Kính mắt Việt Tín: Mập mờ hàng “nhái”, hàng “hiệu”?

Nhóm PVĐT| 06/10/2018 11:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kính mắt Việt Tín chuyên cung cấp những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng lại kinh doanh theo kiểu “hàng gì cũng có” khiến khách hàng không khỏi ái ngại.

Kính mắt Việt Tín được giới thiệu là một trong những hệ thống cửa hàng kính uy tín, chất lượng nhất trên địa bàn Hà Nội. Tất cả các sản phẩm kính mắt tại hệ thống cửa hàng của kính mắt Việt Tín đều được chọn lựa kỹ lưỡng khi đưa ra thị trường. Với phương châm “chất lượng thể hiện tất cả”, kính mắt Việt Tín mang đến cho khách hàng dịch vụ hàng đầu, sản phẩm uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xuất xứ sản phẩm dựa vào “niềm tin”

Gần đây, Báo Công lý nhận được phản ánh của bạn đọc về một số showroom của Kính mắt Việt Tín bán nhiều loại kính có kiểu dáng, mẫu mã giống nhau cùng một thương hiệu nhưng lại có giá chênh lệch hàng triệu đồng và không rõ nguồn gốc khiến khách hàng nghi ngại về chất lượng sản phẩm.

Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, trong vai một khách hàng mua kính, PV đã tới một số showroom của Kính mắt Việt Tín, tại số 345 Cầu Giấy và Trung tâm Thương mại DISCOVERY, số 302 tầng 2 Cầu Giấy, Showroom  số C4/142 Giảng Võ, Ba Đình (Hà Nội).

Kính mắt Việt Tín: Mập mờ hàng “nhái”, hàng “hiệu”?

Hai chiếc kính cùng hãng Rayban được bán tại Kính mắt Việt Tín giống nhau về mẫu mã nhưng một chiếc có giá hơn 5.000.000 VNĐ (bên dưới) và một chiếc có giá hơn 1.000.000 VNĐ (bên trên)

Tại showroom số 345 Cầu Giấy và Trung tâm Thương mại DISCOVERY, số 302 tầng 2 Cầu Giấy, PV được nhân viên cửa hàng tư vấn về mẫu mã và các thương hiệu của nhiều hãng kính thời trang khác nhau như Levis, Bvlgari, Valentino…, nhưng với giá chỉ khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Còn tại những tủ hàng đi kèm những thương hiệu như Rayban, Gucci, D&G… có giá trên một triệu đến vài triệu đồng.

Nhân viên tại cửa hàng cũng tư vấn về việc nếu khách hàng muốn mua những mặt hàng cùng thương hiệu mà giá thành rẻ hơn, thì có thể tham khảo các sản phẩm tại quầy.

PV thắc mắc về nguồn gốc những sản phẩm tại quầy, nhân viên cho biết: "Hàng này đều là Trung Quốc, nếu anh muốn mua hàng chính hãng thì sang quầy bên cạnh".

Theo sự chỉ dẫn của nhân viên bán hàng, PV tiếp tục sang gian hàng bên cạnh được cho là hàng chính hãng. Các sản phẩm kính mắt được bài trí trong những tủ kính sang trọng, bắt mắt.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguồn gốc và chất lượng của các sản phẩm kính chính hãng, PV nhận được câu trả lời từ người được cho là quản lý của cửa hàng: “Các sản phẩm tại đây nhập qua kênh phân phối độc quyền, công ty là đơn vị thứ ba. Các đơn vị phân phối không cung cấp giấy tờ CO (hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về XNK của hai nước nhập và xuất khẩu - PV) và CQ (giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế - PV) liên quan đến sản phẩm".

Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi: "Nếu không có giấy chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm, bằng cách nào để phân biệt được hàng thật và hàng giả?". Vị quản lý tiếp tục lý giải: “Phía công ty bán hàng dựa trên việc tư vấn cho khách, các sản phẩm nhập qua kênh phân phối độc quyền. Khách hàng phải xác định khi mua qua một đơn vị bán hàng giống như chúng tôi, có nghĩa là hàng không nhập qua hãng, quan trọng nhất là uy tín nhà cung cấp. Các sản phẩm ở đây bán dựa vào uy tín là chính".

