" kể lại rằng, đã mua "vợ" từ Hường (con gái bà Xy) với giá 4.000 nhân dân tệ, đã trả 3.000, còn nợ lại 1.000 tệ nữa. Hai "vợ chồng" sống bằng công việc trồng chuối thuê.
Đưa tay áo gạt nước mắt, ông kể tiếp. Sau lần đi tìm con đó, ông Nhâm đưa vợ và con trai sang thăm nơi ở của vợ chồng con gái. Nhìn cảnh sống của con, vợ chồng ông như đứt từng khúc ruột. Cuộc sống của con gái ông chỉ biết cắm mặt vào hố trồng chuối, ăn uống kham khổ mà không thể san sẻ hay trò chuyện với ai bởi không biết tiếng địa phương, lúc nào cũng bị “chồng” canh chừng vì sợ bỏ trốn.
Thương con, cứ gom được món tiền là ông lại sang thăm con gái, đỡ đần con chút ít công việc. Nhiều khi lúa chưa tới vụ thu hoạch, lợn chưa đủ cân để bán, ông bán cả đất, đồi chè... rồi có lúc trong túi chỉ có vài trăm ngàn, ông cũng đi thăm con. Để hạn chế chi tiêu dọc đường, nhiều đêm ông ngồi bó gối ở nhà ga, thậm chí đi bộ vài tiếng đồng hồ xuyên rừng sang thăm con. Hành lý của ông luôn là ổ bánh mì, tút thuốc lá “Du lịch” và một chai nước. Ngay cả một bát phở ông cũng dè xẻn chẳng dám ăn. Ông tâm sự, mục đích những chuyến viếng thăm con gái của ông là để tìm cách đưa con trở về nước.
Giáp Tết năm 2010, ông Nhâm vạch kế cho chị Hằng đưa cả chồng con về Việt Nam chơi. Khi chị Hằng về đến Hà Khẩu (Lào Cai), người đón chị không phải ông Nhâm mà là mẹ và em trai, bởi lúc này sức ông đã kiệt lắm rồi. Nói đến đây, ông Nhâm lại khóc: "Lúc đó tôi không đi được nữa, tôi nói với vợ con nếu tôi mà đi thì chỉ có nước khênh tôi về mà chôn, tôi đã kiệt sức rồi…".
Những ngày giáp Tết 2010, ông Nhâm mổ lợn ăn mừng. Bà con lối xóm sang chia vui chật nhà, chật sân. Ông bảo, con rể ông cũng mồ côi từ nhỏ, cuộc sống nay đây mai đó, giờ để vợ chồng nó ly tán tôi cũng không nỡ lòng. Tôi ngỏ ý bảo nó về Việt Nam sống, tôi sẽ nhờ chính quyền giúp đỡ phần thủ tục giấy tờ, để vợ chồng nó được sống hợp pháp ở Việt Nam. Riêng với hành vi của mẹ con Xy, Hường, tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để răn đe những kẻ coi thường pháp luật.
Gần 5 năm bền bỉ lần theo dấu con đi để tìm kiếm, ông Nhâm đã đạt được mục đích của mình, một điều mà không phải người cha có con bị lừa bán nào cũng làm được, nhất là với một lão nông, tiếng Việt còn chưa thạo.
An Nguyễn