Thất thoát nhà đất công tại quận 7-TP.HCM: Thất thoát công sản, phát sinh khiếu nại

Nguyễn Văn| 16/05/2019 08:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc lãnh đạo UBND quận 7 (TP.HCM) không phân định rõ ràng đất công, không thu hồi các giấy chứng nhận không có hồ sơ gốc, xử lý nghiêm sai phạm đã tạo điều kiện cho hiện tượng trục lợi tài sản nhà nước, phát sinh khiếu nại vượt cấp, làm khó nhà đầu tư.

Hành lang tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ từ cầu Kênh Tẻ xuống đến huyện Nhà Bè (TP.HCM), dù là đất giao thông, nhưng đã bị chiếm dụng để kinh doanh quán nhậu, bán cây cảnh, tập kết phế liệu nên tạo ra hiện tượng phản cảm, bức bí khi mỗi ngày giao thông ùn tắc tại đây là nỗi ám ảnh của mọi người.

Thậm chí, ngay góc ngã tư Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Thị Thập là khu nhà hàng chợ cá với nhiều hạng mục xây dựng được UBND quận 7 cho phép bằng “giấy phép con”, phía trước chiếm trọn phần lộ giới đường giao thông, phía sau nằm đè lên hành lang bảo vệ sông rạch. 

Khu vực siêu thị Lotte quận 7 vốn là khu đất công nhưng bị “hóa kiếp” trong “giai đoạn tranh tối, tranh sáng” đầu năm 2006 đã biến thành tài sản của cá nhân ông Nguyễn Đức Thống, là đại gia ngành điện tử, dùng làm tài sản hoán đổi với Tập đoàn Himlam, để nhận lại khu đất mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ và đang sử dụng làm quán nhậu Thái Đạt. Phần đuôi đất còn lại sau một thời gian dài được dùng làm quán nhậu Thủy Mộc đã được ông Thống tiếp tục “chuyển hóa” thành tài sản của Cty CP đầu tư phát triển giáo dục Tiến Đạt tại số 300 đường Lê Văn Lương, phường Tân Hưng, quận 7.

Thất thoát nhà đất công tại quận 7-TP.HCM: Thất thoát công sản, phát sinh khiếu nại

Đất công thuộc quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Hữu Thọ bị chiếm dụng làm quán nhậu là hình ảnh phản cảm mỗi khi giao thông ùn tắc

Điều đáng nói là quyền sử dụng đất mà ông Thống dùng để thực hiện thành công các giao dịch này lại không hợp pháp vì 33.903m2 đất nông nghiệp tại phường Tân Hưng là tài sản của UBND quận 7, có nguồn gốc là đất nông nghiệp của các xã viên Tập đoàn sản xuất số 9 thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Quy Tây, trong đó có ông Huỳnh Văn Cò.

Tại khu vực vốn đã ken dày các dự án nhà cao tầng là đường Đào Trí, phường Phú Thuận, lại đang tiềm ẩn sai phạm có dấu hiệu lợi ích nhóm tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị do Cty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư, với số vốn 6 tỷ USD. Nhiều công dân đã gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an làm rõ dấu hiệu thất thoát tài sản là đất công, cũng như đất hợp pháp của người dân do cách đền bù thiếu minh bạch từ lãnh đạo UBND quận 7.

Thất thoát nhà đất công tại quận 7-TP.HCM: Thất thoát công sản, phát sinh khiếu nại

Dự án của Cty CP đầu tư phát triển giáo dục Tiến Đạt có dấu hiệu chiếm dụng đất sông rạch, sử dụng đất sai quy hoạch

Theo đơn khiếu nại, ông Đinh Văn Sáng, là đại diện cho 12 công dân được chia thừa kế theo bản án có hiệu lực pháp luật đối với hơn 8.000m2 đất nằm trong ranh dự án này. Là dự án có mục đích kinh doanh, nên ngày 14/10/2015 tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân, đại diện chủ đầu tư đã ký với ông Sáng bản thỏa thuận là chấp nhận chi trả bồi thường, hỗ trợ đời sống của 12 công dân là 670 tỷ đồng.

Trong khi công dân và chủ đầu tư đang thực hiện thỏa thuận thì ngày 24/11/2017, Chủ tịch UBND quận 7 lại bất ngờ ký quyết định bồi thường, hỗ trợ cho phần đất của 12 công dân với số tiền chỉ còn 38 tỷ đồng. Vì quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng, các công dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đề nghị Chủ tịch UBND quận 7 tôn trọng thỏa thuận của chủ đầu tư về quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết.

