Vì sao dự án Nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bị chậm?

Tống Toàn| 15/11/2018 08:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ năm 2003, với sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới (WB), cùng sự đồng tình của nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh đã di chuyển hàng nghìn hộ dân dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc định cư nơi khác để cải tạo và xây dựng bờ kênh.

Sau hơn 10 năm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dần dần sống lại, là một công trình mang tính thế kỷ của TP Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục làm sạch nguồn nước thải từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 bằng nguồn vốn vay của WB và đối ứng UBND thành phố để xây dựng một nhà máy xử lý nước thải, công suất 48.000m3/ngày đêm, sau khi xử lý nước sẽ đạt tiêu chuẩn A.

Ông Châu Văn Thuận - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: “Thủ tục hành chính trong giai đoạn 2 đã được rút ngắn hơn giai đoạn 1, việc phê duyệt từng gói thầu phải trình Chính phủ chấp thuận, trong giai đoạn 2 công việc này giao cho chủ đầu tư”.

Cũng theo ông Thuận: Công tác chọn thầu, một “điểm trừ” trong giai đoạn 1 cũng sẽ được khắc phục trong giai đoạn 2, nhà thầu giai đoạn 1 được chọn từ đấu thầu quốc tế, nhưng vì nhiều nguyên nhân đơn vị này không dồn hết lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Sự chậm trễ của nhà thầu đã làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án, làm dự án “trễ hẹn” mấy năm so với kế hoạch.

Vì sao dự án Nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bị chậm?

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiếp tục có nhiều thay đổi

Do đó, Nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với công suất 48.000m3/ngày đêm, mang tên XL-02; hình thức: DBO (thiết kế - xây dựng – vận hành) được thực hiện đấu thầu cạnh tranh quốc tế, có sơ tuyển. Được biết, đầu tháng 8/2017, Ban quản lý dự án mới mở thầu và kết quả có 3 liên doanh nhà thầu nước ngoài có giá thấp hơn giá chào thầu. Hãy chưa nói đến việc chậm trễ gần 4 năm để thực hiện thủ tục này và trách nhiệm thuộc về ai? Nhưng chỉ riêng thời gian từ khi mở thầu đến nay đã hơn một năm mà Ban này chưa chọn được nhà thầu cũng đủ thấy vấn đề nan giải.

Được biết, Ban này đã hai lần trình nhà thầu là liên doanh Tập đoàn Samsung trúng thầu nhưng chưa được WB phê chuẩn, hiện giờ đang tiếp tục trình lần thứ ba. Vì sao vậy? Đành rằng Tập đoàn Samsung bỏ giá thầu thấp nhất so với 2 tập đoàn khác song sự chênh lệch cũng không nhiều. Mặt khác, đây là một công trình xử lý nước thải cực lớn với công nghệ hiện đại thì kinh nghiệm của nhà thầu có lẽ là một vấn đề lớn cần đặt ra trong việc lựa chọn.

Đã nhiều lần tổ hợp các Công ty SUEZ – POSCO cho rằng, Tập đoàn Samsung không sở hữu bất kỳ một quy trình công nghệ xử lý nước thải nào mà Tập đoàn này đã chào hàng công nghệ “Bùn hạt” của NEREDA thông qua hợp đồng cấp bản quyền giữa Tập đoàn Samsung và NEREDA đã ký sau khi nộp hồ sơ dự thầu.

Công nghệ “Bùn hạt” của NEREDA được ứng dụng ở đô thị lần đầu tiên vào năm 2009 và các công thức định cỡ quy trình chưa được thừa nhận, chấp nhận trên quốc tế và ở mức phổ biến là công nghệ tiên tiến. Về mặt này, Mục VI – đoạn 1 1.1.1 - Mục định kích cỡ quy trình của văn kiện đấu thầu quy định: “… Nếu không có công thức (phương trình) như vậy tồn tại và chỉ có kinh nghiệm từ các nhà máy hiện hữu có thể được xem là cơ sở của việc định kích cỡ, kinh nghiệm vận hành nhà máy ít nhất 3 năm trong nhà máy xử lý nước thải có quy mô tương tự, tiêu chuẩn xử lý tương tự và điều kiện khí hậu tương tự thì sẽ phải đưa ra và cung cấp dưới dạng các nhà máy tham chiếu, được xác nhận bởi khách hàng liên quan”. Ngoài ra mục giải thích chi tiết IMA số 179 đã quy định như sau: “Các điều kiện tương tự được định nghĩa là các điều kiện trong hồ sơ sơ tuyển lưu lượng tương tự có nơi tham chiếu lớn hơn hoặc bằng lưu lượng hàng ngày là 240.000m3/ngày…”.

Trên thực tế, liên doanh Tập đoàn Samsung cũng chưa đầu tư và vận hành một công trình xử lý nước thải nào trên thế giới có công suất tương tự hoặc lớn hơn 24.000m3/ngày, mà tổ hợp các Công ty SUEZ – POSCO đã dẫn chiếu trong văn bản. Năng lực và kinh nghiệm nhà thầu phải là một điều kiện tiên quyết để lựa chọn trúng thầu. Nếu các vấn đề nêu trên do tổ hợp các Công ty SUEZ – POSCO đã dẫn chứng là đúng thì Tập đoàn nhà thầu Samsung phải bị loại.

Dư luận cho rằng việc làm của ông Giám đốc Ban quản lý dự án Vương Hải Long là thiếu minh bạch, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về xử lý nước thải đối với công trình này. Nếu ý kiến và các dự báo của tổ hợp các Công ty SUEZ – POSCO là đúng thì thiệt hại đối với dự án này sẽ là đáng kể, liệu ông Giám đốc Ban quản lý dự án có gánh nổi?

Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến công trình này, chúng tôi cho rằng UBND TP Hồ Chí Minh và các ngành chức năng cần vào cuộc làm rõ những vấn đề mà tổ hợp các Công ty SUEZ – POSCO đã nêu trong công văn để tìm được một nhà thầu đủ điều kiện năng lực, lựa chọn một cách công khai minh bạch, tránh các vấn đề đáng tiếc có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao dự án Nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bị chậm?