UBND tỉnh Tiền Giang "cố tình" không thi hành quyết định có hiệu lực của Tòa án

Ngọc Thành| 20/05/2018 07:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực từ 4 năm nay, nhưng UBND tỉnh Tiền Giang vẫn "cố tình" không thi hành, khiến người dân bức xúc.

Theo phản ánh của ông Ngô Tấn Lâm, ngụ ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, ông đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức để yêu cầu xem xét, giải quyết vụ việc UBND tỉnh Tiền Giang cố tình không thi hành Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hơn 4 năm qua.

Theo đơn ông Lâm trình bày và hồ sơ của TAND  tỉnh Tiền Giang cung cấp, từ năm 1985, UBND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến thương lượng (bằng miệng) với gia đình ông Ngô Tấn Lâm có nhu cầu trưng dụng tạm 4.000 mét vuông đất vườn của ông để xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phía gia đình ông Lâm được bồi thường 12.000 đồng tiền thiệt hại hoa màu. UBND huyện còn hứa khi nào không sử dụng phần đất này nữa sẽ trả lại cho ông, còn sử dụng luôn thì sẽ đền bù thỏa đáng cho gia đình ông.

Dù phía UBND huyện Cai Lậy “trưng dụng” 4.000 mét vuông đất này nhưng chỉ sử dụng 500 mét vuông để xây dựng điểm thu mua, chế biến hàng nông sản do Công ty thương nghiệp huyện quản lý. Phần đất còn lại bỏ hoang, lãng phí. Ba năm sau, cơ sở kinh doanh này làm ăn không hiệu quả phải giải thể, phần đất 4.000 mét vuông đất của ông Ngô Tấn Lâm bị UBND huyện chuyển cho Văn phòng Huyện ủy quản lý mà không hoàn trả lại cho chủ đất theo lời hứa ban đầu.

UBND tỉnh Tiền Giang

Ông Lâm với phần đất bị trưng dụng giờ bỏ hoang phế

Sau đó 10 năm, phần đất này vẫn bị bỏ hoang như sa mạc. Ông Ngô Tấn Lâm nhiều lần làm đơn “xin” lại phần đất của gia đình nhưng vẫn bị chính quyền và các cơ quan chức năng huyện, tỉnh từ chối. Điều nghịch lý là trong khoảng thời gian bị mất đất đó, ông Lâm vẫn đóng thuế cho nhà nước.

Đến năm 2.000, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang- Đoàn Văn Tâm ký Quyết định giao phần đất này cho Văn phòng huyện ủy Cai Lậy xây kho và bến tàu. Tuy nhiên sau đó, cơ quan này lại cho một doanh nghiệp thuê với giá 10 triệu đồng/tháng trong thời hạn 10 năm (2000- 2010). Điều đáng nói là doanh nghiệp này lại sử dụng phần đất trên làm Kho chứa xăng dầu buôn lậu, chủ doanh nghiệp bị truy tố và vào tù. Hiện nay, trên phần đất này bị doanh nghiệp thuê xây một biệt thự và một số hạng mục khác rồi bỏ phế.

Ngoài diện tích 4.000 mét vuông đất của gia đình ông Ngô Tấn Lâm, Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy còn tự ý “chiếm” 200 mét vuông đất khác làm con đường cho ô tô ra vào phần đất trưng dụng. Quá bức xúc trước 4.200 mét vuông đất “không cánh mà bay”, ông Ngô Tấn Lâm đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các ngành, các cấp trong tỉnh và TƯ đòi lại đất của gia đình nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 27/10/1997, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ông Nguyễn Văn Khang (nay đã nghỉ hưu), ký quyết định 2979 không chấp thuận cho ông Ngô Tấn Lâm đòi lại số diện tích đất mà phía huyện Cai Lậy đã trưng dụng trên. Sau đó, ông Ngô Tấn Lâm đã khởi kiện UBND tỉnh Tiền Giang. Tại cuộc đối thoại ngày 23/05/2014, giữa TAND tỉnh Tiền Giang-  đại diện UBND tỉnh Tiền Giang và ông Ngô Tấn Lâm, các bên đồng ý  để UBND tỉnh rút Quyết định 2979 và ông Ngô Tấn Lâm rút đơn khởi kiện trên.

Sau đó, ngày 19/08/2013, ông Nguyễn Văn Khang Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lại ký Văn bản 3651 rút lại Quyết định 2979 do chính mình ký trước đó. Ngày 03/06/2014 TAND tỉnh Tiền Giang ra Quyết định đình chỉ vụ án theo Điểm D, khoản 1, Điều 120 của Luật Tố tụng Hành chính. Dù sau 15 ngày, phía UBND tỉnh Tiền Giang không có khiếu nại Quyết định của Tòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang không có kháng nghị nhưng đến nay, Quyết định hình chính vẫn chưa được UBND tỉnh thi hành.

UBND tỉnh Tiền Giang

Công văn 4800 do ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký

Để không thi hành Quyết định của Tòa, đến ngày 8/10/2015, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang lại ký Công văn 4800 với nội dung bảo lưu Quyết định 2979 của Chủ tịch UBND tỉnh đã ký trước đó 8 năm và cố tình không xem xét lại việc xin lại phần đất 4.000 mét vuông của ông Lâm đã bị UBND huyện Cai Lậy “trưng dụng” rồi sử dụng không đúng mục đích.

Điều này cũng có nghĩa là văn bản 4.800 do ông Lê Văn Nghĩa ký cho thấy UBND tỉnh cố tình không thi hành Quyết định của Tòa.

Quá bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật của UBND tỉnh Tiền Giang, ông Ngô Tấn Lâm có đơn yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang thụ lý lại và đưa ra xét xử vụ án khiếu kiện “Quyết định 2979 của UBND tỉnh Tiền Giang ký ngày 27/10/1997". Ông Trần Ngọc Quang, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang ký văn bản 344 ngày 06/8/2015 trả lời Quyết định đình chỉ vụ án này trước đây đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, văn bản 4.800 do ông Lê Văn Nghĩa ký để rút Quyết định 2979 của chủ tịch UBND tỉnh cũng không có giá trị pháp lý; Tòa đã khép lại vụ án này.

UBND tỉnh Tiền Giang

Công văn 344 do ông Trần Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang ký

Luật gia Nguyễn Văn Giáp, Hội luật gia tỉnh Tiền Giang cho biết, việc ký công văn 4.800 của ông Lê Văn Nghĩa, P. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang là vi phạm Điều 314 Luật Tố tụng hành chính. Luật Tố tụng hành chính nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án, quyết định buộc thi hành án của tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”.

Ông Ngô Tấn Lâm, cho rằng: UBND tỉnh Tiền Giang cố tình không thi hành Quyết định của Tòa vừa vi phạm pháp luật vừa gây thiệt hại về vật chất, tinh thần rất lớn cho gia đình ông. Ông sẽ tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến lãnh đạo Đảng- Nhà nước và các cơ quan TƯ xem xét, xử lý vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBND tỉnh Tiền Giang "cố tình" không thi hành quyết định có hiệu lực của Tòa án