Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí

Thanh Phương| 21/03/2019 21:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi báo Công lý có bài phản ánh “Chảy máu rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông”, PV đã nhiều lần đến trực tiếp và gọi điện đặt lịch làm việc với Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình, tuy nhiên đơn vị này cố tình né trả lời báo chí.

Liên tục trong 2 ngày 20 và 21/3, PV đã nhiều lần liên hệ tới số máy của ông Lê Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình tuy nhiên ông này không nhấc máy. Khi tới trực tiếp cơ quan thì phòng ông Hải mở cửa, quạt chạy, điện sáng nhưng không có người.

Chúng tôi kiên trì chờ đợi nhưng hết giờ không thấy vị Chi cục trưởng xuất hiện. Khi đi qua phòng Hành chính đăng ký làm việc thì được báo "lãnh đạo bận họp triền miên không tiếp hoặc không bố trí người có thẩm quyền để trao đổi".

Phải chăng Chi cục Kiểm lâm Hoà Bình cũng muốn né trách nhiệm của mình khi rừng đang bị “xẻ thịt”

Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình cố tình né báo chí

Quay về huyện Lạc Sơn, PV được giới thiệu qua kiểm lâm huyện làm việc. Ông Nguyễn Sỹ Bình, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Lạc Sơn thừa nhận: “Chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông. Qua kiểm tra, xác minh thì có việc xảy ra phá rừng trên địa phận xã Tự Do. Chúng tôi cũng thấy một phần trách nhiệm khi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Còn cụ thể thế nào, các anh phải làm việc với cấp trên hoặc trực tiếp Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông".

Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Lạc Sơn thừa nhận có xảy ra phá rừng tại xã Tự Do

Qua đường dây nóng, Báo Công lý liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chảy máu rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn. Dù khu vực khai thác gần khu dân cư, trong thời gian dài nhưng các cơ quan quản lý không hề phát hiện ra. Điều này khiến người dân nghi ngờ có sự làm ngơ của cơ quan quản lý cho lâm tặc lộng hành. 

Được biết, Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông được UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định thành lập số 2714/QĐUB ngày 28/12/2004, nằm giáp với Khu BTTN Bù Luông của tỉnh Thanh Hóa về phía Tây và Vườn quốc gia Cúc Phương tỉnh Ninh Bình về phía Nam. Tổng diện tích là 19.254 ha, thuộc địa phận huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình, với 11.892 người, 2.424 hộ gia đình sống trong 7 xã; dân tộc Mường chiếm 90%, số còn lại là dân tộc Thái và dân tộc Kinh.

Trong đó, đất lâm nghiệp là 16.800 ha, chia ra phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.700 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 4.100 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất khác nằm trải dài trên 7 xã.

Khu BTTN được thành lập nhằm bảo vệ các hệ sinh thái rừng và cảnh quan trên núi đá vôi, bảo vệ các loài động thực vật, nguồn gen, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí

Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị xẻ thịt ngay tại chỗ

Hiện nay, Khu BTTN còn rất nhiều cánh rừng nguyên sinh như: rừng thường xanh trên núi đá vôi có độ cao dưới 300 m; từ 300 -700 m và trên 700m; rừng tre nứa. Về động vật, ở đây còn 26 loài nguy cấp được liệt kê trong sách đỏ thế giới; 56 loài được xếp vào danh sách các loài nguy cấp của Việt Nam và có 2 loại đặc hữu là gấu và sơn dương.

Trước đó, theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã vượt suối, băng rừng để tìm tới hiện trường khai thác gỗ trong khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông. Phải rất vất vả mọi người mới tới được khu vực xóm Trên, xã Tự Do (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Nghỉ ngơi vài phút, anh em lại lên xe máy rồi đi bộ dưới tán rừng. Anh bạn dẫn đường chỉ cho chúng tôi một bãi đất trống, theo quan sát thì đây từng là khu vực được các đối tượng tập kết gỗ để xẻ thành từng khúc, nhiều tấm bìa, gốc, mùn cưa… đã mục. Điều đó chúng tỏ rừng đã bị đốn hạ không chỉ có thời gian gần đây.

Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí

Nhiều gốc cây to bị đốn hạ không thương tiếc

Đi ngược lên trên, nhiều gốc cây to như chò chai, mài lái, gỗ kiêng... có đường kính từ khoảng 40 đến 90 cm đã bị chặt hạ, phần thân đã bị đưa đi còn lại trơ trụi gốc. Các vết cắt đều rất ngọt, chứng tỏ các đối tượng dùng cưa máy, rồi xẻ thành từng tấm ngay tại chỗ để chuyển đi cho thuận tiện.

Cách đó không xa, một lán trại của lâm tặc mới bị đốt bỏ. Từ khoảnh rừng thuộc xóm Trên này tới khu vực có dân cư ở không quá xa. Nếu dùng phương tiện máy móc để khai thác gỗ trong thời gian dài thì rất dễ bị phát hiện. Thế nhưng các đơn vị chức năng lại không ngăn chặn kịp thời.

Trao đổi qua điện thoại, Trưởng ban Quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông Bùi Văn Hùng cho hay: "Tình trạng rừng bị phá là có nhưng chỉ có mức độ nhỏ. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban đã cho kiểm tra, đồng thời báo cáo lên cấp trên. Đây là khu vực giáp ranh nên chúng tôi đã thông báo với Ban quản lý rừng phòng hộ Pù Luông (Thanh Hóa) để phối hợp điều tra, xử lý. Số liệu cụ thể, loại gỗ gì phải chờ kiểm đếm thực tế".

Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí

Rừng bị khai thác trong thời gian dài không bị phát hiện

UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 353/UBND-NNTN ngày 4/3/2019 về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo việc triển khai các hoạt động của BCĐ về chương trình, mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các cấp, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng và báo cáo kịp thời.

UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã duy trì thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng trong cộng đồng dân cư. Chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm huyện phối hợp trong hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Chỉ đạo UBND các xã thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ. Các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện tốt công tác về bảo vệ rừng, ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng trong Khu BTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông bị tàn phá: Chi cục Kiểm lâm né báo chí