Tiền Giang: Người dân "kêu cứu" vì đất sổ đỏ ít hơn thực tế sử dụng

Ngọc Thành| 30/06/2017 12:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một người dân ở Tiền Giang gửi đơn khiếu kiện vì diện tích đất sử dụng nhiều hơn diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ việc đơn giản, nhưng các ngành chức năng và chính quyền địa phương lại o ép người dân, gây khiếu kiện kéo dài.

Mỗi lần đo đạc diện tích đất lại chênh lệch khác nhau

Theo bà Lê Thị Đẹp (ngụ ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) người "vác" đơn đi kiện cho biết, phần diện tích đất ruộng của bà đang canh tác hiện nay do mẹ ruột để lại, vốn là một thửa đất nguyên vẹn. Sau 1975, chính quyền địa phương có đào một tuyến kênh thủy lợi cắt ngang, chia mảnh đất đó ra 2 thửa.

Năm 1983, đoàn đo đạc 299 tiến hành đo để làm hồ sơ đã xác định: Thửa đất thứ 1  có diện tích 3.280 mét vuông; Thửa đất thứ 2 có diện tích 2.530 mét vuông. Đến năm 1997, đoàn đo đạc Vĩnh Long đo lại thì 2 thửa đất này lại có sự chênh lệch: Thửa thứ 1 còn 2.710 mét vuông, giảm 570 mét vuông;Thửa thứ 2 là 2.626 mét vuông, tăng 96 mét vuông.

Tiền Giang: Người dân

Bà Lê Thị Đẹp trình bày với PV về sự việc

Khi gia đình bà thắc mắc về sự thay đổi diện tích bất thường này thì UBND xã Thạnh Nhựt cho rằng, do ranh giới ổn định nên cứ giữ không cần phải điều chỉnh. Đến năm 2007, do tuổi cao sức yếu, mẹ bà Lê Thị Đẹp chuyển toàn bộ diện tích đất cho bà quản lý, canh tác.

Lúc này, cán bộ Phòng tài nguyên- Môi trường huyện và cán bộ địa chính xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây đến khảo sát, đo đạc lại thì diện tích 2 thửa đất trên lại tiếp tục giảm so trước đây. Theo đó, Thửa thứ 1 diện tích còn 2.288,8 mét vuông (giảm 422 mét vuông); Thửa thứ 2 diện tích còn 2.323 mét vuông (giảm 294 mét vuông). Như vậy qua các lần đo đạc, đất của gia đình bà Đẹp mất trên 1.000 mét vuông.

Chính quyền làm việc thiếu công tâm, "đẩy" người dân khiếu kiện kéo dài

Nhận thấy quyền lợi chính đáng của gia đình bị xâm phạm, không có lý do gì mà bỗng dựng diện tích đất bị thu hẹp nên gia đình bà Lê Thị Đẹp có làm đơn khiếu nại đến UBND xã Thạnh Nhựt và nhận được trả lời của ông  Ngô Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thành Nhựt rằng: "cán bộ chuyên môn đo đạc mà không tin tưởng nên không giải quyết".

Sau đó, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang có chủ trương đo đạc lại tổng thể diện tích đất để cấp chủ quyền cho người dân. Lúc này, đoàn đo đạc cùng với cán bộ địa chính xã Thạnh Nhựt đến đo diện tích đất của bà Đẹp nhưng lại không thông báo cho gia đình biết để chỉ vị trí, ranh giới đất cho chính xác.

Đoàn đo đạc đã tự ý đo nhưng không căn cứ vào ranh giới, tiệm bờ ranh mà áp đặt gia đình bà Đẹp phải chịu diện tích theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ (vốn đã sai lệch). Do đó, khi nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sai lệch thấp hơn diện tích đất thực tế gần 900 mét vuông, bà Đẹp rất bức xúc và nhiều lần khiếu nại đến UBND Thạnh Nhựt, UBND huyện Gò Công Tây nhưng 2 cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Đến ngày 27/11/2013, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, ông Ngô Văn Dũng vẫn trả lời với bà Đẹp là áp dụng theo GCNQSDĐ cũ. Trong khi đó bờ ranh không thay đổi như vậy là "ép" gia đình bà Đẹp phải chịu mất đất. Số diện tích đất bị "mất" này, UBND xã Thạnh Nhựt cho rằng của hộ liền kề là ông Lê Văn Thọ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, bờ ranh phía nhà ông Thọ vẫn còn nguyên và hộ này cũng không có đơn khiếu nại gì.

Quá bức xúc trước vụ việc trên, bà Lê Thị Đẹp đã khiếu nại đến UBND tỉnh Tiền Giang, Thanh tra tỉnh. Sau đó đơn khiếu nại của bà được chuyển về, yêu cầu Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Gò Công Tây và UBND xã Thạnh Nhựt giải quyết tiếp. 

Tiền Giang: Người dân

Biên bản làm việc giữa bà Đẹp và UBND xã Thạnh Nhựt

Ngày 23/12/2015, Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện kết hợp với UBND xã xác định lại ranh giới, đo đạc lại diện tích đất này. Sau đó đoàn về lập bản vẽ để cấp sổ đỏ, lúc này cạnh phía Bắc của phần đất lại thụt vào 1 mét so với hiện trạng, phía Đông thụt sang phần đất của một hộ cận kề hơn 2 mét. Với kích thước này thì không đúng với hiện trạng thực tế và bản đồ địa chính trước đây, đồng thời xâm phạm đến diện tích đất của hộ bên cạnh.

Điều đáng nói là diện tích đất này là do cha ông của bà Đẹp để lại chứ không phải sang nhượng từ người khác nên rất ổn định và đất không có tranh chấp từ 4 bên.

Khi bà Lê Thị Đẹp không đồng ý với cách giải quyết thiếu hợp lý thì xã và huyện đều bảo bà kiện ra Tòa. Như vậy chính quyền lại đùn đẩy trách nhiệm cho Tòa án giải quyết, né trách nhiệm của mình.

Tiền Giang: Người dân

Tiền Giang: Người dân

Các văn bản của các cơ quan chức năng trả lời đơn thư của bà Đẹp

Đến nay, bà Lê Thị Đẹp đã gửi đơn đến Sở Tài Nguyên- Môi trường; UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị được xác định lại diện tích đất chính xác của gia đình bà. UBND tỉnh Tiền Giang và Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh đều chuyển đơn về UBND huyện Gò Công Tây và Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây đã ra văn bản trả lời đơn khiếu nại của bà Đẹp và cho rằng do không có tình tiết mới nên không giải quyết.

Trong quá trình đi khiếu kiện đất đai, bà Đẹp cũng đã làm đơn tố cáo cán bộ ấp Bình Tây là Nguyễn Hoàng Anh, cán bộ địa chính Nguyễn Tuấn Hà, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt Ngô Văn Dũng và cán bộ Phòng Tài Nguyên- MT huyện Gò Công Tây Huỳnh Hồng Khải. Nội dung bà Đẹp tố cáo các cán bộ này làm việc thiếu trách nhiệm, phát ngôn thiếu chuẩn mực đối với người dân. Vụ việc hiện đã được UBKT huyện Gò Công Tây xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Sự việc vốn rất đơn giản nhưng UBND xã Thạnh Nhựt và Phòng Tài nguyên- MT huyện Gò Công Tây lại giải quyết không được, gây nên bức xúc cho người dân. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ sự việc, tránh để người dân khiếu kiện kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Người dân "kêu cứu" vì đất sổ đỏ ít hơn thực tế sử dụng