Hải Phòng: Doanh nghiệp, người dân lao đao sau lệnh cấm xe khách qua phà Gót

V.Ba| 31/01/2018 10:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lệnh cấm xe khách từ 12 chỗ qua phà Gót sang đảo Cát Bà khiến các doanh nghiệp vận tải lữ hành lao đao, không kịp trở tay. Còn với người dân thì thấy vô cùng bất tiện và khó khăn, chưa biết đi lại ra sao sau lệnh cấm này.

Với mục tiêu là giảm thiểu khí thải carbon gây ô nhiễm môi trường, thành phố Hải Phòng đã phát lệnh cấm xe ô tô khách từ 12 chỗ ngồi qua lại phà Gót sang đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng). Thực hiện theo thông báo của Sở GTVT Hải Phòng, từ sáng 25/1/2018, phà Gót thuộc Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thuỷ Hải Phòng đã không cho xe khách từ 12 chỗ đi qua phà đi sang đảo Cát Bà. Để thay thế các phương tiện bị cấm, thành phố Hải Phòng cho 1 hãng xe chở khách trên đảo là Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng.

Để bảo vệ môi trường, lẽ ra hệ thống xe trung chuyển từ bên kia phà Gót (bến Cái Viềng) ra Cát Bà phải được thay thế bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện hoặc sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, hãng xe được chọn để chở khách trên đảo cũng chỉ dùng phương tiện vận tải bình thường, chưa kể nhiều phương tiện còn không mới bằng xe của các hãng du lịch, lữ hành khác.

Theo phản ánh của doanh nghiệp và người dân, sau gần 1 tuần thực hiện lệnh cấm xe ô tô khách từ 12 chỗ qua phà Gót sang Cát Bà đã bộc lộ nhiều hạn chế, các đơn vị vận tải, du lịch lữ hành bị rút ngắn lộ trình, ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Đối với người dân và du khách, lệnh cấm tô khách từ 12 chỗ qua phà sang Cát Bà không những gây nhiều bất tiện, khó khăn mà họ còn phải chịu những khoản chi phí phát sinh, nhất là những người thường xuyên đi lại bằng các phương tiện xe ô tô khách chạy liền mạch từ đất liền ra Cát Bà.

Hải Phòng: Doanh nghiệp, người dân lao đao sau lệnh cấm xe khách qua phà Gót

Du khách phải xuống xe đi bộ, lỉnh kỉnh mang vác hành lý chờ sang phà

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này tại bến phà Gót mặc dù không phải lúc cao điểm của mùa du lịch nhưng việc đi lại của người dân, phương tiện rất nhốn nháo. Đến phà Gót, các phương tiện chở khách từ 12 chỗ ngồi chủ yếu phục vụ khách nước ngoài phải dừng lại đầu bến, còn du khách được thả xuống ai nấy đều lỉnh kỉnh hành lý đi bộ xuống phà. Trong nhà chờ, những hành khách khác cũng đang trong tình cảnh "ôm" hành lý vạ vật chờ qua phà.

Ông Phạm Văn Hoàn là chủ hãng xe tuyến Sa Pa - Cát Bà cho biết, xe chở khách du lịch của ông về tới đầu phà Gót đã bị chặn lại, do không có điểm đỗ nên buộc phải nhanh chóng quay đầu chạy về đất liền. Trong khi đó, hành khách không có điểm ngồi cứ phải vạ vật ôm hành lý chờ ở bến phà. Nhiều hành khách đã phản ứng vì họ phải tự mang vác hành lý qua phà hết sức mệt mỏi, bất tiện.

Theo đại diện bến phà Gót thì nhiều nhà xe, hãng du lịch lữ hành đã tỏ thái độ bức xúc khi bị từ chối chuyên chở. Còn nhân viên bến phà cũng phải mất khá nhiều thời gian và bình tĩnh để giải thích để cho tất cả lái phụ xe phải tuân thủ lệnh cấm.

Hải Phòng: Doanh nghiệp, người dân lao đao sau lệnh cấm xe khách qua phà Gót

Hội viên Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân Cát Hải đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị

Trước những hạn chế do lệnh cấm xe ô tô từ 12 chỗ qua phà Gót, ngày 29/1, Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân Cát Hải đã tiến hành cuộc họp bất thường đồng loạt ký vào đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem lại lệnh cấm trên, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý về cơ sở hạ tầng như: Chưa có bãi đỗ xe, chưa có điểm quay đầu xe, chưa có nhà chờ đủ điều kiện… Đối với du khách, nhất là người già và trẻ nhỏ sẽ khó khăn trong việc di chuyển do người thân không hỗ trợ được vì phải vận chuyển hành lý. Đối với các công ty du lịch, lữ hành sẽ không chủ động xây dựng được các tour liên vùng, cũng như giá tour sẽ bị đẩy lên rất nhiều và hướng dẫn viên lại không quản lý được khách của mình. Còn với du khách, họ sẽ phải mất thêm khoảng 2 giờ đồng hồ cho hành trình của mình sau 4 lần trung chuyển.

Ngoài ra, theo Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân Cát Hải, lệnh cấm sẽ khiến thương hiệu Cát Bà ảnh hưởng, mất đi sự cạnh tranh với các vùng miền khác như: Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Long. Cũng từ đó, đời sống và thu nhập của người dân địa phương bị ảnh hưởng, lượng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng như: nước mắm, hải sản, đồ mỹ nghệ sẽ giảm do khó khăn trong việc trung chuyển.

Hải Phòng: Doanh nghiệp, người dân lao đao sau lệnh cấm xe khách qua phà Gót

Người dân phủ kín biển báo, phản đối lệnh cấm

Đại diện Phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hải Phòng khẳng định, lệnh cấm xe ô tô từ 12 chỗ qua phà Gót sang Cát Bà được thực hiện nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ phương tiện vận tải chứ không có "lợi ích nhóm". Trước khi triển khai lệnh cấm, chỉ có 2 đơn vị là Công ty CP Đường bộ Hải Phòng và Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng gửi phương án, đề nghị được thực hiện vận chuyển khách từ bến Gót đến Cát Bà. Sở GTVT Hải Phòng đã đề xuất cho Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng tổ chức vận chuyển khách du lịch từ bên kia phà Gót (bến Cái Viềng) về Cát Bà và ngược lại.

Trước tình hình cả doanh nghiệp và người dân đều gặp khó, ngày 30/1, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chủ trì cuộc họp về phương án tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn huyện Cát Hải. Sau khi nghe lãnh đạo Sở GTVT báo cáo, ý kiến của lãnh đạo huyện Cát Hải, Chủ tịch UBND thành phố kết luận, tạm thời cho phép các phương tiện xe khách từ 12 chỗ ngồi trở lên lưu thông qua phà Gót đến thị trấn Cát Bà.

Giao Sở GTVT thông báo nội dung trên trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu lập phương án vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn huyện Cát Hải, báo cáo UBND thành phố trong tháng 3/2018.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Doanh nghiệp, người dân lao đao sau lệnh cấm xe khách qua phà Gót