Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Tự ra đề thi không sát thực tế

HM - Vũ Ba| 24/01/2018 15:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý nhận được phản ánh của giáo viên và phụ huynh học sinh về việc Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã tự ra đề thi một số môn khối tiểu học không bám sát thực tiễn, kiến thức và kỹ năng cơ bản.

Theo đó, trong kỳ thi học kỳ I, năm học 2017 - 2018 vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo tiến hành ra đề thi 3 môn học gồm: Tiếng Anh lớp 3, Toán lớp 4, Tiếng Việt lớp 5. Đề thi môn Tiếng Anh lớp 3 và môn Toán lớp 4 có thời gian làm bài mỗi môn là 40 phút. Đối với môn Tiếng Việt lớp 5, thời gian làm bài 60 phút. Sau khi ra đề thi, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo tổ chức thực hiện việc coi thi và chấm thi bằng cách đảo chéo giáo viên các trường trên địa bàn huyện.

Theo phản ánh, việc Phòng GD&ĐT huyện ra đề thi, sau đó tổ chức thực hiện đảo chéo giáo viên coi thi là trái quy đinh, đã gây bất tiện, áp lực cho nhà trường, giáo viên và học sinh. Đáng lưu ý, sau khi hỏi về kết quả thi đối với học sinh và kết hợp xem lại đề thi thì nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh đánh giá đề thi thiếu tính thực tế, câu hỏi lan man, đánh đố tư duy, khiến học sinh gặp khó khăn, áp lực trong quá trình làm bài.

Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Tự ra đề thi không sát thực tế

Câu hỏi trong đề thi môn Toán, môn Tiếng Việt do Phòng GD&ĐT Vĩnh Bảo đưa ra

Cụ thể, trong đề thi môn Toán lớp 4, ở câu hỏi số 4 phần tự luận có nội dung như sau: “Một thửa ruộng hình chữ nhật có tổng độ dài hai cạnh liên tiếp là 205m, chiều rộng kém chiều dài 25m. Trên thửa ruộng đó người ta cấy lúa, biết rằng cứ 1m2 thu được 6kg thóc. Hỏi cả thửa ruộng đó thu được bao nhiêu tạ thóc? ”.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là câu hỏi mang tính đánh đố học sinh, bởi số liệu trong câu hỏi không rõ ràng, chưa có số liệu chuẩn về chiều dài, còn chiều rộng sẽ dễ bị nhầm lẫn là 25m và số liệu cho là kg (6kg thóc/m2) nhưng yêu cầu kết quả là tạ thóc (…được bao nhiêu tạ thóc?).

Như vậy, ở câu hỏi mang tính đánh đố này, tư duy các em học sinh sẽ dễ bị đánh lừa. Cũng theo đánh giá của các bậc phụ huynh, đây là câu hỏi toán học nhưng thiếu thực tế, bởi nếu tính bằng số liệu như trên (1m2 được 6kg thóc) thì 1 sào ruộng Bắc Bộ (360m2) thu hoạch được hơn 2,1 tấn thóc. Nếu việc ra đề thi của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo đúng với thực tế thì năng suất lúa của huyện Vĩnh Bảo có lẽ là cao nhất thế giới.

Với môn Tiếng Việt lớp 5, đáng chú ý là câu hỏi tả một trại trung thu, đề thi có nội dung như sau: “Cứ mỗi dịp đến Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm, trẻ em lại háo hức đón chờ một ngày Tết đặc biệt - Tết Trung thu. Bởi ngày này, các em được rước đèn lung linh khắp xóm, những tiếng trống tùng… cheng vang dội của những điệu múa lân, múa rồng. Sau đó, lại được quây quần phá cỗ trong chiếc trại nhỏ ấm cúng. Em hãy tả lại chiếc trại trung thu của xóm (thôn) em với những kỉ niệm khó quên.”

Theo nhiều ý kiến đánh giá thì câu hỏi này được ví như một đoạn trong một bài diễn văn, bởi lẽ nội dung câu hỏi rất lan man, dài dòng đến mức không cần thiết. Và câu hỏi này khiến tư duy học sinh bị phân tán, không tập trung làm bài.

Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Tự ra đề thi không sát thực tế

Trụ sở Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo

Về những phản ánh trên, ông Đoàn Văn Thành, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo xác nhận: Việc Phòng GD&ĐT ra đề thi và tổ chức thi bằng cách đảo chéo giáo viên coi thi, chấm thi tại các trường trên địa bàn trong đợt thi học kỳ I vừa qua là có thật. Ông Thành cho rằng, đây là việc cần thiết để khảo sát, đánh giá chất lượng các trường, chứ không lấy điểm lưu vào sổ và không tính thi đua. Về ý kiến cho rằng có câu hỏi trong đề thi môn Toán, môn Tiếng Việt thiếu tính thực tế, lan man và đánh đố, gây áp lực cho học sinh, ông Thành cho biết, đây chỉ là số liệu đưa ra để các em làm bài thi mà thôi.

Khi được hỏi, việc Phòng GD&ĐT ra đề thi học kỳ cho các trường liệu là đúng hay sai và việc đảo chéo giáo viên coi thi, chấm thi có gây áp lực cho giáo viên, học sinh không, ông Thành cho biết: Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Trưởng Phòng và hiện không có văn bản nào cấm việc đổi chéo giáo viên coi thi các trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Quỳnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo khẳng định: "Việc Phòng GD&ĐT ra đề thi học kỳ và đảo chéo giáo viên coi thi các trường là thực hiện chủ trương để khảo sát, đánh giá chất lượng, đổi mới giáo dục và không gây áp lực cho giáo viên, học sinh vì đã thực hiện nhiều năm". Theo ông Quỳnh, ông cũng biết có những ý kiến phản ánh về việc Phòng GD&ĐT huyện ra đề thi học kỳ và thực hiện đảo chéo giáo viên coi thi các trường. Tuy nhiên, ông Quỳnh khẳng định, đây là việc làm đúng và sẽ chịu trách nhiệm về việc này.

Theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (quy định về đánh giá học sinh tiểu học), việc đánh giá định kỳ về học tập đối với học sinh, được thực hiện vào giữa, cuối học kỳ và cuối năm học. Giáo viên sẽ đánh giá kết quả giáo dục của học sinh sau một giai đoạn bằng cách đánh giá thường xuyên và thông qua “bài kiểm tra định kỳ”.

Tại Khoản 2, Điều 18 Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT quy định: Trưởng Phòng GD&ĐT chỉ đạo Hiệu trưởng tổ chức thực hiện đánh giá, nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh tiểu học trên địa bàn; báo cáo kết quả thực hiện về Sở GD&ĐT.

Hiệu trưởng các trường, chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền thực hiện đánh giá học sinh theo quy định tại Thông tư này…; Tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc thực hiện quy định đánh giá học sinh; Chỉ đạo việc ra đề thi kiểm tra định kỳ....

Như vậy, việc Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo ra đề thi như trên có đúng quy định, có gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phủ lấp vai trò trách nhiệm của giáo viên, Hiệu trưởng các trường hay không? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang quan tâm kính đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ sự việc theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Tự ra đề thi không sát thực tế