Qua tìm hiểu, các hộ dân đã phát hiện toàn bộ diện tích đất công trong dự án đã được giao không qua đấu giá, còn nhà đất của người dân thì bị áp giá bồi thường theo khung giá đất hàng năm của UBND quận 7.

Tại ngã 3 đường Đào Trí và đường Hoàng Quốc Việt, gần 10 năm qua vẫn tồn tại điểm nóng về khiếu nại vượt cấp khi 2.800m2 đất ở hợp pháp của hộ ông Trần Văn Thân, đã bị cơ quan chức năng gộp chung vào khu đất công để cho Cty TNHH vận tải Bình Thuận thuê là cơ sở kinh doanh. Vì lãnh đạo UBND quận 7 không giải quyết khiếu nại hành chính theo thẩm quyền mà hướng dẫn công dân ra tòa nên gia đình ông Thân đã khởi kiện.

Nhưng điều trớ trêu là khi công dân thắng kiện với bản án có hiệu lực pháp luật, thậm chí lãnh đạo UBND TP HCM đã phải xin lỗi thay cho lãnh đạo UBND quận 7 về hành vi chậm thi hành bản án, thì đến thời điểm này quyền lợi của người dân vẫn chưa được giải quyết, còn doanh nghiệp vô tư sử dụng diện tích đất có giá trị sinh lợi cao.

Liên quan đến đất công được chuyển thành dự án nhà ở, sử dụng vốn tư nhân tại quận 7, bằng nhiều cách khác nhau thì Hiệp hội bất động sản TP HCM đang tìm cách tháo gỡ cho Cty Khải Thịnh, khi hơn 77.000m2 đất được giao làm Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận, có khoảng 1.758m2 là đất công. Theo quy định pháp luật thì phần đất công này phải đấu giá công khai, khi chủ đầu tư đáp ứng được yêu cầu này thì mới xem là hoàn thành thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mới đủ điều kiện để triển khai dự án. Đây là thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội chứ không phải theo kiểu cũ trước đây là sử dụng văn bản của UBND TP. HCM.

Thất thoát nhà đất công tại quận 7-TP.HCM: Thất thoát công sản, phát sinh khiếu nại

Cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm rõ hành vi sai phạm của cán bộ lãnh đạo quận 7 tại Dự án của Cty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, với số vốn đầu tư 6 tỷ USD.

Nếu trước đó, UBND quận 7 thực hiện đúng kiến nghị của Thanh tra TP. HCM, Thanh tra quận 7, để tiến hành thống kê đầy đủ các diện tích đất công, lập kế hoạch sử dụng đúng định hướng, thì các chủ đầu tư sẽ tham gia đấu giá các khu đất công, đồng thời thỏa thuận với các hộ dân có đất trong ranh dự án được duyệt thì sẽ không bị vướng các thủ tục chung về nhà đất.

Được biết, nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc để xác minh các nội dung khiếu nại liên quan đến sai phạm có dấu hiệu lợi ích nhóm tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị do Cty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula. Nhiều cán bộ lãnh đạo UBND quận 7 đã ký các quyết định hành chính liên quan đến công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư đã được cơ quan công an mời làm việc để làm rõ động cơ, mục đích về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, đối với diện tích 33.903m2 đất nông nghiệp theo giấy chứng nhận không có hồ sơ gốc có tên ông Nguyễn Đức Thống, hiện đang là Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện tử Việt Nam, thì TAND TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo thụ lý vụ án dân sự số 236/2018/TLDS-ST để làm rõ ông Thống hay công dân Huỳnh Văn Cò, hoặc UBND quận 7 là người chủ thực sự của diện tích đất nông nghiệp gây nhiều tranh cãi trong hơn 10 năm qua.

Những tín hiệu mới trên đây đang cho thấy quyết tâm của các cơ quan chức năng cấp trên để sự thật sẽ được làm sáng tỏ, để tài sản nhà nước là nhà đất công tại quận 7 sẽ không còn bị thất thoát, chiếm dụng như thời gian qua. Đây sẽ là bước đi quan trọng nhằm chấn chỉnh sai phạm, ngăn chặn hiện tượng tham nhũng có dấu hiệu lợi ích nhóm của một số cán bộ lãnh đạo quận 7 khi cố tình nhắm mắt làm ngơ cho doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, cho các cá nhân có thành tích bất hảo ngang nhiên trục lợi từ nhà đất công trong sự bất bình của cộng đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thất thoát nhà đất công tại quận 7-TP.HCM: Thất thoát công sản, phát sinh khiếu nại