Sau một hồi trao đổi, vị quản lý này khẳng định: “khách mua hàng mà hỏi về giấy tờ chứng nhận xuất xứ thì khách đấy là khách nhà quê”.

Kính mắt Việt Tín: Mập mờ hàng “nhái”, hàng “hiệu”?

Showroom kính mắt Việt Tín số C4/142 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) ngang nhiên bày bán nhiều sản phẩm kính mắt hàng hiệu không rõ nguồn gốc

Chuyển qua Showroom kính mắt Việt Tín số C4/142 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), nhân viên tại đây đưa ra một chiếc kính được cho là hàng có thương hiệu Rayban với giá 5.350.000 đồng. Nhưng khi hỏi về việc “có kính mắt cùng thương hiệu, y hệt như thế này và giá rẻ hơn không?", nhân viên này ngay lập tức giới thiệu về những sản phẩm kính giống hệt mang thương hiệu Rayban, nhưng giá chỉ từ vài trăm đến hơn một triệu đồng.

Trước việc giá cả có phần chênh lệch nhau khá lớn, PV thắc mắc: "Liệu nhìn như thế này, người ta có biết được mình đang dùng hàng nhái không và làm thế nào để phân biệt những chiếc kính này với nhau?". Người nhân viên nhiệt tình tư vấn: “Thật ra, không phải giống hẳn, vì hàng chính hãng vẫn có sự khác biệt nhất định, nếu không phải người chuyên chơi sẽ không phân biệt được. Nhưng nếu như tinh mắt, anh cũng có thể nhận thấy hàng chính hãng mạ rất mượt và sáng, chữ khắc cũng sắc nét. Trong quá trình sử dụng, mắt kính cũng trong hơn. Bình thường, để người khác nhìn vào, cũng khó có thể phân biệt".

Việt Tín đang phát triển quá “nóng”

Kính mắt Việt Tín: Mập mờ hàng “nhái”, hàng “hiệu”?

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty kính mắt Việt Tín khẳng định “Việt Tín phát triển quá "nóng" chưa kiểm soát được tình hình của mình dẫn tới lỗi hệ thống"

Trao đổi với PV về những nghi vấn nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, sự mập mờ giữa hàng nhái và hàng hiệu tại các Showroom của Việt Tín, ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty kính mắt Việt Tín cho biết: “Các sản phẩm của công ty đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong 13 tháng (từ tháng 6/2017 – 7/2018), kính mắt Việt Tín phát triển từ 3 cửa hàng lên 7 cửa hàng tại Hà Nội tuyển 127 nhân sự, có những nhân sự đi làm tới hơn 20 ngày mới chuyển hồ sơ cho mình nên chưa kiểm soát được. Người mới tuyển chưa kịp đào tạo trong thời gian ngắn dẫn tới tư vấn không chính xác. Hơn nữa, do Việt Tín phát triển quá "nóng" chưa kiểm soát được tình hình của mình dẫn tới lỗi hệ thống. Nhưng không làm không được vì năm 2019 hệ thống nước ngoài vào thì cạnh tranh sẽ rất khốc liệt".

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận những giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì cả ông Hùng và kế toán đều có cách lý giải tương tự vị quản lý cửa hàng nọ. “Các sản phẩm được nhập qua kênh phân phối độc quyền, công ty là đơn vị thứ ba. Các đơn vị phân phối chỉ cung cấp hóa đơn của họ chứ không cung cấp giấy tờ CO và CQ liên quan đến sản phẩm. Họ chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm", ông Hùng khẳng định.

Dư luận thắc mắc đặt câu hỏi, liệu những hàng nhái, hàng kém chất lượng có len lỏi vào Showroom kính mắt Việt Tín và hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng?

Đề nghị Cục quản lý thị trường và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của Kính mắt Việt Tín bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kính mắt Việt Tín: Mập mờ hàng “nhái”, hàng “hiệu”?