Nghệ An: Giải quyết tranh chấp đất rừng, hơn 10 năm chính quyền bất lực?

Nhóm PV| 07/06/2018 08:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được Nhà nước cấp đất rừng sản xuất từ năm 1998, tuy nhiên, nhiều năm nay hộ dân vô cùng bức xúc vì phần đất của gia đình bị người khác đốt phá, lấn chiếm... Sự việc xảy ra đã hơn 10 năm nhưng chính quyền vẫn không thể giải quyết được.

Vừa qua, báo Công lý nhận được đơn phản ánh của bà Tô Thị Hương, trú tại xóm 5, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, (Nghệ An) về việc phần đất rừng của gia đình bà được cấp sổ lâm bạ nhưng vẫn bị người khác tranh chấp.

Trong đơn bà Hương nêu rõ: "Thực hiện trồng rừng 327 của Nhà nước phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế trang trại. Ngày 10/08/1993, tôi cùng một số hộ dân khác làm đơn xin giao đất trồng rừng ở các khu vực khe Hàn, Mạn Tác: xã Thanh An, huyện Thanh Chương. Năm 1997, Lâm trường Thanh Chương hợp đồng với gia đình tôi để khoanh và bảo vệ hơn 14 ha rừng.

Chúng tôi đã được cấp sổ lâm bạ xanh vào năm 1998, từ đó đến năm 2007 chúng tôi vừa bảo vệ rừng, vừa trồng cây sản xuất tăng thêm thu nhập cho gia đình. Suốt bao nhiêu năm canh tác chúng tôi chưa để xảy ra tình trạng cháy rừng mà luôn giữ một màu xanh tươi mát.

Nghệ An: Giải quyết tranh chấp đất rừng, hơn 10 năm chính quyền bất lực?

Diện tích đang tranh chấp bị phát xẻ và đốt thực bì

Năm 2007, ông Nguyễn Công Đức và ông Nguyễn Doãn Truật là công dân xã Thanh An, huyện Thanh Chương sang tranh chấp và nói ông Đức có sổ đỏ phần diện tích đó.

Tôi khẳng định với họ là chúng tôi được cấp, giao có sơ đồ và diện tích, hình thể, sử dụng liên tục từ đó đến nay (thời điểm tranh chấp). Chúng tôi chưa nhận được bản thanh lý hợp đồng của Lâm trường Thanh Chương. Khi mới tranh chấp thì họ nhổ cây, phá trại... việc này tôi đã làm đơn trình báo nhiều lần với chính quyền xã  Thanh An nhưng chính quyền vẫn bất lực".

Theo bà Hương: “Số diện tích đất tại khe Hàn, Mạn Tác mà gia đình bà đã được cấp (thửa đất số 19, tờ bản đồ số 02, khoảnh 2, tiểu khu 996) đang trồng cây, quản lý sử dụng từ đó đến nay, có sổ lâm bạ nhưng lại bị cán bộ  xã và các cấp phù phép làm hồ sơ giả mạo cấp chồng lên để chiếm đoạt của gia đình.

Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư, kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Hiện nay, chúng tôi đang khởi kiện ra tòa, bởi chúng tôi tin vào sự công bằng của tòa án và chỉ tòa án mới đem lại công lý, công bằng cho chúng tôi”.

Mặc dù gia đình đã gửi đơn hàng chục lần, sự việc diễn ra hàng chục năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến gia đình bà bị ảnh hưởng đến đời sống kinh tế cũng như tinh thần. Chưa dừng lại ở đó, vào khoảng 15h ngày 10/5/2018, tại khu vực đang tranh chấp, đã xảy ra tình trạng phát xẻ rừng và đốt thực bì gây ra cháy.

Sau khi sự việc xảy ra, bà Hương đã cấp báo lên chính quyền địa phương. Đồng thời các cơ quan chức năng như Kiểm lâm huyện Thanh Chương, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Thanh Chương, công an huyện, cán bộ địa phương đã có mặt để xác minh sự việc và lập biên bản. Biên bản nêu rõ tại khu vực đang xảy ra tranh chấp có sự việc phát xẻ và đốt thực bì.

Nghệ An: Giải quyết tranh chấp đất rừng, hơn 10 năm chính quyền bất lực?

Biên bản kiểm tra hiện trường

Tại hiện trường có 17 cây gỗ có đường kính từ 9- 15 cm đã bị đốt cháy không còn khả năng sử dụng; hàng trăm gốc nứa đã bị đốt cháy. Đây là diện tích rừng phục hồi, cần được bảo vệ. Tuy nhiên chưa xác định được đối tượng phát xẻ và đốt. Vụ việc đang được giao cho công an huyện Thanh Chương điều tra và làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại công văn số 547/UBND –BTD của UBND huyện Thanh Chương do ông Nguyễn Văn Quế - chủ tịch UBND huyện thể hiện rõ quan điểm: giao UBND xã Thanh An giữ nguyên hiện trạng diện tích rừng đang tranh chấp để chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn đề xuất ý kiến với Ban quản lý rừng phòng hộ và Công an huyện để được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Cảnh Nam – Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: “Sự việc tranh chấp trên lô đất của bà Hương đã xảy ra khá lâu. Chúng tôi đã nhận được đơn của gia đình. Đây là sự việc kéo dài do người trước để lại. Bản thân tôi mới lên và hiện nay đang cùng phối hợp để giải quyết. Còn sự việc phát xẻ, đốt rừng là có thực”.

Liệu việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình ông Đức có gì khuất tất hay có sự tiếp tay của cán bộ địa phương nên sự việc có dấu hiệu chìm xuống để kéo dài như thế? Thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần có sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết tranh chấp, bảo vệ rừng xanh và đem lại niềm tin cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Giải quyết tranh chấp đất rừng, hơn 10 năm chính quyền bất lực?