Vụ bồi thường thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận): Kêu gọi đầu tư được không nếu… “tiền hậu bất nhất”?

Phong Vân| 08/08/2018 09:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận), lẽ ra UBND tỉnh phải tạo điều kiện để DN hồi sinh thì nay lại có sự chỉ đạo "tiền hậu bất nhất" khiến DN càng đi vào bế tắc.

Từ sự… bất nhất

Tháng 2/2003, sau khi bồi thường đất, hoa màu cho dân, Công ty TNHH Vạn Trụ đã được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất theo Quyết định số 434. Đến tháng 6/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi đất của công ty giao cho TKV làm dự án cảng Kê Gà. Đến tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã cho dừng đầu tư cảng Kê Gà và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các DN.

Vụ bồi thường thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận): Kêu gọi đầu tư được không nếu… “tiền hậu bất nhất”?

Công trình đã xây dựng của Công ty Vạn Trụ

Ngày 23/1/2017, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký Văn bản số 283 gửi Bộ Công Thương. Trong phần kết luận về dự án của Công ty TNHH Vạn Trụ, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho rằng: “Thực tế tại thời điểm Nhà nước có chủ trương thu hồi đất để đầu tư xây dựng cảng Kê Gà thì Công ty Vạn Trụ đã có xây dựng một số hạng mục công trình trên đất và có thiệt hại. Ngày 29/12/2017, TKV đã ban hành Văn bản số 6322 gửi UBND tỉnh Bình Thuận. Theo đó, TKV đề xuất: “TKV thuê tư vấn pháp luật cùng TKV làm việc với tỉnh để xem xét”, “làm cơ sở hoàn thiện các nội dung xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ cũng như xem xét tính đúng đắn, phù hợp với pháp luật đối với việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Trụ”.

Tuy nhiên, sau đó TKV không thuê tư vấn pháp luật để làm việc, lại không đồng ý bồi thường thiệt hại cho Công ty Vạn Trụ và báo cáo Bộ Công thương với lý do, Công ty Vạn Trụ vẫn hoạt động xây dựng kinh doanh bình thường nên không có thiệt hại.

Vì vậy, ngày 5/4/2018, UBND tỉnh có buổi làm việc với TKV và ngày 6/4/2018 ra Thông báo số 167. Trong Thông báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam chỉ đạo: “UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất để TKV thuê tư vấn pháp luật cùng làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Trụ”.

Thế nhưng, ngày 10/5/2018, ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lại ký Văn bản số 1846 gửi Bộ Công Thương, báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Vạn Trụ, hoàn toàn không đề cập gì tới nội dung Thông báo số 167 “để TKV thuê tư vấn pháp luật cùng làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Trụ”.

Trái lại, ông Lương Văn Hải cho rằng, Công ty Vạn Trụ “không hợp tác”, “không cung cấp được tài liệu” để chứng minh thiệt hại về tài sản dự án. Thậm chí, ông Hải còn bác luôn kiến nghị của DN xin được bồi thường theo phương án do chính UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra, với kết luận “không có cơ sở để xác định thiệt hại của DN” mặc dù DN đã nộp 4 thùng giấy A4 hóa đơn VAT, chứng từ chứng minh thiệt hại.

Cuối cùng, ông Hải kết luận “các khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Trụ liên quan đến trách nhiệm của địa phương đã được giải quyết”. Điều đáng nói là Văn bản số 1846 gửi Bộ Công Thương đã căn cứ vào nội dung biên bản buổi làm việc ngày 15/11/2017. Mặc dù, biên bản này đã bị DN khiếu nại bởi nội dung làm việc đã được các bên thống nhất trong phòng họp nhưng đại diện Sở Tài chính và TKV lại mang biên bản ra ngoài phòng họp sửa chữa, cắt xén ý kiến của DN và thêm nội dung mới vào, thậm chí có cả ý kiến của lãnh đạo Sở Tài chính mặc dù ông này không dự họp … nhưng chưa được giải quyết.

Đến báo cáo sai bản chất sự việc

Căn cứ vào Văn bản số 1846 của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Công Thương có Văn bản số 4061/BCT-CN gửi Văn phòng Chính phủ mà không đề cập tới đề xuất “TKV thuê tư vấn pháp luật cùng TKV làm việc với tỉnh để xem xét”, “làm cơ sở hoàn thiện các nội dung xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ cũng như xem xét tính đúng đắn, phù hợp với pháp luật đối với việc giải quyết khiếu nại của Công ty Vạn Trụ”. Bộ Công Thương cho rằng, kiến nghị của Công ty Vạn Trụ là “không có cơ sở pháp lý để giải quyết hỗ trợ bồi thường thiệt hại”.

Tuy nhiên mới đây nhất, ngày 20/7/2018, UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 2974 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam ký gửi TKV về việc giải quyết vụ việc của Công ty Vạn Trụ liên quan đến việc dừng dự án cảng Kê Gà. Theo đó, UBND tỉnh cho rằng, tại Thông báo số 167/TB-UBND ngày 6/4/2018 có nêu “UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất để TKV thuê tư vấn pháp luật cùng làm việc với UBND tỉnh để hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Vạn Trụ. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh chưa nhận được thông báo từ phía TKV”. Từ đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị TKV sớm triển khai thuê tư vấn pháp luật để cùng phối hợp với UBND tỉnh giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, tránh để tồn đọng, kéo dài, phức tạp.

Như vậy, Văn bản số 2974 của UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đề nghị TKV giải quyết bồi thường thiệt hại cho Công ty Vạn Trụ và trách nhiệm UBND tỉnh Bình Thuận vẫn còn, chứ không phải hết trách nhiệm như Văn bản số 1846 do Phó Chủ tịch Lương Văn Hải ký.

Lẽ ra, UBND tỉnh Bình Thuận phải nỗ lực tạo điều kiện cho DN hồi sinh thì nay với chỉ đạo “tiền hậu bất nhất” như thế này, DN vốn bị thiệt hại nặng nề vì quy hoạch dự án cảng Kê Gà, lại càng đi vào bế tắc. Các nhà đầu tư sẽ nghĩ gì khi có ý định muốn đầu tư vào tỉnh Bình Thuận?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ bồi thường thiệt hại do dừng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận): Kêu gọi đầu tư được không nếu… “tiền hậu bất nhất”?